Thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá (1997-2000) - Kỳ 16

04:04, 27/04/2017

[links()]

(Tiếp theo)

    Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy đảng thường xuyên đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác quần chúng, kịp thời triển khai quán triệt, tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận. Hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội đã từng bước đổi mới về nội dung, phương pháp; hướng vào tập hợp đoàn viên, hội viên phát huy sức mạnh khối đoàn kết toàn dân, giúp nhau xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hoá, giữ gìn an ninh trật tự... Kết quả nổi bật là phong trào xây dựng các quỹ hỗ trợ của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh giúp nhau giải quyết việc làm, phát triển sản xuất kinh doanh... đem lại lợi ích thiết thực, giúp quần chúng phấn khởi, tin tưởng. Với chức năng là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã thực hiện tốt việc vận động, tập hợp quần chúng nhân dân vào sinh hoạt trong các tổ chức hội, đoàn thể và tham gia các cuộc vận động chuyên đề, các phong trào thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

    Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cũng đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn toàn dân thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân theo đúng pháp luật và thực hiện tốt chính sách tôn giáo; đặc biệt việc tổng kết Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị khoá VII, Nghị định số 69-CP của Chính phủ và triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII) về công tác tôn giáo, đã thực sự tác động tốt đến tư tưởng, tình cảm, tạo niềm tin, phấn khởi và đoàn kết trong nội bộ nhân dân. Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân thu hút được số hội viên tham gia sinh hoạt với tỉ lệ cao. Đến năm 1999, toàn tỉnh có 223.365 hội viên phụ nữ (chiếm 54,3% trong tổng số 460.544 phụ nữ tuổi từ 15-49) sinh hoạt ở 3.934 chi, tổ thuộc 225 Hội Phụ nữ cơ sở. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá VII) về công tác thanh niên trong thời kỳ mới, tháng 9-1998, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo xây dựng Hội Liên hiệp thanh niên các cấp trong tỉnh. Hội Liên hiệp thanh niên thành lập được 189 chi hội (có 74 chi thuộc cấp xã với 19.635 hội viên). Đoàn Thanh niên có 82.796 đoàn viên, chiếm 23,6% trong tổng số 427.728 thanh niên tại địa phương. Trong 4 năm (1996-1999), Hội Nông dân tỉnh kết nạp mới 70.652 hội viên, nâng tổng số hội viên lên 247.165 người, chiếm 63,3% số hộ nông dân, sinh hoạt trong 2.881 chi hội cơ sở.

    Nam Định là địa phương có số người tham gia lực lượng vũ trang trong thời kỳ kháng chiến đông. Đến năm 1999 có 70.254 cựu chiến binh về sinh sống ở địa phương và đã có 52.653 hội viên, chiếm 72,4% tổng số, tham gia sinh hoạt tại 3.365 chi hội.

    Thông qua hoạt động thực tiễn, công tác dân vận và phong trào của các đoàn thể luôn được củng cố, mở rộng; đội ngũ cán bộ các đoàn thể xã hội được kiện toàn, nâng cao một bước về nhận thức và năng lực công tác. Do đó, các đoàn thể chính trị đã góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.

    Trong những năm 1997-2000, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, với tinh thần phấn khởi, tin tưởng và quyết tâm cao, các cấp, các ngành và quân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống, tích cực phấn đấu khắc phục khó khăn, thiếu thốn trong điều kiện tỉnh mới được tái lập, cùng với sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, của các tổ chức, các cá nhân ở trong nước và nước ngoài đã thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị do Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra với những thành tích nổi bật. Kinh tế luôn giữ được tốc độ tăng trưởng bình quân 6,85%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp. Tổng sản lượng lương thực đạt gần 1 triệu tấn mỗi năm; lương thực bình quân đầu người đạt 530 kg thóc/người/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân mỗi năm 11,1%. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân mỗi hécta canh tác đạt 28 triệu đồng. Giá trị hàng xuất khẩu trên địa bàn tăng bình quân mỗi năm 11%, riêng năm 2000 đạt 57,3 triệu USD. Quan hệ sản xuất được củng cố, lực lượng sản xuất phát triển. Kinh tế nhiều thành phần được hình thành và phát triển theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa Kinh tế quốc doanh được sắp xếp, đổi mới phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường. Kinh tế dân doanh phát triển năng động có hiệu quả. Cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật trong tỉnh được đầu tư nâng cấp, bước đầu phát huy hiệu quả. Lĩnh vực văn hoá, xã hội đạt được nhiều thành tích mới. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Quốc phòng, an ninh được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội có chuyển biến tích cực. An ninh nông thôn tuy có diễn biến phức tạp nhưng đã được tập trung giải quyết và ổn định về cơ bản. Hệ thống chính trị các cấp được củng cố, kiện toàn, từng bước đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

    Bên cạnh những kết quả đạt được, trên một số lĩnh vực vẫn còn những tồn tại yếu kém: sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, sản xuất nông nghiệp chuyển hướng sang sản xuất hàng hoá chưa mạnh, sản xuất công nghiệp phát triển chưa vững chắc và có sự tụt hậu so với trong vùng, ngành kinh tế mũi nhọn bước đầu đã được xác định, nhưng chưa có sự quan tâm đầu tư đúng mức nên hiệu quả chưa cao. Nền kinh tế của tỉnh chưa tạo được sự vượt trội để bứt phá đi lên. Thu ngân sách trên địa bàn hằng năm còn thấp, tăng chậm, thiếu nguồn thu chủ lực; các dịch vụ về tài chính, tiền tệ chưa đồng bộ và tương xứng với yêu cầu phát triển. Trật tự an toàn xã hội, an ninh nông thôn còn diễn biến phức tạp. Các tệ nạn xã hội có chiều hướng phát triển, nhất là tệ nạn ma tuý, mại dâm, cờ bạc. Vai trò lãnh đạo của một số tổ chức cơ sở đảng còn hạn chế. Một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu ý thức rèn luyện về phẩm chất đạo đức, thiếu gương mẫu trước quần chúng, cá biệt còn vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật nhưng chưa được xử lý kịp thời.

    Mặc dù còn không ít những khó khăn, tồn tại, song những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội những năm cuối thế kỷ XX của Đảng bộ và nhân dân Nam Định là hết sức quan trọng, tạo tiền đề để Đảng bộ và quân dân tỉnh Nam Định vững tin bước vào thế kỷ XXI, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com