Những năm tháng làm việc bên anh Trường Chinh (kỳ 31)

06:01, 25/01/2018

[links(left)]

Trần Quốc Hương

(tiếp theo)

    Phải đến ngày 30-9, báo Cờ Giải Phóng mới chính thức ghi địa chỉ trụ sở cơ quan báo ở số nhà 44B phố Hàng Bồ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Nhà này là của ông Phạm Lê Bổng, trước đây là cửa hàng buôn bán pháo Bình Đà nổi tiếng. Ông Bổng đã lui về ở đồn điền Nho Quan, chỉ có bà vợ và hai cô con gái ở lại. Bà vợ ông Phạm Lê Bồng là em gái bà Trịnh Văn Bô, lâu nay cũng không buôn bán gì. Hai cô con gái cũng tham gia phong trào phụ nữ. Cho nên gia đình ông Phạm Lê Bổng hết sức nhiệt tình giúp đỡ cách mạng.

    Ngay từ khi báo Cờ Giải Phóng xuất bản công khai ở Hà Nội, chúng tôi đã được tiếp đón nhiều vị khách quý. Đó là các anh Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Sơn, Lý Ban, qua đường Diên An trở về nước, đã tìm đến báo Đảng để liên hệ với Thường vụ Trung ương. Anh Nguyễn Khánh Toàn là một trí thức cách mạng, giỏi ngoại ngữ, đã từng du học ở Mátxcơva. Người to cao, đường bệ, cử chỉ lịch sự, nói chuyện có duyên và rất hấp dẫn. Anh là một nhà văn hóa, một nhà báo có tài. Ngay sau khi về Hà Nội, anh Nguyễn Khánh Toàn đã được Bác Hồ và anh Trường Chinh tiếp. Thường vụ Trung ương phân công anh Nguyễn Khánh Toàn bước đầu giúp anh Lưu Văn Lợi làm tờ báo tiếng Pháp La République (Cộng Hòa) sau đổi tên là Le Peuple (Nhân Dân). Sau này, khi báo Sự Thật ra đời, anh Nguyễn Khánh Toàn thường viết các bài bình luận quốc tế ký tên Hồng Lĩnh. Anh Nguyễn Sơn tên thật là Vũ Nguyên Bác, sinh ở Hà Nội, quê ở Kiêu Kỵ, Gia Lâm, tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi, từng sang Pháp rồi về Trung Quốc, là một trong "chín anh em họ Lý" được Bác Hồ trực tiếp giác ngộ, dìu dắt. Với bí danh Hồng Thủy, anh đã tham gia Khởi nghĩa Quảng Châu, rồi Vạn lý trường chinh, là một chỉ huy có tài, một nhà văn hóa xuất sắc. Sau khi về nước, anh Nguyễn Sơn được Bác Hồ và Thường vụ Trung ương tiếp rồi phân công anh cùng anh Hoàng Đạo Thúy giúp xây dựng và đào tạo cán bộ tại Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Đến năm 1948, anh Nguyễn Sơn được Nhà nước ta phong quân hàm Thiếu tướng.

    Anh Lý Ban về nước được Trung ương phân công phụ trách vận động Hoa kiều.

    Ngày 16-9-1945, cũng tại trụ sở phát hành báo tạm thời gần Bờ Hồ, Văn phòng kiến trúc sư Võ Đức Diên, tôi được tiếp đón ba chiến sĩ quốc tế chống phát xít. Đó là các anh: Chiến Sĩ (Erwin Borchers), Lê Đức Nhân (Schröder), Nguyễn Dân (Ernest Frey). Các anh đã vượt qua bao gian khó, trốn khỏi trại giam của Nhật, tìm đến với Đảng Cộng sản và cách mạng Việt Nam. Tôi đưa các anh về cơ sở cách mạng của ta ở kho Nhà Đoan, số 8 phố Banny (Balny - phố Hàng Vôi bây giờ). Đây là khu nhà hai tầng, có cổng sắt chính cho xe tải ra vào kho hàng tấp nập, hai bên nhà đều có lối đi riêng.

    Anh Trường Chinh đã tiếp thân mật các bạn quốc tế chống phát xít trên gác kho Nhà Đoan. Anh hoan nghênh tinh thần chiến đấu dũng cảm của Chiến Sĩ, Lê Đức Nhân và Nguyễn Dân đã dứt khoát đi theo cách mạng Việt Nam, và phân công các anh về làm báo La République (Cộng Hòa) với anh Lưu Văn Lợi. Tờ báo là cơ quan ngôn luận, chiến đấu vì nền độc lập của Việt Nam. Anh chỉ thị cho anh Lưu Văn Lợi và tôi phải tổ chức sinh hoạt thật chu đáo cho ba đồng chí người Âu. Chiến Sĩ nhận viết các bài nhằm vào lính Pháp và lính lê dương. Lê Đức Nhân sẽ là bình luận viên quốc tế. Còn Nguyễn Dân, thiên về quân sự, sẽ là cố vấn của Lưu Văn Lợi về các vấn đề quân sự và đội quân viễn chinh Pháp.

    Trong tháng 7-1945, quân ta đã giải phóng một trại giam quan chức dân sự Pháp bị Nhật bắt làm tù binh ở Tam Đảo. Tất cả đã được đưa về Tân Trào điều dưỡng, rồi được tổ chức đưa đường sang Trung Quôc để về Pháp, qua cửa ngõ Pắc Bó an toàn. Thay mặt những người Pháp đó, ông, bà giáo sư Môrixơ (Maurice) và Ivon Bécna (Yvonne Bernard), nguyên Giám đốc học chánh Đông Dương đã viết một bức thư ngỏ gửi đến dư luận Pháp và thế giới, bày tỏ lòng biết ơn Tổng bộ Việt Minh về cử chỉ nghĩa hiệp, ca ngợi chính sách nhân đạo và hữu nghị, nói lên những điều mắt thấy tai nghe ở Khu Giải phóng, thể hiện rõ mười chính sách lớn rất tiến bộ của Việt Minh, tỏ rõ tinh thần và thực lực chống phát xít Nhật. Với nhiệt tình sôi nổi, ông, bà Môrixơ và Ivon Bécna kêu gọi ủng hộ một phong trào yêu nước và chống phát xít chân chính. Bức thư ngỏ đó, sau Cách mạng Tháng Tám, đã được ta in lại ở nhà in Taupin để phát rộng rãi trong Pháp kiều và các bạn trí thức ta.

    Sau Cách mạng Tháng Tám, theo chỉ thị của anh Trường Chinh, các anh Bùi Lâm, Phan Tử Nghĩa, Lưu Văn Lợi và một vài người khác, trong đó có tôi, được trao nhiệm vụ làm công tác vận động Pháp kiều. Chúng tôi vẫn giữ liên lạc với ông Lui Capuy, bí thư chi bộ SFIO, ông Lơme (Lemerre), công chức bưu điện. Qua họ mà gửi báo La République cho các đồng chí ta ở Sài Gòn, có khi nhờ chuyển bạc Đông Dương cho anh em ta nữa.

    Từ giữa tháng 9-1945, ở Sài Gòn, phái bộ Anh do tướng Graxây cầm đầu cùng quân Anh đã tạo điều kiện cho thực dân Pháp tiến hành xâm lược nước ta. Trên báo Cờ Giải Phóng, số 17, ra trước ngày 23-9-1945, anh Trường Chinh đã viết một bài xã luận nẩy lửa vạch trần âm mưu đen tối của Anh - Pháp và tỏ thái độ kiên quyết chống lại bọn xâm lược. Bài báo viết:

    "Phái bộ Anh trong Nam đã vi phạm chủ quyền của nhân dân ta. Họ đã dùng vũ lực chiếm phủ Nam Bộ và dung túng cho một số Pháp kiều khiêu khích đồng bào ta... Một lần nữa, nhân dân ta biểu lộ tinh thần đoàn kết anh dũng, yêu chuộng tự do, độc lập. Một lần nữa, nhân dân ta thề quyết không để cho bọn thực dân Pháp trở lại... Nếu một nước nào dùng vũ lực áp bách chúng ta thì chúng ta chỉ có một cách: Đoàn kết và quyết đánh".

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com