Tập trung lãnh đạo đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong những năm đầu thế kỷ XXI (2001-2005) - Kỳ 5

06:05, 16/05/2017

[links()]

(Tiếp theo)

    Cùng với phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế biển, phong trào xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được đẩy mạnh. Đến năm 2005, có 100% số xã trong tỉnh đã có điện lưới và đường ôtô về tới trung tâm. Toàn tỉnh đã cải tạo 90% mặt đường bằng vật liệu cứng, mật độ giao thông các loại đạt 4km/km2. Các xã đều có trạm xá, trường cao tầng, hệ thống trạm biến áp, đường điện, nước sạch... cơ bản đáp ứng được nhu cầu của nhân dân.

    Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thời kỳ 2001-2005 được xác định với 6 mục tiêu cụ thể:

    Khai thác tiềm năng, thế mạnh và thúc đẩy hai vùng kinh tế (vùng kinh tế nông nghiệp, vùng kinh tế biển) và một trung tâm công nghiệp và dịch vụ (thành phố Nam Định) phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

    Xác định được ngành trọng tâm và sản phẩm mũi nhọn để tập trung đầu tư phát triển.

    Thu hút lao động, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân; góp phần ổn định chính trị - xã hội.

    Chuyển dịch cơ cấu kinh tế toàn tỉnh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp nông thôn.

    Nâng cao chất lượng và tăng nhanh giá trị xuất khẩu.

    Từng bước đổi mới cơ cấu thu ngân sách, xây dựng nguồn thu ổn định, vững chắc từ công nghiệp.

    Từ các mục tiêu trên, tỉnh xác định công nghiệp Nam Định sẽ tập trung phát triển vào 7 lĩnh vực: Công nghiệp dệt may gắn với chiến lược tăng tốc phát triển ngành dệt may Việt Nam; công nghiệp chế biến; công nghiệp cơ khí, điện, điện tử; công nghiệp dân doanh và các làng nghề trong tỉnh; sản xuất vật liệu xây dựng; hình thành các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức cao; xây dựng khu, cụm công nghiệp tập trung. Trên cơ sở định hướng đó, Tỉnh ủy chỉ đạo tiếp tục khuyến khích đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ, phát triển sản xuất công nghiệp, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Riêng đối với công nghiệp dệt, tỉnh chủ trương vừa tiếp tục đầu tư ổn định và phát triển sản xuất, vừa xây dựng kế hoạch để đưa Công ty dệt ra khỏi thành phố, từng bước đưa công nghiệp dệt may về nông thôn để giải quyết vấn đề lao động, việc làm ở nông thôn theo tinh thần “ly nông, bất ly hương”. Các ngành chức năng, các cơ sở sản xuất kinh doanh đã chủ động triển khai kế hoạch, phát huy lợi thế hiện có, khắc phục khó khăn, đổi mới phương thức hoạt động nên đã đạt hiệu quả cao hơn năm trước. Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhìn chung có chuyển biến tích cực. Nhiều doanh nghiệp Trung ương đi vào sản xuất ổn định; công nghiệp địa phương, nhất là khu vực dân doanh, làng nghề có bước phát triển khá, năng động hơn trong tiếp cận thị trường, đổi mới sản phẩm. Một số doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu đã làm ăn có lãi, đạt doanh thu cao, giải quyết được việc làm cho người lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2001 đạt 1.757 tỷ đồng, trong đó công nghiệp địa phương đạt 1.118,3 tỷ đồng, tăng 1,4% so với kế hoạch và tăng 14,6% so với năm 2000. Năm 2002, tổng số vốn đầu tư cho chương trình phát triển công nghiệp thực hiện là 600 tỷ đồng, bằng 13,4% mức dự kiến cho cả giai đoạn. Các mục tiêu trọng điểm theo 7 nội dung định hướng của chương trình từng bước được triển khai. Khu công nghiệp tập trung Hoà Xá (thành phố Nam Định) và 4 cụm công nghiệp làng nghề tại: Yên Xá (Ý Yên), Xuân Tiến (Xuân Trường), Thịnh Long (Hải Hậu) và Nam Giang (Nam Trực) đã hình thành. Khu công nghiệp Hoà Xá có 35 dự án đầu tư được duyệt và 4 doanh nghiệp đi vào sản xuất kinh doanh, ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành một số quy định và cơ chế để định hướng, khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Do đó, tuy gặp nhiều khó khăn về thị trường, giá cả, nhất là đối với ngành dệt, song kết quả sản xuất của toàn ngành năm 2002 vẫn đạt khá. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2002 tăng 16,4% so với năm 2001 và 3,35% so với kế hoạch, trong đó công nghiệp trung ương tăng 20,1% so với năm 2001 và 5,9% so với kế hoạch. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các huyện, thành phố có tốc độ tăng trưởng 11,8%, doanh nghiệp cổ phần tăng 17,6%, kinh tế cá thể quy mô nhỏ tăng 13,5%/năm.

    Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khoá IX về tiếp tục đổi mới doanh nghiệp nhà nước và sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, đến năm 2001, tỉnh đã thực hiện thẩm định 70/125 doanh nghiệp nhà nước, trong đó có 50 doanh nghiệp đã có quyết định chuyển đổi của Bộ Tài chính và ủy ban nhân dân tỉnh (29 doanh nghiệp được chuyển đổi thành công ty cổ phần; 21 doanh nghiệp được giao bán cho tập thể và người lao động). Đến cuối năm 2003, toàn tỉnh đã thực hiện sắp xếp được 108 doanh nghiệp nhà nước (gồm các hình thức cổ phần, hợp nhất, giao bán, giải thể)... Với kết quả đó, Nam Định là một trong những tỉnh thực hiện tốt việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, tạo động lực mới trong quản lý và phát huy tính tích cực, sáng tạo của người lao động; vừa nâng cao tinh thần trách nhiệm, dân chủ trong quản lý doanh nghiệp, vừa hạn chế các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, trì trệ và dựa dẫm lẫn nhau, đồng thời tạo ra một xu hướng mới, không khí làm ăn mới. Sau khi sắp xếp, hiệu quả sản xuất kinh doanh được nâng lên. Tỉnh đã đăng ký kinh doanh cho 399 doanh nghiệp tư nhân với vốn đăng ký 289,6 tỷ đồng; 15.000 hộ sản xuất kinh doanh với số vốn đăng ký 145 tỷ đồng. Sau khi cổ phần hoá các doanh nghiệp, nhờ phát huy tốt cơ sở hiện có và thực hiện có hiệu quả các dự án đầu tư, nên công nghiệp chế biến phát triển khá, nhịp độ tăng bình quân hằng năm 19,3%, với các sản phẩm chủ yếu là bia, thịt đông lạnh, nước mắm, thuỷ sản đông lạnh...

 (còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com