Những năm tháng làm việc bên anh Trường Chinh (kỳ 27)

06:01, 11/01/2018

[links()]

Trần Quốc Hương

(tiếp theo)

    Anh Trường Chinh báo cáo với Bác, từ 25-8-1945, Thường vụ Trung ương đã cử các anh Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận vào Huế tiếp nhận sự thoái vị của Bảo Đại. Về danh nghĩa, anh Trần Huy Liệu (Phó Chủ tịch ủy ban Dân tộc giải phóng tức Chính phủ lâm thời) làm Trưởng đoàn sẽ thay mặt Chính phủ lâm thời nhận bản tuyên bố thoái vị của Bảo Đại, dự kiến vào ngày 29 - 8 - 1945. Cùng ngày phái đoàn Chính phủ lên đường vào Huế (25 - 8), ta đã nhận được tin ở Huế điện ra, Bảo Đại họp hội nghị tư vấn ở điện Kiến Trung, đã cho thảo bản Tuyên bố thoái vị. Theo kế hoạch, ngày 28 - 8, phái đoàn Hà Nội vào đến Huế sẽ tiếp kiến ngay với Bảo Đại. Và, chiều 30 - 8, Bảo Đại sẽ mặc lễ phục ra trước cửa Ngọ Môn, đọc tuyên bố thoái vị. Cờ quẻ ly hạ xuống và cờ đỏ sao vàng sẽ được kéo lên. Bảo Đại trao lại ấn kiếm cho cách mạng và tự nhận là công dân Vĩnh Thụy.

    Từ ngày 27 - 8 - 1945, quân Tàu Tưởng, dưới quyền chỉ huy của tướng Lư Hán, đã vượt biên giới Trung - Việt, kéo vào nước ta, mang theo một lũ lâu la: Việt Quốc, Việt Cách. Bởi thế, Bác Hồ, ngay sau khi về tới nội thành, đã họp với Thường vụ Trung ương quyết định chọn ngày 2 - 9 để tổ chức đại lễ Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra mắt quốc dân.

    Anh Trường Chinh nói với tôi:

    Ngày 2-9 sắp tới, chính thức được gọi là Ngày Độc lập. Vì nhân dịp này, Bác Hồ sẽ thay mặt Chính phủ đọc Tuyên ngôn Độc lập, mở đầu một kỷ nguyên mới của nước nhà. Bác chỉ thị phải tổ chức một cuộc mít tinh thật lớn và trọng thể. Cần huy động lực lượng nhân dân đông đảo, đủ các tầng lớp xã hội, của thủ đô Hà Nội. Có cả các lực lượng vũ trang cách mạng như Quân Giải phóng và các đội nam nữ tự vệ, dân quân để biểu dương lực lượng và khí thế cách mạng. Có mời cả các đại diện quốc tế tới dự. Đây là một ngày lễ lớn, đánh dấu một sự kiện lịch sử trọng đại, có ý nghĩa cả về chính trị và về văn hóa. Chính vì thế mà Thường vụ Trung ương muốn giao nhiệm vụ tổ chức Ngày Độc lập cho đoàn thể Văn hóa Cứu quốc. Cố nhiên là Thành ủy Hà Nội và chính quyền thành phố cũng có trách nhiệm động viên, huy động lực lượng nhân dân đông đảo toàn thành phố, kể cả ngoại thành, tham dự mít tinh. Nhưng vai trò phụ trách khâu tổ chức Ngày Độc lập phải là cán bộ văn hóa. Anh xem, trong số anh em Văn hóa cứu quốc, ai có thể cáng đáng được công việc này?

    Tôi suy nghĩ một lát rồi mạnh dạn nêu tên một vài người, trong đó có anh Nguyễn Hữu Đang. Chính anh Trường Chinh đã chấm anh Nguyễn Hữu Đang, một người mà anh biết rất rõ từ thời kỳ làm báo công khai hồi Mặt trận Dân chủ, một nhà hoạt động tích cực trong Truyền bá quốc ngữ, đến với Hội Văn hóa Cứu quốc ngay từ ngày đầu, sau đó bị Pháp bắt, vừa được đi dự Quốc dân Đại hội Tân Trào trở về, và mới đây được cử làm Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền.

    Ngày 28-8-1945, Bác Hồ cho gọi anh Nguyễn Hữu Đang tới gặp để trao nhiệm vụ Trưởng ban tổ chức Ngày Độc lập.

    Bác hỏi:

    Chú có làm được không?

    Anh Đang thưa với Bác, chỉ có bốn ngày, thời gian ít quá, nên rất khó khăn. Bác không giải thích, chỉ ôn tồn động viên Nguyễn Hữu Đang phải làm bằng được để xứng đáng với lòng tin cậy của Chính phủ.

    Anh Đang hôm ấy không về nhà, mà đi thẳng đến Bộ Tuyên truyền. Bộ trưởng Trần Huy Liệu đang làm Trưởng đoàn Chính phủ ở Huế, chưa thể ra ngay. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Đang gọi điện thoại cho các báo hằng ngày yêu cầu đăng ngay một thông cáo đặc biệt về việc Chính phủ quyết định tổ chức Ngày Độc lập vào đúng ngày 2-9-1945. Vì được Bác Hồ cho phép, cho nên thông cáo của Bộ mà anh Đang đọc chậm qua điện thoại đã được các báo đăng trang trọng trên trang nhất số báo ra ngày hôm sau, 29-8-1945. Cũng trong ngày 29, thông qua Trần Kim Xuyến, Đổng lý Văn phòng Bộ Tuyên truyền, anh Nguyễn Hữu Đang đã thành lập một ban tổ chức năng động gồm Trần Lê Nghĩa, Phạm Văn Khoa (Truyền bá quốc ngữ), Nguyễn Huy Tưởng, Lưu Văn Lợi (Văn hóa Cứu quốc), Nguyễn Dực (Hướng đạo), Trần Lâm (Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam), Nguyễn Văn Đáng (công nhân Nhà in Lê Văn Tân).

    Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh được mời tham gia thiết kế và cùng một số anh em công nhân thi công, dựng một lễ đài uy nghi, trang trọng.

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com