Những kỷ niệm sâu sắc về đồng chí Trường Chinh (kỳ 6)

06:07, 10/07/2018

Trần Lâm

(tiếp theo)

    Tiếng lành đồn xa... Nhiều tỉnh đến tham quan, có người khen, người chê, đa số coi đây là "cứu cánh" gỡ được thế bí cho hợp tác xã nông nghiệp. Nhiều tỉnh khác cũng làm theo "mô hình Kim Ngọc".

    Tin này đến tai đồng chí Trương Chinh. Đồng chí liền đi lên Vĩnh Phú để khảo sát tại chỗ, làm việc với Tỉnh uỷ và các cán bộ phụ trách nông nghiệp tỉnh. Sau khi phân tích những mặt lợi, hại của chủ trương khoán sản phẩm đến hộ xã viên, đồng chí yêu cầu Bí thư Kim Ngọc đình chỉ ngay việc này để tránh làm tan rã quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở nông thôn, tránh khuyến khích ý thức làm ăn cá thể của nông dân, tránh gây trở ngại cho việc huy động sức người, sức của cho kháng chiến và tránh làm suy yếu hợp tác xã đang là pháo đài của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

    Rõ ràng là Bí thư Tỉnh uỷ Kim Ngọc đã chưa cân nhắc toàn diện các mặt, không đặt vấn đề cải tiến hợp tác xã trong bối cảnh quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa mới được hình thành, chưa bám rễ thật chắc vào nông thôn, cũng không đặt vấn đề củng cố hợp tác xã trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở cả hai miền đất nước đang ở trong giai đoạn hết sức quyết liệt.

    Đồng chí Kim Ngọc chỉ sai vì đã đi trước thời gian một thập kỷ. Đúng một thập kỷ sau, vào cuối những năm 70 thế kỷ XX sau khi đã giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi vào xây dựng chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh hoà bình, phong trào "khoán chui" đã xuất hiện ở miền Bắc. Lúc đầu ở Hợp tác xã Đoàn Xá (huyện Đồ Sơn, Hải Phòng) và Hợp tác xã Xuân Thuỷ (Xuân Trường, Hà Nam Ninh). Gọi là "khoán chui" vì chưa có văn bản chính thức nào quy định và vẫn nơm nớp chuyện "Kim Ngọc" năm 1967.

    Anh em phóng viên nông nghiệp của Đài rất nhạy bén với vấn đề này, đã về ngay Đoàn Xá và làm việc với Thành uỷ Hải Phòng, viết phóng sự phản ánh rất chi tiết việc khoán sản phẩm đến người lao động ở hợp tác xã Đoàn Xá. Sau khi phát trên Đài, có rất nhiều thư từ các nơi gửi đến hoan nghênh. Chúng tôi cố dò hỏi xem từ Văn phòng đồng chí Trường Chinh có động thái gì không. Không thấy gì, tạm yên tâm, chúng tôi lại cử một mũi đi về Xuân Thủy cũng là một hợp tác xã rất hăng say thực hiện khoán sản phẩm đến người lao động. Khi phóng viên Trương Hữu Lợi viết xong bài, đưa cho tôi duyệt, tôi thấy rất tốt, nhưng không dám mạo muội cho phát thanh ngay vì bài này viết về quê hương đồng chí Trường Chinh. Tôi gửi bài này lên Văn phòng Trung ương, kèm theo thư đề nghị đồng chí Trường Chinh xem giúp có phát được không. Hôm sau tôi nhận được điện thoại của Văn phòng Trung ương nhắn phóng viên Trương Hữu Lợi lên gặp đồng chí Trường Chinh tại nhà riêng.

    Trước khi viết bài hồi ký này, tôi có mời hai đồng chí Trương Hữu Lợi và Trần Ngọc Thụ tới nhà để nghe kể lại về cuộc gặp gỡ ấy. Sự việc đã diễn ra từ cách đây hai chục năm mà bây giờ tác giả bài phóng sự kể lại vẫn sôi nổi, vẫn hào hứng như mới hôm nào gần đây. Trong chuyện kể của phóng viên tôi thấy có nhiều chi tiết phản ánh đúng con người và phong cách của đồng chí Trường Chinh, khớp với suy nghĩ của tôi, nên tôi muốn ghi lại những nét tiêu biểu nhất.

    Sau đây là lời kể của tác giả bài phóng sự:

    "Tôi rất bất ngờ thấy phòng khách của đồng chí Trường Chinh giản dị đến thế. Thái độ, cử chỉ của đồng chí rất ân cần, thân mật, cởi mở làm tan biến ngay từ phút đầu tiên cảm giác xa cách, giúp tôi mạnh dạn tự nhiên hơn.

    Thấy bài phóng sự của tôi bị chữa đỏ ngòm, mới thoáng nhìn tôi hơi hoảng, nhưng được đồng chí Trường Chinh giúp cho trấn tĩnh ngay. Đồng chí tán thành nội dung bài phóng sự, khen viết sinh động, có nhiều ý hay, phản ảnh nhiều nét mới trong đời sống thực tế ở nông thôn.

    Đồng chí Trường Chinh rất mừng thấy quê hương Xuân Thuỷ của đồng chí đang đổi mới thực sự, cảm ơn đồng chí phóng viên đã đem đến cho đồng chí tin vui. Đồng chí nhắc nhở tôi cần cẩn thận hơn nữa trong việc dùng từ ngữ, cách đặt câu, để cho tiếng Việt trong bài viết trong sáng hơn, dễ hiểu hơn. Không nên nghĩ đây là "báo nói" thì có thể tự cho phép mình dễ dãi trong việc viết phóng sự, vì như thế sẽ "làm hư" tiếng Việt.

    Thì ra những chỗ đỏ ngòm là đồng chí đã sửa cho tôi từ ngữ chính xác hơn, chấm phẩy, xuống dòng đúng chỗ hơn, cách đặt câu cần gẫy gọn và dễ hiểu hơn. Tôi rất ngạc nhiên thấy đồng chí Trường Chinh quan tâm đến việc sửa bài phóng sự kỹ như vậy. Tôi cảm thấy có lỗi vì mình tốt nghiệp đại học mà viết tiếng Việt còn phải để sửa lỗi chính tả quá nhiều. Và cũng từ đấy tôi có ý thức hơn trong việc bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt".

 (Còn nữa)

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com