Những kỷ niệm sâu sắc về đồng chí Trường Chinh (kỳ 3)

07:06, 28/06/2018

[links()]

Trần Lâm

(tiếp theo)

    Chính phủ Pháp mời một phái đoàn Chính phủ ta sang Pháp để đàm phán việc bổ sung, sửa đổi, hoàn chỉnh bản Hiệp định sơ bộ 6-3-1946. Đồng thời Tổng thống Pháp Vanhxăng Ôriôn mời Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp với tư cách là khách danh dự đặc biệt của Tổng thống Pháp.

    Khi chia tay với Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng băn khoăn hỏi Bác Hồ: "Khi vắng Cụ, nếu trong nước xảy ra biến cố thì làm thế nào?" Bác Hồ trả lời bằng sáu chữ rút từ Kinh Dịch: "Dĩ bất biến - ứng vạn biến". Hai cụ đều uyên thâm nho học nên chỉ với sáu chữ đó là cụ Quyền Chủ tịch yên lòng. Hơn nữa, Thường vụ Trung ương Đảng đã cử đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Thường vụ Trung ương giúp cụ Huỳnh điều hành công việc.

    Quả nhiên là bọn thực dân Pháp dùng bọn tay sai quấy phá rồi chuẩn bị kế hoạch đảo chính, lật đổ Chính phủ ta vào đúng ngày kỷ niệm Quốc khánh Pháp 14-7-1946. Nhưng "vỏ quýt dày có móng tay nhọn", lực lượng an ninh của ta đã tập hợp được đầy đủ những chứng cớ, báo cáo với cụ Quyền Chủ tịch nước và đồng chí Võ Nguyên Giáp. Cụ Huỳnh Thúc Kháng ra lệnh "ngay lập tức" tiêu diệt bọn Việt gian tại hang ổ của chúng ở phố Ôn Như Hầu và phố Yên Phụ.

    Phá tan được âm mưu đảo chính ngay từ trong trứng, nhân dân ta càng tin tưởng vào chính quyền cách mạng và tích cực chuẩn bị lực lượng về mọi mặt theo chỉ thị của Thường vụ Trung ương và đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh.

    Cuộc đàm phán ở Pháp giữa hai đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam và Pháp thất bại, đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu phái đoàn ta về trước. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn ở lại theo lời mời của Tổng thống Pháp, là khách danh dự đặc biệt của Tổng thống Pháp. Bác Hồ tranh thủ thời gian ấy làm việc với Đảng Cộng sản Pháp (mà Bác vốn là sáng lập viên) để bàn kế hoạch phối hợp hành động. Bác cũng hoạt động tích cực để vận động các tầng lớp nhân dân Pháp và các đoàn thể tiến bộ Pháp. Đồng thời Bác vẫn thúc giục Chính phủ Pháp có thái độ tích cực trong việc xây dựng mối quan hệ giữa hai nước. Chính phủ Việt Nam sẵn sàng nhượng bộ Pháp nhiều điểm cụ thể, nhưng kiên quyết bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Nhưng Chính phủ Pháp không chịu từ bỏ cái quái thai "Nam Kỳ quốc" với Chính phủ bù nhìn Nguyễn Văn Thinh do họ lập ra. Thế là không thể dung hoà nhau được. Pháp cố ý kéo dài thời gian giữ chân Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp để ở Việt Nam chúng ta gặp nhiều khó khăn. Nhưng cuối cùng Bác Hồ đã dùng "mẹo" ký bản "Tạm ước 14-9-1946" để có thể về nước. Chính phủ Pháp bố trí máy bay nhưng Bác từ chối khéo và chọn đường biển để về nước. Bác nói sau này là đi về bằng đường biển, trên một tàu chiến Pháp, Bác thấy an toàn hơn vì thuỷ thủ Pháp là những người bảo vệ đáng tin cậy nhất của Bác.

    Trong cuộc họp khẩn cấp đầu tiên khi mới về nước, Bác nói ngay với Thường vụ Trung ương là không còn con đường nào khác, phải đánh thôi!

    Các cơ quan được lệnh khẩn trương và bí mật chuẩn bị địa điểm sơ tán về vùng nông thôn và vùng căn cứ cách mạng. Tôi nhận được chỉ thị của đồng chí Trường Chinh là bất kỳ trong tình huống nào cũng không được để mất Tiếng nói Việt Nam vì toàn quốc kháng chiến, Đài càng quan trọng.

    Đêm ngày 19-12-1946, Đài Tiếng nói Việt Nam chỉ kịp báo tin lúc 20 giờ là "Cuộc kháng chiến toàn quốc đã bắt đầu, tiếng đại bác đã nổ!" rồi phát thanh viên hẹn sáng hôm sau ngày 20-12 đồng bào đón nghe chương trình thời sự phát lúc 6 giờ như thường lệ. Từ ngày ấy cho đến khi trở về Hà Nội sau ngày 10-10-1954, Đài Tiếng nói Việt Nam đã trải qua 14 lần thay đổi địa điểm, bảo tồn được tiếng nói của Đảng và hoàn thành nhiệm vụ suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

    Cơ sở kháng chiến đầu tiên của Đài đặt ở hang Núi Trầm, hoạt động cho đến trưa ngày 4-3-1947, khi xe tăng, thiết giáp của quân Pháp thọc ra khỏi Hà Nội, chạy theo đường số 6 lên phía Hoà Bình đến quá ngã ba Trúc Sơn thì quặt vào làng Tiên Lữ để hòng vây bọc Đài Tiếng nói Việt Nam ở Núi Trầm, nhưng chúng tôi đã kịp di chuyển đến cơ sở mới ở đồn điền Phú Hộ, thuộc tỉnh Phú Thọ.

    Mấy hôm sau, khi tôi đang làm việc buổi tối ở cơ sở mới thì có người vào nhắn ra trạm gác có khách muốn gặp. Ra đến nơi tôi rất bất ngờ thấy đồng chí Trường Chinh cùng một tốp cán bộ đang đợi. Đồng chí Tổng Bí thư hỏi thăm tình hình Đài Tiếng nói Việt Nam có an toàn không, rồi đồng chí hỏi tôi có biết ai có thể thay đồng chí Trần Kim Xuyến, Phó Tổng giám đốc Nha Thông tin vừa hy sinh trưa ngày 4-3 không? Tôi suy nghĩ một lát rồi giới thiệu đồng chí Hoàng Tuấn, lúc ấy đang là biên tập viên cốt cán của Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi trình bày một số điểm mạnh, yếu của đồng chí Hoàng Tuấn rồi kết luận anh ấy có thể đảm nhiệm công việc thay anh Trần Kim Xuyến được.

    Đồng chí Trường Chinh trầm ngâm một chút chưa trả lời ngay, rồi cả đoàn lại tiếp tục lên đường đi đến cơ sở mới. Khoảng một tuần sau tôi thấy giao liên của Văn phòng Trung ương đến đưa công văn điều động đồng chí Hoàng Tuấn đi nhận chức vụ Phó Tổng giám đốc Nha Thông tin. Từ đấy, đồng chí Tuấn trở thành cấp trên của tôi cho đến khi giải phóng Thủ đô, giải thể Nha Thông tin, lập Bộ Tuyên truyền - Văn nghệ và cơ quan Thông tấn xã Việt Nam. Đồng chí Hoàng Tuấn được cử làm Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, chấm dứt thời kỳ 10 năm Đài Tiếng nói Việt Nam làm công việc của "VNA" (Hãng Thông tấn Việt Nam phát bằng tiếng Anh ra nước ngoài).

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com