Đồng chí Trường Chinh (anh Năm) - Nhà hoạt động cách mạng lớn của Việt Nam (Kỳ 2)

06:08, 03/08/2017

[links()]

Đại tướng CHU HUY MÂN

 (Tiếp theo)

    Ngày 19-12-1946 kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Chưa đầy một năm, thu đông 1947 thực dân Pháp tập trung hầu hết lực lượng cơ động trên chiến trường chính Bắc Bộ tấn công lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt lực lượng vũ trang non trẻ, đánh tan cơ quan đầu não kháng chiến của ta. Với ưu thế lực lượng trên bộ, trên không và trên sông, quân viễn chinh Pháp đinh ninh thực hiện được biện pháp chiến lược đánh nhanh, giải quyết nhanh, sớm kết thúc chiến tranh xâm lược có lợi cho chúng. Nhưng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bác Hồ, Trung ương Đảng, Bộ Tổng tư lệnh đã kiên quyết chỉ đạo cụ thể theo đúng đường lối toàn dân đánh giặc, lấy các lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Được sự phối hợp và động viên của quân dân các chiến trường trong cả nước, quân dân Việt Bắc chiến đấu dũng cảm, phát huy sức mạnh tổng hợp, tiêu diệt và tiêu hao quân viễn chinh Pháp, buộc chúng phải rút lui. Biện pháp chiến lược đánh nhanh, giải quyết nhanh của thực dân Pháp với phương châm đánh lâu dài, toàn dân, toàn diện của ta mâu thuẫn gay gắt với nhau; song keo đầu ta thắng, địch thua đã tạo ra thế và lực mới của ta trên toàn bộ chiến trường. Nói cách khác, hai tính chất của cuộc chiến tranh, hai quan điểm quân sự tuy mới ngã ngũ bước đầu, keo đầu nhưng có ý nghĩa to lớn. Quân viễn chinh Pháp thua nhưng vẫn ngoan cố rải quân chiếm giữ con đường chiến lược số 4 từ Bắc Cạn qua Cao Bằng đến Tiên Yên. Âm mưu của chúng là chia cắt lâu dài Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới, nhưng chúng đã phạm sai lầm là phân tán lực lượng, chiếm đóng sâu trên chiến trường miền núi, tạo thuận lợi cho đối phương bao vây chia cắt tiêu hao đến tiêu diệt lớn. Chiến thắng của quân dân Việt Bắc đã tạo ra một chuyển biến lớn, thế trận xen kẽ giữa ta và địch được hình thành dẫn đến ta bao vây và chia cắt quân địch. Trung ương Đảng chỉ đạo các cấp ủy khẩn trương xây dựng cơ sở chính trị vũ trang, đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích trong cả nước. Sau thắng lợi Việt Bắc, ta có thêm điều kiện giúp nhân dân Lào và Campuchia. Sau chiến thắng Việt Bắc, Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh đã nhanh chóng xây dựng khối chủ lực cơ động chiến lược, quả đấm mạnh, thực hiện chức năng đánh tiêu diệt lớn sinh lực địch và giải phóng đất đai giành thắng lợi từng bước tiến đến giành thắng lợi quyết định. Sau hai năm khẩn trương xây dựng khối chủ lực, chiến dịch tấn công giải phóng biên giới phía Bắc giành thắng lợi đã động viên quân, dân trên các chiến trường Việt Nam và hai nước bạn láng giềng nỗ lực kháng chiến. Sự đột phá, mở đầu của kháng chiến trong điều kiện vô cùng khó khăn đã làm nổi rõ khả năng lãnh đạo chiến tranh của Đảng, sức mạnh đoàn kết chiến đấu của quân, dân ta. Những ai trong cuộc càng thấy rõ "Vạn sự khởi đầu nan", thử thách rèn luyện trí bền và sức sáng tạo.

    Sau chiến dịch giải phóng biên giới phía Bắc, các thứ quân trưởng thành, phong trào kháng chiến trong cả nước mạnh lên, tư tưởng cách mạng tiến công phát huy mạnh. Sự lãnh đạo chiến tranh, chỉ đạo chiến lược quân sự của Trung ương đã thu được kinh nghiệm bước đầu. Cách mạng Việt Nam nối liền với cách mạng thế giới và được sự cổ vũ của nhân dân nhiều nước, đặc biệt là của Liên Xô, Trung Quốc. Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh vừa chăm lo sự nghiệp kháng chiến của toàn quốc và các nước bạn Đông Dương, vừa chỉ đạo mở các chiến dịch đi đến chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Điều khó quên đối với cán bộ Đảng và quân đội là mỗi lần có hội nghị tổng kết kinh nghiệm lại được Bác Hồ đến động viên và căn dặn, được đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh và các đồng chí Thường vụ Trung ương đến nói chuyện. Mỗi cuộc hội nghị là một lớp học ngắn ngày, cán bộ được bồi dưỡng về quan điểm chính trị, về tư tưởng và nghệ thuật quân sự Việt Nam, qua đó anh chị em cán bộ đều có bước trưởng thành, có thêm nghị lực vượt khó khăn giành thắng lợi mới. Từ những thắng lợi của các chiến trường, nhất là chiến trường Bắc Bộ, đã đi đến chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Sau Cách mạng Tháng Tám, Trung ương ta nhận định: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Nhà nước công nông kiểu mới của dân, do dân và vì dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Sau thắng lợi Điện Biên Phủ lịch sử, miền Bắc nước ta hoàn toàn giải phóng, Đảng ta lại nhận định: Thắng lợi của Việt Nam mở đầu thời kỳ tan rã của chế độ thực dân cũ. Năm 1963 Liên hợp quốc có nghị quyết xóa bỏ chế độ thuộc địa là một thực tế chứng minh nhận định của Đảng ta là chính xác. Nguyên nhân chủ yếu của thắng lợi là đường lối kháng chiến của Đảng ta đúng đắn, sáng tạo, nhân dân ta đoàn kết một lòng, sự lãnh đạo tập thể của Thường vụ Trung ương sáng suốt, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của đồng chí Trường Chinh.

    Từ mùa hè 1954 đến mùa xuân 1975, nhiệm vụ và công tác của tôi chủ yếu là ở chiến trường, nhưng tôi luôn luôn quán triệt đường lối chính trị, quân sự của Đảng, tìm hiểu, học tập ở các đồng chí lãnh đạo cấp trên qua lãnh đạo chiến tranh và chỉ đạo chiến lược cụ thể việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng miền Bắc từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh chống Mỹ giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Miền Bắc là hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam. Cuộc đấu tranh này diễn ra trong bối cảnh quốc tế không thuận lợi. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh đã cùng với đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn và tập thể Bộ Chính trị đem hết tài năng, trí tuệ động viên quân, dân cả nước quyết đánh bại bọn xâm lược thực dân mới, thực hiện mục tiêu cao cả của Đảng và dân tộc.

    Cuối thu 1969 Bác Hồ đi xa, kẻ thù xâm lược tưởng như có thời cơ làm xao xuyến tinh thần chiến đấu của quân dân ta. Nhưng, quân dân miền Nam cũng như cả nước đã biến đau thương thành sức mạnh chiến đấu, thực hiện lời căn dặn của Người "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào". Trong thực tế, cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày đêm vẫn hướng về Trung ương. Và cũng trên thực tế đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, đồng chí Trường Chinh và tập thể Bộ Chính trị đã thực hiện đúng Di chúc của Bác và lời thề trang trọng lúc tiễn Bác đi xa, thể hiện rõ ý chí, tình cảm của cả dân tộc với vị Cha già kính yêu.

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com