Thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá (1997-2000) - Kỳ 14

06:04, 20/04/2017

[links()]

(Tiếp theo)

    Thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường công tác kiểm tra đảng, uỷ ban Kiểm tra các cấp trong tỉnh đã tập trung vào việc kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm; giải quyết khiếu nại, tố cáo trên các lĩnh vực: quản lý sử dụng ngân sách, vốn, quỹ ruộng đất, thu thuế, xây dựng cơ bản... Trong những năm 1997-2000, toàn Đảng bộ đã thi hành kỷ luật 18 tổ chức đảng, trong đó có 9 đảng ủy cơ sở, 6 đảng ủy miền trực thuộc cơ sở và chi ủy; thi hành kỷ luật 1.923 đảng viên (bằng 2,3% tổng số đảng viên), trong đó có 526 ủy viên các cấp. Hoạt động kiểm tra đã góp phần duy trì về giữ nghiêm kỷ luật đảng, hạn chế bớt những sai phạm của đảng viên trong toàn Đảng bộ.

    Nhằm tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao một bước việc thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa phù hợp với trình độ dân trí và tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong thời kì đổi mới đất nước, Bộ Chính trị (khoá VIII) đã ra Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18-2-1998 về tăng cường thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ngày 15-9-1998, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Chỉ thị số 04-CT/TU chỉ đạo về việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Đây là việc làm mới, rất nhạy cảm và có không ít những khó khăn nảy sinh. Do đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sơ phải đảm bảo nguyên tắc chặt chẽ, thận trọng, theo trình tự từ bước quán triệt học tập, làm điểm rút kinh nghiệm để mở ra diện rộng, đến việc lựa chọn các hình thức phương pháp thích hợp để xác định nội dung phải thực hiện theo quy chế, là những việc cụ thể, thiết thực, có liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân... Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã chủ động tích cực triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở nên đến hết năm 2000, quy chế dân chủ ở cơ sở đã được tiến hành ở 151 xã, phường và hơn 80% cơ quan, doanh nghiệp, trường học. Việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã bước đầu tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tham gia giám sát, kiểm tra hoạt động của cơ quan công quyền và nâng cao trách nhiệm của cán bộ công chức trong thực thi công vụ; đồng thời cũng góp phần ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng trong quản lý kinh tế, đất đai, xây dựng cơ bản và thực hiện các chính sách xã hội... Do đó, quy chế dân chủ ở cơ sở đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

    Để thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, vấn đề hết sức quan trọng là phải coi trọng chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở. Vì vậy, thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VIII) và các quy định, hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy cơ sở tiến hành bổ sung, hoàn chỉnh quy chế hoạt động, đồng thời đánh giá thực trạng tổ chức bộ máy và xây dựng quy hoạch cán bộ các cấp giai đoạn 2000-2010.

    Triển khai thực hiện Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23-1-1998 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung Nghị định số 50/CP về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ cấp xã, phường, thị trấn, Tỉnh ủy đã chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành khảo sát thực tế và xây dựng đề án thực hiện Nghị định 09 của Chính phủ theo nguyên tắc sắp xếp, bố trí cán bộ ở cơ sở theo quy định được hưởng chính sách, đảm bảo nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương trong thời kỳ đổi mới và phù hợp với tình hình, điều kiện của tỉnh. Toàn tỉnh có 4.186 cán bộ chức danh hưởng sinh hoạt phí theo Nghị định số 09/CP và 6.054 cán bộ (cấp xã) già yếu, nghỉ việc, được hưởng trợ cấp hằng tháng đã được đảm bảo đầy đủ theo chế độ quy định.

    Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, ngày 14-11-1999, cử tri toàn tỉnh đã phấn khởi đi bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp. Hầu hết các đơn vị bầu cử đều chuẩn bị chu đáo về mọi mặt nên cuộc bầu cử được tiến hành cơ bản nghiêm túc, an toàn và đúng luật. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc bầu cử ở một số khu vực bỏ phiếu đã không thành công, vi phạm Luật bầu cử. Thực hiện Nghị quyết 92, Nghị quyết 93 của uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ngày 28-11-1999, sáu tổ bầu cử của Nam Định đã hoàn thành việc bầu cử lại. Trong cuộc bầu cử lần này, toàn tỉnh đã có 1.147.646/1.162.302 cử tri đi bầu, bằng 98% tổng số cử tri; bầu chọn được 68 đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, 335 đại biểu hội đồng nhân dân huyện và 4.923 đại biểu hội đồng nhân dân xã. Phát huy vai trò, chức năng là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh và hội đồng nhân dân các cấp đã tiến hành xây dựng các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, giám sát việc tổ chức thực hiện pháp luật, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và hội đồng nhân dân ở các cấp một cách hiệu quả.

 (Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com