Những kỷ niệm sâu sắc về đồng chí Trường Chinh (kỳ 4)

06:07, 03/07/2018

 

Trần Lâm

(tiếp theo)

    Qua sự việc trên, tôi thấy thêm một phong cách của đồng chí Trường Chinh về công tác tổ chức cán bộ, phong cách quyết đoán khi cần ra quyết định, trên cơ sở tin cậy cấp dưới.

    Suốt thời kỳ toàn quốc kháng chiến tôi có dịp được tiếp xúc nhiều với đồng chí Trường Chinh trong các cuộc họp giao ban công tác tư tưởng hàng tháng trên nhà sàn của đồng bào Tày, bên bếp lửa. Trong không khí thân mật, chúng tôi thường gọi đồng chí là anh Thận (nghe nói bí danh này là do Bác đặt cho anh vì anh là người có tính rất thận trọng).

    Chính dịp này chúng tôi được bồi dưỡng nhiều về đường lối "Trường kỳ kháng chiến", trải qua "ba giai đoạn: phòng ngự, cầm cự, phản công", về "chiến tranh nhân dân" với "ba thứ quân", về "kết hợp ba mũi giáp công: quân sự, chính trị và địch vận". Trong các cuộc họp giao ban có các Tổng biên tập các báo, Tổng biên tập Đài phát thanh, Cục trưởng Cục địch vận, Tổng giám đốc Nha Thông tin và một số cán bộ của Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị.

    Đồng chí Tổng Bí thư đến dự rất đều, cho đến cuối năm 1947, sau khi quân Pháp nhảy dù xuống Bắc Cạn, các cuộc họp bị giãn ra thưa hơn rồi đến sau Đại hội Đảng lần thứ II năm 1951 thì đồng chí Tố Hữu, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, thay đồng chí Trường Chinh chủ trì các cuộc họp giao ban.

    Trong những cuộc họp với đồng chí Trường Chinh, tôi đã thu hoạch được rất nhiều hiểu biết về quan điểm báo chí vô sản. Hiểu tại sao báo chí vô sản phải có tính chân thật, tính chiến đấu, tính tư tưởng, đối lập với báo chí tư sản bản chất là dối trá nhằm mục đích phục vụ lợi ích của giai cấp bóc lột thống trị, nhưng bề ngoài lại làm ra vẻ thông tin khách quan. Anh Thận thường lấy những sự việc cụ thể diễn ra ngay trong cuộc kháng chiến để chứng minh điều đó. Thí dụ: Tiến hành chiến tranh xâm lược thì chúng gọi là khai sáng văn minh cho dân tộc khác; tiến hành cuộc săn lùng để tiêu diệt Đảng Cộng sản, đội tiền phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh cách mạng chống chủ nghĩa thực dân, thì chúng gọi đó là cuộc đấu tranh vì lý tưởng tự do. Trên mọi lĩnh vực chúng đều tuyên truyền đổi trắng thay đen. Tôi còn nhớ sau lần quân Pháp "chộp hụt" Đài Tiếng nói Việt Nam ở Núi Trầm, Bộ Tổng tham mưu quân đội viễn chinh Pháp vội ra ngay thông báo phát trên Đài phát thanh của nó ở Hà Nội là quân Pháp đã phá huỷ được Đài phát thanh của Việt Minh. Sáng hôm sau Đài Tiếng nói Việt Nam đã dõng dạc truyền đi chương trình phát thanh thường lệ, trong đó chúng tôi đã phát một bài bình luận chế giễu Bộ Tổng tham mưu quân đội viễn chinh Pháp. Cũng nhân sự việc ấy, chúng tôi đã vạch trần cho nhân dân ta thấy luận điệu tuyên truyền huênh hoang, bịp bợm về chiến thắng của chúng. Chúng tôi cũng không quên dịch ra tiếng Anh, chuyển sang thể văn thông tấn để phát trong các bản VNA mà Đài vẫn phụ trách cho đến hết cuộc chiến tranh.

    Đồng chí Trường Chinh cũng thường lấy những sai sót trên báo chí của ta để phân tích về tinh thần cảnh giác của báo chí kháng chiến. Thí dụ có lần báo và đài đưa tin ta đã khôi phục được đoạn đường sắt từ Yên Bái lên Lào Cai. Bác Hồ đã phê bằng bút chì đỏ vào bên cạnh một chữ "Dại!" rồi chuyển cho anh Thận. Trong một cuộc họp giao ban, đồng chí Trường Chinh đã phân tích kỹ thế nào là giữ bí mật trong thời chiến. Không phải chỉ những bí mật quân sự mới cần giữ, mà cả mặt chính trị, tư tưởng, kinh tế, đời sống của nhân dân cũng có những sự việc, những lúc đưa tin được, có những lúc lại là bí mật. Tin khôi phục đoạn đường sắt nói trên là mách cho máy bay địch đến bắn phá cắt đứt đường giao thông của ta. Đồng chí cũng căn dặn kỹ: "Không phải tất cả các sự thật nào cũng đưa công khai trên báo đài mới là có tính chân thật. Tính chân thật là ta không nói dối, nhưng không bắt buộc phải nói tất cả sự thật nếu điều đó có hại cho kháng chiến, hại cho nhân dân, hại cho cách mạng".

    Tôi lại nhớ có một lần đến họp, trước khi đi vào nội dung hội nghị, anh Thận kể chuyện trước khi đến đây Bác Hồ có bảo anh hỏi Đài phát thanh xem có ghi nhầm tên xã của ông nông dân ở Nghệ An sản xuất giỏi không. Số là xem bản tin của Đài gửi đến theo quy định, Bác thấy một lão nông tên là Nguyễn Danh Đạm ở Nam Đàn, Nghệ An là một nông dân tiên tiến đáng nêu gương để động viên thi đua yêu nước sản xuất nhiều lương thực để nâng cao đời sống và đóng góp cho kháng chiến. Bác liền gửi thư khen ông lão nông và gửi kèm một chiếc áo lụa để tặng. Thư gửi cho Tỉnh uỷ Nghệ An, có ghi rõ tên, họ, tỉnh, huyện, xã. Bẵng đi khoảng hơn ba tháng Văn phòng của Bác nhận được báo cáo của Tỉnh uỷ Nghệ An gửi về, gửi kèm theo chiếc áo lụa của Bác. Thư viết: Tỉnh uỷ Nghệ An đã tổ chức lần theo địa chỉ đến huyện Nam Đàn và xã ghi trong thư để tìm nhà ông Nguyễn Danh Đạm nhưng không có xã nào có tên ghi trong địa chỉ. Cho hỏi các huyện khác trong tỉnh cũng không có. E rằng ghi nhầm tên xã nên phải trả lại, nhờ Văn phòng thưa lại với Bác. Kể xong, anh Thận hỏi tôi có ghi nhầm tên xã không? Khi nghe anh Thận kể tôi giật mình. Đến khi anh hỏi, tôi đành thú thật: Đấy là một tin "bịa". Số là thường nghe Bác nhắn các báo, đài, nên viết về những tấm gương người tốt, việc tốt để làm đầu tàu lôi kéo mọi người thi đua làm theo. Tôi về bàn với anh Hoài Thanh (lúc ấy đang tạm sinh hoạt ở Đài, vì Hội nhà văn chưa tập hợp được về nơi sơ tán) để "sáng tác" cái tin trên. Chúng tôi còn bàn nhau mô tả điển hình này là một lão nông có thành tích cao hơn người nông dân trung bình nhưng không quá khó làm theo. Lại còn dụng ý chọn huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An, để tăng sức hấp dẫn. Còn tên người, tên xã thì bịa hoàn toàn. Dụng ý của chúng tôi là như vậy, không ngờ Bác lại gửi thư khen và tặng áo lụa cho lão nông này. Chúng tôi rất ân hận và xin rút kinh nghiệm.

(Còn nữa)

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com