Thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá (1997-2000) - Kỳ 12

06:04, 18/04/2017

[links()]

(Tiếp theo)

    Trong quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế của đất nước, việc hoàn thiện các chính sách, quy định, quy chế triển khai chậm, thiếu đồng bộ tạo nên những kẽ hở làm nảy sinh nhiều tiêu cực, mâu thuẫn ngay từ nội bộ địa phương, đơn vị. Mặt khác, những vi phạm của một bộ phận cán bộ chậm được xử lý kiên quyết đã gây nên sự bất bình trong nhân dân. Riêng ở khu vực nông thôn, nhiều khoản đóng góp quá sức dân nhưng lại thiếu minh bạch trong quản lý, sử dụng đã làm giảm sút lòng tin của quần chúng. Đặc biệt, để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, chủ trương “lấy đất nuôi đường” là đúng đắn, song trong quá trình thực hiện, một số nơi, một số người đã không thực hiện đúng quy hoạch; công tác quản lý lỏng lẻo, thiếu minh bạch dẫn đến những thắc mắc, mâu thuẫn, khiếu kiện diễn ra ở nhiều địa phương. Năm 1998, toàn tỉnh có 107 điểm xảy ra mâu thuẫn, khiếu kiện (tăng 19 điểm so với năm 1997), trong đó có 36 nơi phức tạp, 9 điểm trở thành gay gắt. Có 667 lượt tập thể và cá nhân, gồm 7.575 người đến trụ sở chính quyền các cấp khiếu kiện. Mâu thuẫn khiếu tố ở xã Mỹ Thắng diễn ra gay gắt, phức tạp kéo dài, với hàng trăm người kéo lên huyện, lên tỉnh. Đến đầu năm 1999, khiếu kiện lại phát sinh thêm ở một số địa phương, trong đó phức tạp và gay gắt nhất là ở huyện Giao Thủy.

Khu công nghiệp Hoá Xá tỉnh Nam Định được khởi công xây dựng năm 2002.
Khu công nghiệp Hoá Xá tỉnh Nam Định được khởi công xây dựng năm 2002.

    Năm 1998, Giao Thuỷ có khiếu kiện xảy ra ở 9 xã, năm 1999 có thêm 7 xã, đến năm 2000 có 19/20 xã, thị trấn trong huyện có đơn thư khiếu tố của công dân với tính chất, mức độ khác nhau. Nội dung khiếu tố gồm nhiều vấn đề, nhưng chủ yếu là tố cáo những sai phạm trong quản lý kinh tế, quản lý đất đai, xây dựng cơ bản, thu tăng thuế và các khoản đóng góp của nhân dân đối với cán bộ xã, hợp tác xã, cán bộ đội sản xuất.

    Trước tình hình khiếu tố ở Giao Thuỷ có xu hướng lan rộng, Tỉnh ủy đã chỉ đạo tích cực thực hiện các giải pháp để đảm bảo an ninh nông thôn. Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, ngày 6-10-1997, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Chỉ thị số 11-CT/TU về việc tăng cường công tác đảm bảo an ninh nông thôn, tập trung chỉ đạo giải quyết ổn định tình hình ở những địa bàn có phức tạp về an ninh trật tự, có kế hoạch phối hợp với các cấp, các ngành tích cực xúc tiến các biện pháp đối thoại, tiếp dân, tập trung giải quyết dứt điểm các nội dung khiếu kiện, đảm bảo giữ vững an ninh ngay tại địa phương, cơ sở có phát sinh khiếu kiện, không để nảy sinh mâu thuẫn để các phần tử xấu và tội phạm lợi dụng kích động gây rối an ninh trật tự. Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo ủy ban nhân dân huyện Giao Thuỷ, ủy ban nhân dân các xã tiến hành tự kiểm tra, trả lời thắc mắc của dân, đồng thời tổ chức các đoàn thanh tra của huyện thanh tra, giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân. Từ năm 1998 đến năm 2000, huyện Giao Thuỷ đã quyết định thành lập các đoàn thanh tra để giải quyết đơn thư tố cáo của công dân; đã tiến hành thu hồi một số tiền và tài sản bị thất thoát và xử lý một số cán bộ vi phạm. Nhưng tình hình vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, những người khiếu tố không nhất trí với các kết luận của thanh tra. Một số người cầm đầu tiếp tục lôi kéo, kích động quần chúng đi khiếu tố đông ngưòi, gây ra nhiều vụ việc phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự và việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong đó, điểm nóng phức tạp nhất là ở xã Hồng Thuận. Ngày 29-7-2000, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Giao Thủy đã ra Nghị quyết số 10-NQ/HU để giải quyết tình hình an ninh nông thôn trong huyện. Mặc dù chính quyền đã có nhiều cố gắng giải quyết, song người khiếu kiện vẫn không chấp nhận và tiếp tục khiếu nại, tố cáo vượt cấp.

    Tháng 10-2000, Chính phủ đã thành lập tổ công tác về chỉ đạo và giúp đỡ huyện Giao Thủy giải quyết khiếu kiện. Cuối năm 2000, huyện và tỉnh đã thành lập 15 đoàn để thanh tra những nội dung khiếu kiện (riêng tỉnh có 7 đoàn) huy động tới 300 cán bộ, chuyên viên về giải quyết tình hình an ninh nông thôn Giao Thuỷ, có nơi phải tiến hành thanh tra tới 2-3 lần. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, uỷ ban nhân dân tỉnh, sự chỉ đạo, giúp đỡ thường xuyên của Chính phủ, Tổng Thanh tra Nhà nước và Ban Nội chính Trung ương, Huyện ủy và uỷ ban nhân dân huyện Giao Thuỷ đã tiến hành 16 cuộc thanh tra, kiểm tra, ra 12 bản kết luận tại 8 xã đã thanh tra, phải xử lý: thu hồi 864.390 kg thóc, trong đó phải trả cho dân (do thu tăng thuế, tăng ngày công nghĩa vụ) là 653 tấn thóc và số tiền 2.212.612.057 đồng. Đến ngày 10-8-2000 đã thanh toán trả lại cho dân được 57.600 kg thóc và mới thu hồi được 169.633.115 đồng. Đồng thời huyện đã xử lý 47 cán bộ sai phạm ở 4 xã: Hồng Thuận, Giao Hà, Giao An, Giao Lạc và một số cán bộ cấp huyện. Những kết quả bước đầu trong xử lý sai phạm của cán bộ ở một số xã đã làm cho tình hình huyện Giao Thuỷ dần trở lại ổn định. Bộ máy chính quyền một số xã được củng cố, kiện toàn, kịp thời đi vào hoạt động, các phong trào dần được phục hồi và hướng tới Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII.

    Trước những biến động phức tạp của tình hình quốc tế, khu vực và những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình thực hiện sự nghiệp đổi mới theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, các cấp ủy đảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư tưởng, chú trọng tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. 80-85% đảng viên xã, phường và 90- 92% đảng viên chi bộ, đảng bộ cơ quan đã tham dự học tập các nghị quyết của Đảng. Thông qua việc quán triệt, học tập và triển khai thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị (khoá VIII), các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đã làm chuyển biến tích cực hơn tư tưởng, nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com