Đồng chí Trường Chinh - Nhà chiến lược, nhà tổ chức, nhà văn hoá của cách mạng Việt Nam (kỳ 2)

06:03, 13/03/2018

Nguyễn Văn Trân

(tiếp theo)

    Năm 1939, Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, đế quốc Pháp lại thẳng tay khủng bố, hàng ngàn chiến sĩ cộng sản và quần chúng lao động bị bắt nhốt vào các nhà tù từ miền Bắc đến miền Nam, cơ sở Đảng và các tổ chức quần chúng, các hội công khai (Ái hữu, Nghiệp đoàn, Tương tế) bị phá vỡ, giải tán. Tôi cũng bị bắt và bị đày lên Nhà tù Sơn La.

    Tháng 8-1943, Chi bộ Nhà tù Sơn La đã tổ chức cho bốn người chúng tôi là: Đồng chí Nguyễn Lương Bằng, đồng chí Nguyễn Tuấn Đáng, đồng chí Lưu Đức Hiểu và tôi vượt ngục.

    Về đến Hà Nội, chúng tôi lại được dịp gặp anh Trường Chinh, lúc này đã là Tổng Bí thư của Đảng do cuộc Hội nghị Trung ương lần thứ tám tháng 5-1941 bầu.

    Tình hình cách mạng lúc này (cuối năm 1943) đã phát triển rộng rãi từ thành thị đến nông thôn, từ Bắc chí Nam theo phong trào Việt Minh.

    Nhưng lúc ấy cơ sở Đảng đã bị khủng bố, bị phá vỡ tan nát, Xứ ủy Bắc Kỳ bị bắt gần hết, các tỉnh chỉ còn lác đác vài ba cán bộ, cơ sở quần chúng và đảng viên còn rất ít; đến nỗi nhiều nơi quần chúng phải cử người đi tìm cán bộ về lãnh đạo địa phương mình.

    Đồng chí Trường Chinh gọi tôi và cho biết tình hình chung, dặn dò mọi công việc rồi giao cho trách nhiệm tham gia Ban Thường vụ Xứ ủy phụ trách công vận.

    Mặc dù trước tôi làm việc ở Hà Nội, bị bắt ở ngoại thành Hà Nội, Sở mật thám Hà Nội có đủ tài liệu về tôi, và người theo dõi tôi là tên mật thám Đội Hoán cũng nhẵn mặt tôi, nhưng đồng chí Trường Chinh vẫn giao tôi làm công vận, mà chủ yếu là ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định. Tôi phải tìm chỗ ở ngay tại Hà Nội. Vì vậy, đồng chí Trường Chinh đã để nhiều thì giờ dặn dò, và chỉ vẽ các công tác bí mật, kể lại nhiều kinh nghiệm về những cơ sở của Đảng ở Hà Nội bị vỡ lở, nhiều cán bộ bị bắt liên tục những năm 1940 - 1942 đến nỗi Thành ủy Hà Nội đứt đoạn, có lúc chỉ còn vài ba đồng chí chỉ đủ lập ban cán sự.

    Tôi rất chăm chú và cảm động nghe đồng chí chỉ dẫn, tin rằng mình đã sống hàng chục năm ở Hà Nội, có nhiều bạn bè công nhân, khá thông thuộc đường phố, ngõ hẻm, các vùng ngoại ô, nên cũng thuận lợi cho công tác.

    Năm 1940 Nhật vào nước ta, Nhật, Pháp tăng cường bóc lột, cướp bóc để phục vụ chiến tranh, ở nông thôn chúng bắt nhổ lúa, ngô để trồng đay. Ở thành phố chúng hạn chế lương thực, ai có việc làm chúng mới cho mua gạo bằng tem phiếu. Công nhân và dân nghèo bị đói. Nhiều cuộc đấu tranh của các xí nghiệp nổ ra liên tiếp. Nhưng công nhân cũng lo bị đuổi, thất nghiệp bị cắt phiếu mua gạo nên vận động họ đấu tranh cũng có khó khăn.

    Trước tình hình ấy, đồng chí Trường Chinh đã chỉ thị cho Ban Công vận xứ phải đi sát vận động công nhân đấu tranh chống đánh đập, giảm giờ làm, đòi tăng lương và đòi phiếu gạo. Để cổ vũ các cuộc đấu tranh phải có tờ báo để có tiếng nói mạnh mẽ của giai cấp công nhân.

    Năm 1929 đã có báo Lao Động của công nhân nhưng sau cuộc khủng bố năm 1930 đã không còn nữa. Nay ra tờ báo của công nhân thì tốt nhất là lấy lại tên báo Lao Động.

    Đồng chí đã khuyến khích chúng tôi và hứa Trung ương sẽ giúp đỡ từ việc viết bài, in báo. Ban Công vận tập trung vào việc đưa tin đấu tranh, cổ vũ phong trào và nêu ra kinh nghiệm những cuộc đấu tranh đó. Khi in xong, cán bộ Ban Công vận tự tổ chức đưa báo đến các xí nghiệp, các cơ sở tổ chức công nhân.

    Tờ báo tuy đơn giản, và in ấn còn sơ sài, báo ra cũng không đều, nhưng mỗi khi anh chị em công nhân nhận được tờ báo đều rất phấn khởi. Tờ báo thực sự đã động viên được tinh thần đấu tranh của anh chị em công nhân lúc ấy.

    Đồng chí Trường Chinh chính là người sáng lập và là linh hồn của báo Lao Động thời kỳ ấy.

    Cuối năm 1943 và nửa đầu năm 1944, trong lúc phong trào đang phát triển rầm rộ thì không may một số đồng chí chủ chốt như: Hoàng Văn Thụ, Trần Đăng Ninh, Lưu Đức Hiểu, Văn Tiến Dũng bị địch bắt. Ban binh vận của Trung ương bị tê liệt. Anh Văn Tiến Dũng, lúc ấy là Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, bị bắt nhưng Xứ ủy còn một số đồng chí khác. Đồng chí Trường Chinh chỉ định tôi thay đồng chí Văn Tiến Dũng. Công tác Công vận giao lại cho đồng chí Hà Kế Tấn vừa mới vượt ngục trở về.

    Lúc ấy Khu Giải phóng Việt Bắc đang mở rộng sang các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang. Chính quyền cách mạng đang tác động mạnh mẽ đến các tỉnh đồng bằng. Nhiều chiến sĩ cộng sản đã vượt ngục từ các Nhà tù Nghĩa Lộ, Hòa Bình, Chợ Chu, Hỏa Lò trở về, nên Đảng đã có thêm nhiều cán bộ để phân phối đi các tỉnh phụ trách phong trào.

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com