Suy nghĩ, cảm nhận của một người học trò nhỏ về một người thày lớn (kỳ 4)

06:06, 19/06/2018

(Tiếp theo)

Phạm Như Cương

    Đồng chí Trường Chinh cũng quan tâm đặc biệt đến việc bảo đảm tính chân thực của lịch sử. Trong bài nói tại buổi gặp mặt các đồng chí tham gia biên soạn cuốn Hồi tưởng, ngày 28-9-1988, đồng chí Trường Chinh đã nhấn mạnh rằng: "Việc phản ánh chân thực lịch sử là yêu cầu số một". Đồng chí căn dặn các nhà sử học cần tránh bệnh tô màu và bệnh giai thoại lịch sử. Tôi xin mạnh bạo nêu ý kiến rằng cùng với việc nghiên cứu lý luận, làm rõ những vấn đề hiện nay để hoàn chỉnh, phát triển lý luận về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ ở nước ta, cần dành lực lượng, điều kiện, công sức thích đáng cho việc tổng kết mới hoặc đánh giá lại những kết luận trước đây về một số vấn đề trong lịch sử Đảng. Không nên ngại "rũ rối" mà gác lại quá lâu công việc này, vì đây là một cơ sở quan trọng để củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và cũng là điều kiện để nâng cao trình độ lý luận của Đảng.

    Trong cuốn Trường Chinh và cách mạng Việt Nam do Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản vào dịp kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh của đồng chí Trường Chinh, các đồng chí Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp đã viết hai bài ngắn gọn, súc tích nêu bật những đóng góp to lớn, xuất sắc với cách mạng Việt Nam ở những bước ngoặt quyết định và phẩm chất, nhân cách cao đẹp của đồng chí.

    Cũng như các bạn thanh niên khác cùng thời, Đặng Xuân Khu đã thông qua Người cùng khổ ("Le paria"), Đường cách mệnh của Nguyễn Ái Quốc mà chuyển từ một người yêu nước thành một người cộng sản. Ngay từ bước khởi đầu đó đồng chí đã sớm tỏ rõ năng lực tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin một cách sáng tạo khi đọc các tác phẩm của Mác, Ăngghen, Lênin, và đóng vai trò rất quan trọng trong công tác tuyên truyền, huấn luyện cán bộ và tổ chức quần chúng khi làm chủ bút báo Người sinh viên cũng như trong những năm tiếp theo đó trong nhà tù cũng như lúc hoạt động công khai, hợp pháp. Lời nói, câu văn sắc sảo, giàu chất trí tuệ và nhiệt tình cách mạng của đồng chí đã truyền bá cương lĩnh, đường lối của Đảng đến với người nghe, người đọc một cách đầy thuyết phục.

    Đồng chí cũng đã sớm tỏ rõ năng lực chỉ đạo hoạt động thực tiễn và công tác tổ chức của Đảng trong hoàn cảnh hiểm nghèo của cách mạng sau thất bại của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ. Ban Chấp hành Trung ương do Hội nghị Trung ương lần thứ bảy (11-1940) cử ra chỉ còn lại ba người do đồng chí làm Quyền Tổng Bí thư.

    Cuộc gặp gỡ đầu tiên của đồng chí Trường Chinh với Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở Hội nghị Trung ương lần thứ tám (tháng 5- 1941) là cuộc hội ngộ lịch sử giữa một đại diện của Quốc tế Cộng sản với đồng chí Quyền Tổng Bí thư, và sự nhất trí về tư tưởng, về chủ trương giữa hai người đã có tầm quan trọng quyết định đối với thành công của Hội nghị, đánh dấu sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết và trước hết. Để chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương, đồng chí Trường Chinh đã chuẩn bị một báo cáo rất quan trọng, được dùng là nội dung chính để thảo luận ở Hội nghị. Có thêm ý kiến chỉ đạo của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các ý kiến bổ sung của các đại biểu dự Hội nghị và lấy đó làm nghị quyết của Hội nghị Trung ương. Cũng tại Hội nghị Trung ương này đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư.

    Ngày 23 và 24-9-1941, đồng chí Trường Chinh viết bài Chính sách mới của Đảng mang tính chất luận giải lý luận cho sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng.

    Từ tháng 8-1942 đến tháng 7-1944, đồng chí Hồ Chí Minh đi Trung Quốc và bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam giữ trong 14 tháng. Nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng tập trung vào Tổng Bí thư Trường Chinh trong một tình hình rất sôi động với những chuyển biến mau lẹ trên thế giới và trong nước. Có thể giả thiết rằng việc ra nước ngoài của Bác Hồ vừa vì nhiệm vụ quốc tế, vừa để nắm bắt kịp thời sự chuyển biến của tình hình quốc tế, thiết lập mối quan hệ giữa cuộc đấu tranh của nhân dân ta với phe Đồng minh chống phát xít, mà cũng có phần do Bác đã yên tâm ở trong nước đã có một trợ thủ đắc lực đủ sự sâu sắc, mẫn cảm về trí tuệ và sự kiên quyết, dũng cảm, sự điềm tĩnh, tỉnh táo, biết lắng nghe gạn lọc cái hay trong ý kiến của người khác để chèo lái con thuyền cách mạng của đất nước đi đúng hướng và vượt qua mọi thác ghềnh, sóng gió.

    Và Tổng Bí thư Trường Chinh đã tỏ ra ngang tầm với trọng trách. Tính nhạy cảm, sáng tạo trong chỉ đạo chiến lược của đồng chí đã được thể hiện trong bài Cái nhọt bọc sẽ phải vỡ mủ và bản chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Việc đề ra khẩu hiệu "Phá kho thóc cứu nạn đói'', việc triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ (tháng 4-1945) tại Hiệp Hoà, Bắc Giang để bàn về nhiệm vụ quân sự được coi là quan trọng và cần kíp nhất lúc đó.

    Sự phối hợp ăn ý giữa bộ phận lãnh đạo ngoài nước và trong nước thông qua hoạt động của Bác Hồ và đồng chí Trường Chinh đã bảo đảm cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 nổ ra đúng lúc, không quá sớm hoặc quá muộn, để giành thắng lợi hoàn toàn trong thời gian hơn mười ngày và hầu như không đổ máu.

    Tôi có dịp được đọc một bài viết hay, vừa sâu sắc vừa sinh động của Giáo sư Trần Nhâm, nguyên Thư ký của đồng chí Trường Chinh, về quá trình làm việc của đồng chí Trường Chinh để hình thành nên những quan điểm chỉ đạo sự nghiệp Đổi mới được bắt đầu từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI.

    Những nhà lãnh đạo cũng như những người làm công tác lý luận có thể tìm thấy ở đây nhiều bài học bổ ích về việc kết hợp lý luận với thực tiễn. Đồng chí đã tập hợp và sử dụng tốt tiềm năng nghiên cứu của một số cán bộ lý luận có tư tưởng đổi mới để giúp mình hình thành nên phương pháp luận, quan điểm đổi mới tư duy. Mặt khác, đồng chí đã tổ chức một loạt các cuộc đi khảo sát, điều tra ở một số tỉnh và cơ sở đang nổi lên là những mô hình sáng tạo, tiếp xúc lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cán bộ và quần chúng để thấy rõ hơn thực trạng. Lấy phương pháp, quan điểm lý luận được đổi mới để phân tích, mổ xẻ tình hình thực tế được nhận dạng đúng như diện mạo thật của nó, từ đó mà đưa ra kết luận, đề ra quyết sách.

    Để kết thúc bài viết, tôi muốn nói rằng không chỉ trước kia, khi mới bắt đầu đi vào con đường cách mạng, lúc còn non trẻ tôi là một người học trò nhỏ của đồng chí Trường Chinh, nhận được bài học vỡ lòng đầu tiên qua bài viết của đồng chí, mà cả ngày nay khi đã đạt đến một độ trưởng thành nhất định tôi vẫn là một người học trò của đồng chí qua việc tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, đầy đủ hơn di sản lý luận của đồng chí.

    Học đồng chí như chính đồng chí đã học Hồ Chí Minh. Học mà không phải làm theo, bắt chước, mà học để tạo nên bản lĩnh, phong cách riêng của mình, có diện mạo, cá nhân của mình trong đội ngũ tập thể./.

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com