Tỏa sáng phẩm chất người lính bộ đội Cụ Hồ

07:05, 19/05/2017

Từng tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, trở về với cuộc sống đời thường, dù ở lĩnh vực công tác nào, những người lính năm xưa vẫn không ngại khó khăn, gian khổ, phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, vươn lên tỏa sáng và khẳng định mình trong cuộc sống. CCB Ngô Đình Trữ, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Cty Dệt may Chí Tâm ở xã Lộc An (TP Nam Định) là một tấm gương như thế.

CCB Ngô Đình Trữ, xã Lộc An (TP Nam Định) đang rà soát danh sách những người nghèo cần trợ giúp.
CCB Ngô Đình Trữ, xã Lộc An (TP Nam Định) đang rà soát danh sách những người nghèo cần trợ giúp.

Được gặp gỡ và trò chuyện với ông Trữ mới thấy được nghị lực dám nghĩ, dám làm trong công việc và luôn giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Nhập ngũ năm 1964 khi mới 19 tuổi, sau khi tham gia lớp huấn luyện ra-đa tại vùng Đông Bắc (Quảng Ninh), năm 1965, chàng trai trẻ Ngô Đình Trữ được phân về Phòng Thông tin thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân với nhiệm vụ chính là hướng dẫn đường đi cho tàu của ta và phát hiện tàu địch. Đến năm 1970, ông bị thương và được xuất ngũ về địa phương và rồi tham gia học lớp quản lý kinh tế. Năm 1972, ông chuyển về công tác tại Cty Thương nghiệp Thành phố Nam Định. Năm 1993, ông được điều động sang Hội Từ thiện Thành phố Nam Định tiếp quản xưởng may người khuyết tật bị câm, điếc. Đến năm 2005, xưởng may chuyển đổi thành Cty Dệt may Chí Tâm được Hiệp hội sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật Việt Nam công nhận là hội viên chính thức cho đến nay. Nhớ lại những ngày đầu tham gia xây dựng Cty, ông Trữ cho biết: “Nhìn thấy những đứa con bị tật nguyền do ảnh hưởng của chất độc da cam của nhiều đồng đội cũ, tôi muốn làm một điều gì đó để giúp họ bớt đi những nỗi đau chiến tranh. Từ đó tôi luôn tạo điều kiện giúp đỡ những người khuyết tật vào làm tại Cty…”. Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm, ông đã nắm bắt thời cơ, tìm tòi nghiên cứu quy trình sản xuất. Ông còn đi học hỏi ở nhiều nơi như Thanh Hóa, Ninh Bình… nhưng thời gian đầu, vốn liếng sản xuất còn hạn chế, người lao động chủ yếu lại là những người khuyết tật chuyên môn chưa cao nên hoạt động của Cty chưa hiệu quả. Không thể bó tay và buông xuôi khi những người lao động khó khăn đang trông chờ vào mình. Với bản lĩnh của người lính, người đảng viên, ông đã cùng với lãnh đạo Cty phân công lao động phù hợp. Ban đầu ông lựa chọn những người có đủ sức khỏe làm việc tại Cty, người ít khả năng lao động, sức khỏe yếu mang việc về làm tại nhà với sự giúp đỡ của các thành viên khác trong gia đình. Để công việc sản xuất, kinh doanh thuận lợi, ông đã cam kết với các đại lý cung cấp nguyên liệu sẽ trả tiền đúng kỳ hạn. Được sự tin tưởng của các đối tác, ông đã “xoay xở” để Cty không phải đi vay ngân hàng. Bên cạnh đó ông xuôi ngược tìm kiếm nguồn hàng duy trì việc làm, xin kinh phí, xin chỉ tiêu, phối hợp với các trường dạy nghề, đào tạo cho các lao động là người khuyết tật… Với những nỗ lực không ngừng nghỉ cùng nghị lực, quyết tâm của một CCB, Cty của ông đã có lượng khách quen ổn định và dần đi vào hoạt động hiệu quả, đã cung cấp các sản phẩm may mặc như quần áo bảo hộ lao động và cung cấp các trang thiết bị an toàn lao động cho khắp các tỉnh miền Bắc, miền Trung và khu vực Thành phố Hồ Chí Minh. Trung bình một tháng, doanh thu của Cty đạt trên 1 tỷ đồng. Cty ngày càng phát triển, ông tiếp tục đầu tư thêm các trang thiết bị máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm tới các khách hàng. Hiện tại, cơ sở của Cty có diện tích rộng 1.000m2, tạo công ăn việc làm cho 31 người khuyết tật ở huyện Nam Trực và Thành phố Nam Định với mức thu nhập đạt từ 200-250 nghìn đồng/người/ngày. Bên cạnh đó, do đặc thù của Cty là những người khuyết tật, để mọi người cùng hiểu nhau hơn và giao tiếp được trong công việc, bản thân ông Trữ đã học ký hiệu của người câm, điếc để mọi người cùng hiểu nhau trong khi giao tiếp, giúp người khuyết tật không bị tự ái, vươn lên khắc phục nhược điểm của cá nhân, tự tin hòa nhập với cộng đồng “Vì người lao động của Cty mang tính đặc thù nên bản thân tôi, ngoài tâm huyết với nghề phải có tình yêu thương, đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn, giúp họ hòa nhập với cộng đồng…”, ông Trữ cho biết thêm. Không chỉ dừng lại ở việc tạo công ăn việc làm cho lao động là những người khuyết tật, ông Trữ còn luôn quan tâm, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người khuyết tật. Điều này thể hiện qua số lượng người lao động ở Cty được hưởng các chế độ, chính sách của người khuyết tật theo đúng quy định của pháp luật, Cty còn đại diện cho tiếng nói của người khuyết tật, đề xuất những giải pháp nhằm mang lại sự bình đẳng hơn về cơ hội cho những lao động yếu thế… Không chỉ lao động sản xuất giỏi, CCB Ngô Đình Trữ còn tích cực tuyên truyền, vận động người thân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội của xã trong các phong trào từ thiện nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa. Hằng năm, ông còn thường xuyên phát quà miễn phí cho những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Tiêu biểu như năm 2015 đã phát hàng nghìn chiếc quần áo bảo hộ lao động cho 3 xã Lộc An (TP Nam Định); Nghĩa An, Hồng Quang (Nam Trực) trị giá trên 80 triệu đồng. Năm 2016, ông đã trao tặng 25 chiếc xe lăn cho con, em của CCB và các cháu là đối tượng người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn với mỗi chiếc xe trị giá trên 1 triệu đồng. Năm 2017, ông đã trao tặng quà Tết cho 50 gia đình nghèo có hoàn cảnh khó khăn ở xã Nghĩa An, Nam Hồng gồm gạo, quần áo và nhu yếu phẩm cần thiết khác trị giá 150 triệu đồng…

Với những thành tích đã đạt được ông đã được tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang; Huân chương Kháng chiến hạng 2; Bằng khen của UBND tỉnh và nhiều phần thưởng cao quý khác. Ông xứng đáng là một tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com