Những năm tháng làm việc bên anh Trường Chinh (kỳ 30)

06:01, 23/01/2018

[links()]

Trần Quốc Hương

(tiếp theo)

    Ngay sau ngày 2-9, một tờ áp phích lớn, in giấy khổ rộng, rất đẹp do họa sĩ Trần Đình Thọ là họa sĩ của báo vẽ, được dán cùng khắp Hà Nội, nổi bật những dòng chữ sáng chói:

    "Hãy đọc Cờ Giải Phóng, cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương, vũ khí sắc bén đấu tranh giải phóng dân tộc".

    Cũng tại 58 phố Risô, anh Trường Chinh đã dành nhiều thời giờ quý báu giữa bao nhiêu công việc to lớn khác, tập trung chăm lo xây dựng tờ Cờ Giải Phóng công khai. Thôi Hữu, Sơn Tùng (Lê Hữu Kiều), Nguyễn Huy Tưởng và Thép Mới được anh Trường Chinh chọn về làm báo Đảng. Trong cuộc họp tòa soạn đầu tiên mà anh bảo tôi cùng ngồi dự, anh Trường Chinh vui vẻ nói:

    Qua kinh nghiệm công tác làm báo của Đảng, chúng tôi có rút ra được một số điều nên và không nên. Trước khi cùng nhau làm việc, tôi trình bày những điểm đó để các đồng chí phát biểu ý kiến. Nếu chúng ta đồng ý với nhau được thì ta lấy đó làm cơ sở cho sự cộng tác lâu dài.

    Ngày 12-9-1945, Cờ Giải Phóng ra số 16 là số đầu tiên xuất bản công khai ở Hà Nội sau Cách mạng Tháng Tám, in măng sét màu đỏ tươi, giấy trắng, với số lượng phát hành 10.000 tờ.

    Trên trang nhất, anh Trường Chinh viết:

    "Mấy năm sống và tranh đấu hoàn toàn bí mật, ngày nay Cờ Giải Phóng ra mắt các bạn đọc một cách dễ dàng hơn.

    "Vượt mọi gian lao nguy hiểm, Cờ Giải Phóng luôn luôn nêu cao tinh thần phấn đấu của giai cấp thợ thuyền Đông Dương và của các dân tộc bị áp bức Đông Dương.

    "Ngày nay, chính quyền đã ở trong tay nhân dân, nhưng cuộc cách mạng giải phóng dân tộc chưa hoàn thành. Nạn ngoại xâm đang uy hiếp chúng ta. Nhân dân Đông Dương còn phải phấn đấu nữa. Cách mạng đang tiến bước. Cờ Giải Phóng vẫn phải tung bay trước gió.

    "Dưới bóng Cờ Giải Phóng, muôn triệu người hãy xếp hàng lại, tiến lên, xua tan mọi lực lượng xâm lược.

    "Cờ Giải Phóng nguyện xung phong lãnh đạo đồng bào toàn quốc giữ gìn đất nước, củng cố chính quyền nhân dân".

    Khi bàn việc ra báo, không có nhà in riêng, anh Trường Chinh giao cho tôi và Phạm Văn Khoa đi thương lượng với Nhà in Taupin của Pháp ở số 5 đường Nam Bộ (nay là địa điểm một siêu thị lớn). Chủ người Pháp đã về nước. Chỉ để lại một anh quản lý xí nghiệp người Pháp. Chúng tôi ký hợp đồng hẳn hoi. Người Pháp này đồng ý in thuê báo cộng sản, thật là một điều thú vị! Chỉ một thời gian sau chúng ta đã mua lại toàn bộ nhà in này của chủ tư bản Pháp để thành lập Nhà in Tài chính, chuẩn bị in giấy bạc Cụ Hồ.

    Hai số báo 16 và 17 của Cờ Giải Phóng xuất bản công khai đầu tiên ở Hà Nội không ghi được địa chỉ trụ sở của báo. Đó là từ ngày 12 đến 18-9-1945, quân Tàu Tưởng đã kéo vào Hà Nội. Đến Hà Nội là chúng tìm cách chiếm ngay những ngôi nhà đẹp. Trụ sở 58 phố Risô chưa kịp treo biển lên, chúng tôi đã được lệnh trên phải dọn cơ quan đi nơi khác. Đến số báo 18, ra ngày 20-9-1945, Cờ Giải Phóng phải để tạm trụ sở ở 26 phố Nhà Thờ, Hà Nội, để tiện giao dịch. Phạm Văn Khoa đã mượn một nhà cơ sở cách mạng ở 26 phố Nhà Thờ để tiếp khách. Còn địa điểm phát hành báo đặt tại Văn phòng của kiến trúc sư Võ Đức Diên ở gần Bờ Hồ (nơi có hiệu kem Long Vân trước đây). Báo in đến đâu bán hết veo đến đấy. Chúng tôi không dám in nhiều, vì giấy in báo không có nhiều.

    Trụ sở báo Đảng là trạm liên lạc quan trọng để tiếp khách. Chính vì thế mà sau ngày 2-9, anh Nguyễn Lương Bằng, phụ trách tài chính của Đảng, đã cấp cho anh Phạm Văn Khoa 2.000 đồng Đông Dương (hai nghìn bấy giờ là to lắm) để sửa chữa trường Duyviliê (tức Trường Phan Chu Trinh), đường Hàng Đẫy, để làm trụ sở cơ quan báo Đảng. Nhưng vừa sửa chữa xong, chưa kịp dọn đến thì quân Tàu Tưởng đã đến chiếm mất. Một hôm, anh Trường Chinh gọi tôi và Phạm Văn Khoa đến làm việc với Thường vụ Trung ương. Có anh Nguyễn Lương Bằng và anh Trần Đăng Ninh cùng dự. Anh Nguyễn Lương Bằng nói với tôi:

    Thường vụ Trung ương phân công cho tôi chịu trách nhiệm về công tác tài chính. Nhưng Đảng không có tiền. Chúng ta cố gắng lắm mới ra nổi tờ báo Đảng. Ra báo là tốn tiền lắm. Từ nay, anh Hương và anh Khoa phải tự lo, phấn đấu mà tự túc về tài chính, trang trải các khoản chi tiêu cho cơ quan báo Đảng, không được để lãng phí tiền của Đảng. Làm ăn phải biết tính toán, tiết kiệm từng xu cho cách mạng. Cố gắng đi liên hệ với các nơi để tìm được một trụ sở ổn định cho báo Đảng.

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com