Bác Thận với Chỉ thị 100 của Ban Bí thư (Kỳ 2)

06:07, 27/07/2017

[links()]

Phan Diễn
Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị,
Thường trực Ban Bí thư

(Tiếp theo)

    Buổi chiều, ở Hội nghị Trung ương về, bác Thận nói với tôi một cách thận trọng nhưng lộ vẻ hài lòng: Tôi phát biểu xong vấn đề lương thực, thấy nhiều đồng chí Trung ương đồng tình. Hôm sau lúc đi làm, tôi gặp anh Đậu Ngọc Xuân, thư ký của đồng chí Lê Duẩn ở gần cổng, anh Xuân bảo tôi: Anh về báo cáo với anh Thận là anh Ba hoàn toàn tán thành những ý kiến anh Thận phát biểu ở Hội nghị Trung ương hôm qua. Khi tôi báo cáo lại ý kiến ấy của đồng chí Lê Duẩn với bác Thận, bác vui hẳn lên: Anh Ba nói hoàn toàn tán thành à, thế thì tốt. Bác ngừng lại một lát rồi hạ giọng nói nhỏ như nói với chính mình: Thế là anh ấy cũng tán thành cả ý kiến của tôi về vấn đề lương thực đấy.

    Giữa năm 1980, phong trào khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động mà thực chất là khoán hộ trong nông nghiệp xuất hiện trở lại và lan rộng rất nhanh ở nhiều nơi, trong đó có Hải Phòng. Hè năm đó, bác Thận đi nghỉ ở Đồ Sơn. Biết bác Thận trước đây có lúc đã phê phán nghiêm khắc phong trào khoán hộ ở Vĩnh Phú, xem đó là một chủ trương phá hoại hợp tác xã, anh Bùi Quang Tạo, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng, khi ra Đồ Sơn thăm bác Thận kể chuyện rất sôi nổi về phong trào lao động của nhân dân Hải Phòng xây dựng cầu, mở rộng các cửa ô, nhưng chỉ nói thoáng qua về chuyện khoán sản phẩm đến hộ, như đây là việc làm tự phát ở một vài nơi, Thành uỷ còn đang xác minh làm rõ.

    Bác Thận biết ý cũng không hỏi sâu thêm. Thực ra, lúc ấy Hải Phòng đang đi đầu phong trào khoán hộ ở miền Bắc, Thành uỷ đã ra nghị quyết khẳng định chủ trương mở rộng thực hiện kinh nghiệm của huyện Đồ Sơn về việc này.

    Không lâu sau đó, tôi cùng mấy anh em chuyên viên Văn phòng Trung ương trở lại Đồ Sơn tìm hiểu sâu hơn về phong trào khoán hộ trong nông nghiệp. Chúng tôi được đồng chí Bí thư Huyện uỷ Đồ Sơn giới thiệu rất nhiệt tình về quá trình tranh luận sôi nổi ở Hải Phòng để đi đến nghị quyết của Thành uỷ; tiếp đó đã đi về Đoàn Xá và một vài xã khác, nơi có những hợp tác xã đang đi đầu trong phong trào khoán sản phẩm đến hộ, trực tiếp hỏi chuyện bà con nông dân xã viên và cán bộ hợp tác xã. Ở đâu chúng tôi cũng nhận thấy một không khí mới, một khí thế sản xuất mới. Người nông dân bắt đầu hăng hái canh tác trên cánh đồng được hợp tác xã giao khoán như trên mảnh "ruộng 5%" của mình. Năng suất lao động, hiệu quả sử dụng ruộng đất đều khác hẳn lúc xã viên còn làm ăn theo chế độ công điểm trong cơ chế khoán việc. Tôi lại gặp anh Đậu Ngọc Xuân cũng đang về đây khảo sát thực tế. Anh Xuân trao đổi với chúng tôi: Khoán hộ là sự thay đổi lớn cả về tổ chức lao động, cả về chế độ phân phối trong hợp tác xã, có lợi cho phát triển sản xuất, nên ủng hộ việc này. Chúng tôi đều đồng tình với ý kiến ấy.

    Khi trở về, tôi báo cáo tất cả những điều tai nghe mắt thấy và những nhận xét trên đây với bác Thận. Bác lắng nghe chăm chú, đặc biệt hỏi kỹ những ý kiến phát biểu của bà con nông dân xã viên về chính sách khoán sản phẩm, nhưng nghe xong bác chưa nói gì.

    Đầu năm 1981, trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm thực tiễn đang diễn ra ở nông thôn, Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá IV đã ban hành Chỉ thị 100 nổi tiếng về "mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp", đánh dấu một mốc quan trọng về đổi mới tư duy kinh tế và chính sách phát triển nông nghiệp của Đảng ta. Chính Chỉ thị 100 cùng với những đổi mới về chính sách thu mua và lưu thông lương thực đã góp phần quan trọng phát triển sản xuất lương thực và cải thiện tình hình cân đối lương thực của đất nước, đưa nước ta từ chỗ thường xuyên thiếu lương thực trở thành một nước xuất khẩu gạo lớn sau này.

    Khi xem dự thảo Chỉ thị 100, bác Thận không góp ý kiến sửa gì lớn. Bác không tỏ ý gì phản đối việc khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động, mà thực chất là khoán hộ trong hợp tác xã nông nghiệp, nhưng cũng chưa tỏ ra nhiệt tình ủng hộ chủ trương này, có vẻ vẫn còn phân vân, hoài nghi. Bác Thận yêu cầu tôi chuẩn bị để cuối tháng giêng bác đi khảo sát tình hình kinh tế hợp tác xã nông nghiệp. Nhóm thư ký chúng tôi đề nghị bác Thận về thăm Hải Hưng và theo gợi ý của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, trước hết mời bác về khảo sát hợp tác xã Đức Hợp ở huyện Kim Thi. Các đồng chí lãnh đạo của tỉnh và của hợp tác xã báo cáo đây là một hợp tác xã khoán việc làm ăn giỏi của tỉnh, sản xuất và đời sống đều khá, gương mẫu đóng góp nghĩa vụ với Nhà nước, đặc biệt là đoàn kết thôn xóm rất ấm cúng. Đến nay, tôi vẫn còn nhớ ấn tượng tốt đẹp về hợp tác xã Đức Hợp ngày ấy với bờ vùng, bờ thửa, kênh mương thẳng tắp, đường ra đồng rộng, rợp bóng cây trồng hai bên, ruộng đồng xanh mượt, bà con nông dân và các cháu ở trường tiểu học của xã đều khoẻ mạnh, ăn mặc tươm tất. Tôi nhớ nhất kho giống của hợp tác xã. Ở đó, các loại giống lúa, ngô, đậu... được chọn lọc, bảo quản rất cẩn thận, khô ráo trong những chum sành lớn, có nắp đậy kín, đề chữ và đánh số, xếp thành dãy ngay ngắn trong kho, chỉ nhìn vào đây đã đủ biết là hợp tác xã rất coi trọng áp dụng kỹ thuật tiến bộ... Hợp tác xã còn có máy kéo và đã thực hiện cơ giới hoá một phần lớn khâu làm đất. Trong suốt chuyến đi, bác Thận rất vui và nhiều lần khen ngợi hợp tác xã. Cuối buổi, đồng chí chủ nhiệm hợp tác xã cho biết đã nghe trên đài Chỉ thị 100 của Ban Bí thư về mở rộng khoán sản phẩm trong hợp tác xã nông nghiệp, nhưng các đồng chí rất phân vân, chưa định đi theo hướng đó. Bác Thận tỏ ý đồng tình, nhắc lại rằng Chỉ thị 100 có nói khoán kiểu gì là tuỳ từng hợp tác xã tự quyết định.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com