Những năm tháng làm việc bên anh Trường Chinh (kỳ 25)

05:01, 04/01/2018

[links()]

Trần Quốc Hương

(tiếp theo)

    Từ tháng 10-1944, trong Thư gửi đồng bào toàn quốc lần đầu tiên xuất hiện tên ký Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của Đảng ta, thông báo là Người đã thoát hiểm, từ Trung Quốc trở về nước. "Trong sự rủi, lại có sự may - Hồ Chí Minh viết - nhân dịp ở ngoài mà tôi hiểu rõ tình hình thế giới và chính sách của các hữu bang". Tình hình quốc tế đòi hỏi: "Chúng ta trước phải có một cái cơ cấu đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể quốc dân ta". Đó là "Cuộc Toàn quốc Đại hội đại biểu". Hồ Chí Minh giục làm gấp, làm nhanh, vì "cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa".

    Một tháng sau khi cao trào cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa được phát động từ chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, từ ngày 15 đến 20-4-1945, tại ATK Hiệp Hòa (Bắc Giang), anh Trường Chinh chủ trì Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ để bàn triển khai chỉ thị, kết hợp với việc giải quyết các vấn đề quân sự cấp bách mà Thường vụ Trung ương đã nêu ra từ chỉ thị 12-3-1945. Dự họp có các anh Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn, Trần Đăng Ninh, Lê Thanh Nghị, Văn Tiến Dũng.

    Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ đã quyết định thống nhất và phát triển các lực lượng vũ trang với tên gọi mới là Việt Nam Giải phóng quân. Bảy chiến khu trong cả nước được xác định, liên kết chặt chẽ với nhau, cùng với Khu giải phóng Việt Bắc lấy Tân Trào làm căn cứ địa cách mạng trung tâm. Hội nghị quyết định thành lập Ủy ban quân sự cách mạng Bắc Kỳ.

    Ngay sau hội nghị, anh Trường Chinh nhận được thư của Bác Hồ chỉ thị việc tích cực chuẩn bị cho cuộc Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội Tân Trào.

    Một ngày cuối tháng 4-1945, anh Trường Chinh cho gọi tôi từ nội thành ra ATK gặp anh. Anh bảo tôi:

    Bây giờ Trung ương cần một bác sĩ với một số thuốc để đưa lên chiến khu phục vụ cách mạng. Anh lo liệu việc này được không?

    Tôi đáp:

    Tôi có quen biết mấy anh bác sĩ và sinh viên những năm cuối của trường Thuốc. Như các anh Trần Duy Hưng, Vũ Văn Cẩn, Lê Văn Chánh, Nguyễn Xuân Bích. Các anh Trần Duy Hưng, Vũ Văn Cẩn đều giỏi tay nghề, nhiều người biết tiếng. Có anh đã có phòng khám bệnh tư. Riêng anh Lê Văn Chánh, một bác sĩ người miền Nam, sống ở Lào nhiều, nên anh em gọi là "Chánh Lào". Anh Chánh là một thanh niên yêu nước, rất nhiệt tình, tuy đã có người yêu, nhưng chưa vướng bận gia đình, có thể tổ chức cho đi thoát ly công tác dễ dàng.

    Thuốc cũng có nhiều nguồn. Kho Nhà Đoan là cơ sở cách mạng do tôi gây dựng từ cuối năm 1943, có thể cung cấp thuốc phòng và chống sốt rét. Một số cơ sở khác, như hiệu thuốc của dược sĩ Thẩm Hoàng Tín, cũng sẵn sàng ủng hộ cách mạng.

    Anh Trường Chinh bảo tôi vận động anh Lê Văn Chánh đi lên Việt Bắc cùng một số thuốc cần thiết. Chỉ vài hôm sau, anh Lê Văn Chánh, với một bộ đồ mổ gọn nhẹ và các thứ thuốc cần thiết, đã sẵn sàng lên đường.

    Về thành phần đại biểu đi dự Quốc dân Đại hội Tân Trào, anh Trường Chinh chỉ thị cho tôi tổ chức chuyến đi cho anh Hoàng Đạo Thúy, một nhà sư phạm đồng thời là "thủ lĩnh" Hướng đạo nổi tiếng. Tổng bộ Việt Minh cũng đã có danh sách đại biểu đi dự Quốc dân Đại hội Tân Trào. Các anh Khuất Duy Tiến, Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Đình Thi, là đại biểu của Hội Văn hóa Cứu quốc. Anh Dương Đức Hiền, chị Thanh Thủy là đại biểu của Đảng Dân chủ. Anh Cù Huy Cận, đại biểu trí thức yêu nước.

    Anh Trường Chinh căn dặn tôi:

    Công việc của anh lúc này là bám sát Hà Nội, giữ liên lạc chặt chẽ với anh Nguyễn Khang, ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, phụ trách Hà Nội. Mọi việc xảy ra ở Hà Nội đều có tác động lớn đến cả nước. Công tác ở Hà Nội, anh giúp được gì cho Thành ủy thì cứ hết sức giúp, nhưng không được làm lãnh đạo.

    Thắng lợi mau lẹ của Thủ đô Hà Nội trong những ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thật sự có ý nghĩa quyết định đối với cả nước. Thắng lợi ngày 19-8 ở Hà Nội khởi đầu ngay từ chiều 17-8 khi cuộc mít tinh trước quảng trường Nhà hát Lớn do Tổng hội viên chức thuộc chính quyền bù nhìn tổ chức biến thành một cuộc biểu tình khổng lồ ủng hộ Việt Minh.

    Từ hôm trước, qua cơ sở cách mạng ở Nhà Đoan, chúng tôi được tin Bùi Lan, cháu Nhượng Tống (Quốc dân Đảng) lấy danh nghĩa tổng  hội viên chức, đi vận động anh em, trong đó có công chức Nhà Đoan, tới dự cuộc mít tinh ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim. Tôi đi gặp anh Nguyễn Khang, thì được biết, anh Khang cũng nắm được thông tin về cuộc mít tinh này, qua nhiều cơ sở khác, có anh em công chức yêu nước là nòng cốt. Anh Nguyễn Khang bảo tôi: "Tôi đã bàn với Thành ủy Hà Nội, huy động đông đảo lực lượng quần chúng cách mạng, trong đó có Đội Tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu, đến gây áp lực trong cuộc mít tinh này. Chúng ta sẽ chiếm lấy diễn đàn, công khai báo tin Nhật đầu hàng, hô hào nhân dân tham gia cách mạng và ủng hộ Việt Minh".

    Sách, báo ta mấy chục năm nay đã nói nhiều về cuộc mít tinh chiều ngày 17-8-1945 không thể nào quên ấy. Đó là buổi lễ hào hùng chưa từng có từ trước đến nay: cả Hà Nội tự nguyện gia nhập Việt Minh.

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com