Bắt đầu làm báo Cứu Quốc (kỳ 2)

06:03, 01/03/2018

[links()]

Xuân Thuỷ
Nguyên Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
nguyên Bộ trư
ng Bộ Ngoại giao

(tiếp theo)

Một buổi tối tại một ngôi chùa ở đầu làng Ngọc Giang ven đê, bên ngọn đèn dầu trước bệ thờ Phật, tôi ngồi đối diện một anh trạc ngoài ba mươi tuổi, quần áo nâu, vầng trán cao rộng, mắt to và sáng. Ở đây người ta gọi anh là anh Toàn. Tôi nhận ra anh Đặng Xuân Khu, mà sau này là anh Trường Chinh. Anh Toàn nói cho tôi nghe vắn tắt về Hội nghị Trung ương tháng 5-1941, về chương trình, điều lệ Việt Minh, về diễn biến của chiến tranh thế giới. Anh khẳng định phe Đồng minh sẽ toàn thắng, Hítle đang đại bại trước sức mạnh phản công của quân đội Liên Xô. Nhật, Pháp không tránh khỏi bắn nhau. Quân Tưởng Giới Thạch có thể lấy danh nghĩa Đồng minh kéo vào Việt Nam đánh Nhật. Cách mạng Việt Nam phải biết nắm cơ hội này giành quyền chủ động vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Vấn đề là phải nhanh chóng tập hợp lực lượng cách mạng trong nước và ngoài nước. Trong nước, ta có Việt Minh đã lớn mạnh và có nhiều chiến khu du kích. Ngoài nước, ta nhằm vào những người Việt Nam yêu nước ở Trung Hoa và ở Xiêm (Thái Lan). Trước mắt, đối với vấn đề "Hoa quân nhập Việt", ta phải biết cách ứng phó kịp thời, phải làm sao thống nhất được những nhóm cách mạng Việt Nam ở Trung Hoa, vì lẽ này lẽ khác còn đang chia rẽ, phức tạp. Tổng bộ Việt Minh ủng hộ một cuộc hội nghị đại biểu các lực lượng cách mạng Việt Nam ở trong nước và ngoài nước trên đất Trung Hoa để đẩy mạnh cuộc cách mạng Việt Nam đã đến lúc quyết định. Việt Minh đã có báo Cứu Quốc. Nay ra số đặc biệt "Cứu Quốc đặc san về vấn đề hải ngoại" để nói rõ Việt Minh tha thiết với tiền đồ của dân tộc, sẵn sàng cùng các lực lượng cách mạng Việt Nam ở ngoài nước chuẩn bị cho một cuộc hội nghị đại biểu kể trên. Tất nhiên, phải nói cả đến việc liên minh Hoa - Việt chống Nhật.

Anh nói một cách sôi nổi và mạch lạc, với lý lẽ vững vàng, những lời chắc nịch và đầy tin tưởng. Rồi anh nêu nội dung số "Cứu Quốc đặc san về vấn đề hải ngoại". Sau khi trả lời một số câu hỏi và trao đổi một số ý kiến, anh phân công tôi viết mấy bài cho đặc san.

Đằng sau chùa có một nhà tranh gần lũy tre thông ra cánh đồng. Anh Toàn và tôi ăn cơm trong nhà này, thức ăn bày trên chiếc bàn mộc. Cơm hẩm, muối vừng, thỉnh thoảng có đậu phụ kho tương. Nhà sư và chú tiểu giúp đỡ chúng tôi chu đáo. Anh Toàn ăn xong, sáng sớm ra đi, cũng bộ quần áo nâu, kèm thêm chiếc ô thâm, đến tối mới về. Một mình tôi ở lại ngôi nhà tranh làm việc.

Tôi mở tờ báo Cứu Quốc số 1 ra xem. Báo ra bốn trang giấy trắng, chữ đen, in litô (in đá) mỗi trang khuôn khổ 30x40.

Trang 1, phía trên, suốt bốn cột bề ngang là chữ Cứu Quốc to, nét đậm đều nhau, giữa chữ Cứu Quốc có ngôi sao năm cánh tỏa ra mỗi bên năm tia sáng.

Dưới chữ Cứu Quốc, có khung ngang dài bốn cột, trong khung đề: Cơ quan cổ động của Việt Nam Độc lập Đồng minh Số 1.

Dưới đó, tờ báo chia hai. Bên trái hai cột có bài "Vài lời giới thiệu", dưới là bài "Đội Cứu quốc quân muôn năm". Bên phải chia hai cột, có bài "Hợp quân cứu quốc", nói về chính sách của Việt Minh.

Cuối trang 1 có khẩu hiệu: Đánh Pháp đuổi Nhật.
Trang 2, chia bốn cột, tiếp những bài của trang 1.

Trang 3, cũng bốn cột. Hai cột bên trái là bài "Sóng gió năm châu". Hai cột bên phải là bài "Chiến tranh Thái Bình Dương và tình hình Việt Nam". Cuối trang ba có khẩu hiệu: Việt Nam độc lập!

Trang 4, chia hai cột lớn. Một cột có bài "Sự quan hệ giữa hai cuộc cách mạng Trung - Việt". Còn lại là bài "Ngọn lửa đấu tranh" và bài tiếp về "Cuộc chiến tranh Thái Bình Dương...". Giữa trang có bài thơ tám câu của cụ Phan Chu Trinh gửi các nhà nho. Dưới trang là khẩu hiệu: Dân chủ tự do.

Tôi đọc kỹ lời giới thiệu và kêu gọi của báo Cứu Quốc số 1:

"Hỡi các giới sĩ, nông, công, thương, binh!
Hỡi các đoàn thể Cứu quốc!
Hỡi toàn thể đồng bào nước Việt Nam!

Đã 80 năm, Tổ quốc kính yêu mất quyền độc lập, sa vào vòng nô lệ của giặc Pháp tham tàn.

Đã 80 năm, dân tộc Việt Nam, phải mang trên trán vết quốc sỉ nhuốc nhơ mà máu đào của bao nghĩa sĩ anh hùng tới nay chưa rửa sạch.

Giờ đây, quốc sỉ tăng thêm nhục nhã; quốc thù tăng thêm căm hờn. Giờ đây, giang sơn tiêu điều lại thêm giặc Nhật chà đạp; làm thân trâu ngựa lại thêm một tầng áp bức đọa đầy. Nhật khai chiến với Anh, Mỹ lôi cuốn xã hội ta vào vòng bom đạn.

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com