Những năm tháng làm việc bên anh Trường Chinh (kỳ 38)

06:02, 20/02/2018

Trần Quốc Hương

(tiếp theo)

    Sau khi Công an của ta phá được mấy trụ sở chính của bọn Quốc dân Đảng, lũ tay sai có tên tuổi (được tham gia Chính phủ) cũng chạy theo "chủ" về Trung Quốc, nhưng tay chân bên dưới của chúng còn cài lại trong nước ta vẫn hoạt động đợi thời.

    Quân Pháp thì ngày càng phá ta trắng trợn và càng bộc lộ rõ dã tâm gây chiến tranh xâm lược của chúng.

    Ngày 20-11-1946, quân Pháp nổ súng ở Hải Phòng, sau đó lại gây chuyện ở Lạng Sơn, Bắc Ninh...

    Để đề phòng tình hình xấu có thể xảy ra, ngày 26-11, Thường vụ Trung ương quyết định chuyển chỗ ở của Bác ra ngoại thành, do anh Nguyễn Lương Bằng bố trí.

    Các anh lãnh đạo chủ chốt của Chính phủ cũng sơ tán khỏi nội thành, hầu hết ra phía Ngã Tư sở, trên đường đi Hà Đông. Như anh Phạm Văn Đồng về ở nhà bà Hai Khoái, chủ một xưởng dệt ở Đống Đa; anh Võ Nguyên Giáp về ở với nhà văn Đặng Thai Mai ở Ngã Tư Sở, đây là một vila (biệt thự Cây Liễu), anh Nguyễn Lương Bằng đã mua cho Đảng. Chỗ ở của anh Nguyễn Lương Bằng do anh tự lo, vì anh có rất nhiều cơ sở tin cậy.

    Sau khi Bác về nhà 48 phố Hàng Ngang, thì tôi sắp xếp chuyển anh Trường Chinh đến ở nhà cụ Từ Nguyên, số 6 phố Hàng Đào, đây là cơ sở tin cậy do tôi gây dựng. Con gái cụ đã tham gia Đội Thanh niên Tuyên truyền Xung phong thành Hoàng Diệu.

    Một hôm, tình cờ tôi gặp lại Capuy. Capuy nói với tôi: "Tôi sắp về Pháp, ngôi nhà 35 phố Quang Trung tôi đang ở, các anh muốn dùng làm gì thì làm". Tôi nhờ Cụ Từ Nguyên giao dịch với Capuy, rồi đưa anh Trường Chinh về ở đấy. Tại đây, một hôm anh Trường Chinh đi công tác, tôi đang đi xe đạp từ nhà in Lê Văn Tân phố Hàng Bông về tới ngã tư phố Carô (Carreau - Lý Thường Kiệt - Quang Trung), thì thấy một thằng Tây có dáng khả nghi đạp xe bám theo. Tôi hết sức cảnh giác đề phòng, sắp tới nhà, ngang Nha Thông tin Tuyên truyền (nay là Sứ quán Campuchia), tôi thấy thằng Tây đã đến gần, tôi áp xe bên lề đường, nhảy xuống núp sau một gốc cây to trên vỉa hè. Thằng Tây rút súng nhằm bắn tôi, nhưng không trúng. Nghe tiếng súng nổ, tự vệ của ta ùa chạy ra, thằng Tây vội tẩu thoát vào ngõ Hạ Hồi.

    Thấy không an toàn, tôi báo cáo với anh Nguyễn Lương Bằng xin cho chuyển chỗ ở của anh Trường Chinh. Anh Bằng cũng đã nghĩ tới việc sắp xếp để anh Trường Chinh có nơi ở tương đối ổn định, kín đáo, yên tĩnh, không phải đi nhờ vả ai. Anh bàn với tôi mua ngôi nhà 47 phố Hàng Chuối. Nhưng người bán đòi nhiều tiền quá ta không có đủ để mua. Sau đó bàn cùng hùn tiền với chị Phú (anh Bằng có biết chị Phú), mỗi bên bỏ ra một nửa, để mua ngôi nhà đó, do chị Phú đứng tên chủ sở hữu. Khi rời nhà 35 phố Quang Trung thì anh Trường Chinh tới ở nhà này. Theo quyết định của Thường vụ Trung ương, Bác và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ phải chuyển ra ngủ ở ngoại thành. Lúc đầu tôi định đưa anh Trường Chinh về ở nhà cụ Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, nhưng tôi thấy anh Trần Huy Liệu đã ở rồi, tôi liền thu xếp đưa anh Trường Chinh tới ở nhà ông Tuần phủ họ Đào ở Thái Hà ấp. Cho đến ngày 19-12-1946, ngày ta phát lệnh kháng chiến toàn quốc chống Pháp, thì anh Trường Chinh chuyển đi Quốc Oai (Sơn Tây).

    Như trên tôi đã kể, hằng ngày, buổi sáng tôi đưa anh Trường Chinh đi làm việc với Bác, sau đó đi các nơi, tới các cơ quan hoặc các cuộc họp, cho đến chiều tối mới về nhà. Ăn cơm xong, nghỉ một lúc, anh lên lầu nhà 47 phố Hàng Chuối lại tiếp tục làm việc hoặc đọc sách, nghiên cứu tới khuya. Trong lúc đất nước chuẩn bị kháng chiến rất căng thẳng, bận bịu giải quyết biết bao nhiêu công việc cấp bách, anh Trường Chinh vẫn không bỏ việc đọc sách nghiên cứu.

    Thời gian này, anh Lê Văn Rạng, một sinh viên học về khoa học có trình độ văn hoá chung sâu rộng, biết nhiều ngoại ngữ, làm Chủ tịch Tổng hội Sinh viên, được điều về Văn phòng Bí thư.

    Một hôm, tôi thấy anh Trường Chinh đang say sưa đọc một cuốn sách viết về Clausewitz. Thấy tôi tới gần, anh ngừng đọc và nói:

    Dù ta không muốn, nhưng cũng khó tránh khỏi đánh nhau với bọn hiếu chiến thực dân Pháp. Chúng ta buộc phải cầm súng đứng lên bảo vệ chủ quyền dân tộc vừa mới giành được.

    "Pháp là nước mạnh, quân đội Pháp thiện chiến, có vũ khí tối tân. Còn ta, nhân dân có tinh thần yêu nước cao, quyết tâm chiến đấu để bảo vệ thành quả cách mạng vừa giành được, nhưng lực lượng vũ trang của ta còn ít và yếu, kinh nghiệm chiến đấu chưa nhiều. Chiến tranh, kháng chiến là việc lớn, có quan hệ đến vận mệnh của toàn dân tộc, không phải chuyện bàn xuông.

    "Ta phải học tập ông cha ta như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung... làm sao mà một nước nhỏ có thể thắng được nước lớn kéo quân đến xâm lược nước ta. Ta phải học kinh nghiệm cuộc kháng chiến chống Nhật của Trung Quốc và kinh nghiệm chiến tranh của các nước khác nữa. Ai có kinh nghiệm tốt, giúp cho ta được, ta đều phải học.

    "Đọc Clausewitz, nhà chiến lược quân sự lớn của Đức, tôi thấy có mấy điểm đáng chú ý:

    "Chiến tranh (kháng chiến) giữa hai bên phải tính đến tương quan lực lượng, bên nào chọn được cách đánh phù hợp với lực lượng, với trình độ của mình, bảo tồn, duy trì và phát triển được lực lượng, bên ấy sẽ chiếm lợi thế.

    "Trong chiến tranh (kháng chiến) ai xây dựng được hậu phương ngày càng vững mạnh, càng lớn, thì có thể giành phần thắng cuối cùng về phía mình.

    "Trong chiến tranh (kháng chiến) có trận thắng, có trận thua, nhưng trận thắng cuối cùng mới là quyết định. Muốn có trận thắng cuối cùng, phải tích trữ, bồi dưỡng, chuẩn bị lực lượng, chọn được thời cơ giáng đòn quyết định".

    Sau này, bước vào kháng chiến, theo ý kiến đã bàn và quyết định trong nhiều cuộc họp của Ban Thường vụ Trung ương, anh Trường Chinh đã viết một loạt bài đăng trên báo Sự Thật, rồi được tập hợp in thành sách Kháng chiến nhất định thắng lợi. Tôi đọc, thấy trong đó thể hiện những tư tưởng lớn về cuộc kháng chiến của ta, nhiều điều mà anh đã nghiền ngẫm từ lâu, và cả những điều mà tôi đã được nghe anh nói lúc ở nhà 47 phố Hàng Chuối Hà Nội.

(còn nữa)

[links()]

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com