Ký ức tháng Tư

06:04, 28/04/2017

Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi có dịp được gặp gỡ và trò chuyện với người cựu binh, thương binh Phùng Xuân Khoa, sinh năm 1947 ở khu 5A Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy), được ông kể về ký ức những năm tháng gian khó nhưng đầy tự hào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

CCB Phùng Xuân Khoa, khu 5A, Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy) đang chăm sóc vườn cây của gia đình.
CCB Phùng Xuân Khoa, khu 5A, Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy) đang chăm sóc vườn cây của gia đình.

Lật giở lại những bức ảnh cũ chụp cùng với các đồng đội năm xưa, ký ức về cuộc chiến hào hùng như những thước phim quay chậm, rõ nét trở về qua lời kể của người cựu binh, thương binh Phùng Xuân Khoa. Sinh và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, khi mới 18 tuổi, Phùng Xuân Khoa hăng hái xung phong lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, được biên chế vào Trung đoàn E83 Bộ Tư lệnh Công binh. Sau khi đơn vị cử đi học lớp lái xe, ông trở về tiếp đó cùng với đơn vị xây dựng sân bay Hòa Lạc ở Sơn Tây (Hà Tây cũ). Đến tháng 3-1968, sân bay hoàn thành, ông cùng đơn vị hành quân vào miền Nam tích cực huấn luyện, rồi tham gia chiến đấu chiếm lĩnh sân bay Tà Cơn, sau đó trung đoàn ông được phân về Đoàn 559 đảm bảo tuyến vận tải quân sự Trường Sơn. Năm 1972, đơn vị cử ông đi học lớp sĩ quan Công binh. Đến năm 1973, ông được bổ sung vào Đoàn 25 Công binh B2 miền Đông Nam Bộ. Năm 1974, ông đã tham gia cùng với Sư đoàn 7 giải phóng Thị xã Phước Long (Bình Phước). Đây là chiến thắng đầu tiên mà nhân dân ta đã giành được quyền làm chủ trong phạm vi một tỉnh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam Việt Nam, tạo động lực cho quân và dân ta thúc đẩy mọi hoạt động trên chiến trường cũng như ở hậu phương khẩn trương chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công giải phóng miền Nam. Trong ký ức của ông Khoa còn nhớ như in hình ảnh những ngày tháng Tư năm 1975, khi chiến dịch được mở màn, ông được phân về Binh đoàn 232 thuộc lực lượng của B2 miền Đông Nam Bộ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Khi đó, ông là Đại đội phó Đại đội C1, Tiểu đoàn 98, Đoàn 55 Công binh miền Đông Nam Bộ trực tiếp chỉ huy chiến đấu. Cánh quân xuất phát từ tỉnh Xvây Riêng (Căm-pu-chia) đánh vượt qua sông Vàm Cỏ Đông sang huyện Bến Cầu (Tây Ninh), sau đó vào giải phóng huyện Đức Huệ, Đức Hòa tỉnh Long An. Với ông Khoa, cuộc tiến công vào căn cứ Đức Huệ thật gian nan vì là một huyện giáp biên giới với Căm-pu-chia, địch án ngữ con đường đi về Thị trấn Đức Hòa, Thị xã Hậu Nghĩa. Nhưng với sự quyết tâm của các đồng đội, quân ta đồng loạt đột phá vào những mục tiêu trọng yếu của địch. Tuy bị địch dồn sức chống trả quyết liệt các hướng, các mũi tiến công và gây cho ta những tổn thất nặng nề nhưng với ý chí và nghị lực, ta đã đánh chiếm được toàn bộ khu hành chính, giải phóng hoàn toàn căn cứ Đức Huệ. Tiếp đó, quân và dân các địa phương đã tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn các huyện Hóc Môn, Bà Điểm. Ông Khoa lại tiếp tục cùng các đồng đội Quân đoàn 2 tiến vào giải phóng Sài Gòn và góp phần làm nên chiến thắng lịch sử vào ngày 30-4-1975.

Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, đến năm 1978, đơn vị của ông được điều động sang Căm-pu-chia làm nhiệm vụ quốc tế. Rời quân ngũ năm 1986, ông trở về tham gia công tác tại địa phương. Dù ở cương vị công tác nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Hiện ông đang giữ chức Phó Ban Tuyên giáo của Đảng ủy Thị trấn Ngô Đồng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin thị trấn. Gần 50 năm tuổi Đảng, 70 năm tuổi đời, người lính Cụ Hồ ấy vẫn lặng lẽ đóng góp sức mình cho sự đổi mới đi lên của quê hương. Ông Khoa chia sẻ: “Dù ở thời chiến hay thời bình, tôi vẫn nguyện đem hết sức mình dựng xây cho quê hương đất nước, nguyện sống đúng với phẩm chất và đạo đức của người lính, là tấm gương sáng cho các cháu học tập và noi theo…”. Với những đóng góp và cống hiến của ông và trung đoàn trong chiến đấu, bản thân ông vinh dự được tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang; Huân chương Chiến sĩ giải phóng; Huân chương Chiến công hạng 2; Huân chương Ăng-co do Nhà nước Căm-pu-chia tặng…

Chia tay ông Khoa sau khi được nghe ông kể về những kỷ niệm chiến trường, chúng tôi càng thấy được giá trị to lớn của hòa bình, hạnh phúc hôm nay. Những ký ức của lớp lớp thế hệ cha ông đi trước sẽ truyền thêm nhiệt huyết để các thế hệ trẻ tương lai của đất nước mãi noi theo./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com