Những năm tháng làm việc bên anh Trường Chinh (kỳ 39)

07:02, 21/02/2018

Trần Quốc Hương

(tiếp theo)

    Tưởng có thể dễ ăn và nắm chắc phần thắng về mình, quân Pháp ngày càng hung hăng, láo xược. Bọn Tây mũ đỏ ngang nhiên kéo đến phá Nhà Thông tin của ta ở phố Tràng Tiền Hà Nội.

    Ngày 17, 18-12-1946, quân Pháp nổ súng bắn vào tự vệ và nhân dân ta ở phố Hàng Bún, bao vây trụ sở Công an của ta ở phố Hàng Đậu. Cũng ngày 18, Pháp gửi cho ta một thông điệp với giọng rất trịch thượng: "... Công an Việt Nam không làm tròn nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự. Nếu tình hình này kéo dài thì bắt đầu từ ngày 20-12-1946, quân đội Pháp sẽ làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự trị an ở thành phố Hà Nội". Thực chất đây là một tối hậu thư, chúng báo cho biết sẽ chiếm Hà Nội vào ngày 20-12-1946.

    Chúng ta phải chủ động, không thể để bị động!

    14 giờ 30 chiều ngày 19-12-1946, tại Vạn Phúc (Hà Đông), Bác Hồ, anh Trường Chinh và một số cán bộ lãnh đạo của Đảng, Chính phủ họp, quyết định quân dân ta nổ súng, mở đầu cuộc kháng chiến, ngay tối hôm đó. Cuộc họp chỉ hơn nửa giờ, kết thúc rất nhanh chóng. Quyết định đó được hỏa tốc gửi đi các Khu bằng đường vô tuyến điện, kể cả Khu IX Nam Bộ là nơi xa xôi nhất.

    Khoảng gần 4 giờ chiều ngày 19-12-1946, tôi đang có mặt ở Nhà in Tiến Bộ để đôn đốc việc di chuyển nốt máy móc, thì anh Trường Chinh bất ngờ xuất hiện.

    Anh hỏi tôi:

    Sao giờ này cậu còn ở đây?

    Tôi thưa:

    Còn chiếc máy in Victoria nặng 1 tấn này em cho lên xe là hết. Tất cả giấy, máy móc cần thiết đã chuyển hết đi rồi. Em chưa về được chỗ cậu Hồng để báo cho nó đi. (Từ khi anh Trường Chinh dời nhà 47 phố Hàng Chuối, tôi vẫn cắm cậu Hồng trông nom ở đó, đi chợ, nấu cơm, quét sân, như nhà vẫn có người ở bình thường).

    Anh Trường Chinh nói như ra lệnh:

    Làm gì thì làm, đến 6 giờ chiều cậu cũng phải đi ngay ra khỏi Hà Nội!

    Tôi dời khỏi Hà Nội khi thành phố đã lên đèn. Đúng 19 giờ 55 phút tối, từ phía Hà Đông, tôi nghe tiếng súng nổ, đèn toàn thành phố Hà Nội tắt phụt, trời tối đen, rồi tiếng pháo dữ dội từ pháo đài Láng bắn vào Thành, nơi có quân Pháp đang đóng.

    Thế là cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược kéo dài chín năm của nhân dân ta bắt đầu!

    Nhân dịp 80 năm ngày sinh của anh Trường Chinh, ngày 9-2- 1987, tôi và vài anh em đã được làm việc gần anh và được anh dìu dắt trong những ngày sôi động nhất chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa và Cách mạng Tháng Tám thành công, đến chúc mừng anh đại thọ.

    Ngồi một lát đang vui vẻ, chúng tôi thấy ở phòng chờ bên ngoài đã có nhiều người đang đợi được vào chúc thọ anh. Chúng tôi vội xin phép anh được ra về.

    Anh Trường Chinh nói:

    Các anh hãy ngồi lại với tôi thêm chút nữa. Các anh cùng tôi làm việc vào thời điểm quyết định nhất, muôn vàn khó khăn cùng biết bao nhiêu kỷ niệm tốt đẹp. Các anh đã giúp tôi, đóng góp với Đảng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Giờ đây anh em đều đã trưởng thành, tôi rất vui mừng.

    Tổ quốc ta đã thống nhất, xã hội ta từng bước phát triển, đời sống của nhân dân đã khá hơn, vị trí của nước ta trên thế giới ngày càng có uy tín. Tuy nhiên, chúng ta là những người cộng sản, chúng ta không được thoả mãn, chúng ta còn phải có trách nhiệm nặng nề với cách mạng, với nhân dân, chúng ta phải có trách nhiệm cùng Đảng, cùng nhân dân đấu tranh đẩy lùi và tiến tới xóa bỏ những tiêu cực, những thói hư tật xấu, xây dựng một xã hội công bằng và tốt đẹp ở nước ta, như Bác Hồ thường mong muốn.

    Chia tay anh ra về, lòng chúng tôi còn bịn rịn, cứ mỗi lần đến bên anh, chúng tôi lại học thêm được những điều anh dạy thật quý báu!

    Viết đên đây, tôi thấy còn thiếu sót nếu không nhắc đến lòng nhân ái (có lúc anh lấy bí danh là Nhân), tính thận trọng (có lúc anh lấy bí danh là Thận), tình nghĩa thủy chung trước sau như một, đối với đồng bào, đồng chí của anh.

    Anh đã từng bị đế quốc Pháp cầm tù, tra tấn ở Nhà tù Hỏa Lò và Nhà tù Sơn La khét tiếng độc ác. Anh đã bị chúng kết án tử hình vắng mặt và biết bao nhiêu lần thoát hiểm nhờ được đồng bào đồng chí che chở đùm bọc không quản nguy hiểm gian nan cho bản thân, cũng như cho toàn gia đình. Như gia đình cụ Ngô Văn Luân tức Lý Sân ở Tiên Thù (Phổ Yên, Thái Nguyên) cùng con trai, con gái vì "mắc tội" chứa chấp, che chở các anh Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt mà cả ba bị đế quốc Pháp bắt giam và đưa lên Nhà tù Thái Nguyên tra tấn. Cụ Sân bị bọn coi ngục đánh gẫy tay, vẫn không khai báo.

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com