Những triệu phú sinh vật cảnh

02:01, 23/01/2017

Nam Định được Trung ương Hội Sinh vật cảnh (SVC) Việt Nam đánh giá là tỉnh có phong trào trồng hoa, cây cảnh, đá cảnh, gỗ lũa phát triển hàng đầu cả nước. Mặc dù thị trường cây cảnh hiện đang gặp nhiều khó khăn, nhưng phong trào SVC vẫn được nhiều nơi trong tỉnh duy trì, trong đó nhiều nghệ nhân SVC bằng tài năng, ý chí vẫn đều đặn sáng tác các tác phẩm có giá trị nghệ thuật, đem lại hiệu quả kinh tế cao; thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Nghề trồng hoa cây cảnh ở tỉnh ta được khởi nguồn từ làng Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực) cách đây gần 800 năm. Thế hệ trước truyền nghề cho thế hệ sau, đến nay làng Vị Khê có hàng nghìn người trồng hoa, cây cảnh, trong đó có hàng chục người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân SVC các cấp. Nghệ nhân Vũ Văn Hoa ở xóm Hoàng Thụ được coi là “cây đa”, “cây đề” của làng vì là một trong những người đầu tiên trong tỉnh được Trung ương Hội SVC Việt Nam phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân SVC Việt Nam” năm 2014. Những ngày cuối năm Bính Thân 2016, ngôi nhà của ông Hoa tấp nập khách tìm mua cây cảnh nghệ thuật. Trước những cây sanh, cây tùng la hán, tùng kim với đa dạng dáng, thế, khách tham quan xuýt xoa, cảm nhận sự tài hoa, công sức của người chủ đã kỳ công chăm sóc, uốn tỉa. Xoa đôi bàn tay thô ráp bao năm gắn bó với nghề, ông Hoa chậm rãi kể: “Sinh ở đất nghề, từ nhỏ mới chỉ biết võ vẽ về cây nhưng đến năm 1977 sau khi ra quân tôi mới có thời gian nghiên cứu sâu hơn. Tôi nhớ mãi kỷ niệm lần đầu tiên cầm kéo định cắt tỉa cây tùng la hán, lúc đó cha tôi là cụ Vũ Viết Lương mắng rằng “Ngữ anh có mà sửa cây cảnh (!)”. Gạt bỏ chút tự ái, lúc đó tôi quyết tâm học nghề bằng được”. Không chỉ học từ cha là một nghệ nhân tài năng, ông còn cất công học từ cụ Duyệt ở xóm Hoàng Thụ, cụ Rị ở xóm Hoàng Ngân là những người có tiếng khéo tay, yêu nghề. Tác phẩm đầu tay của ông là đôi tùng la hán được các bậc cao nhân đánh giá đẹp nhất làng đã thôi thúc ông bám nghề. Sau này, ngoài thời gian lăn lộn kiếm sống với việc cấy 5 sào lúa, nấu rượu, nuôi lợn, chạy xe thồ, xe bò..., cứ tranh thủ lúc rảnh rỗi là ông chăm sóc cây nên tay nghề từng bước được nâng cao. Sau 40 năm làm nghề, ông đã có trong tay một cơ ngơi đồ sộ với 2 vườn chính, một vườn phụ có tổng diện tích trên 8.000m 2 với hàng trăm cây cảnh chủ yếu là sanh, tùng la hán, tùng kim, trong đó có 300 cây hoàn thiện cả thế, dáng. Ông tâm niệm, nghề nào cũng vất vả, trồng cây cảnh cũng vậy bởi phải có năng khiếu, kiên trì, tâm huyết. Do số lượng cây nhiều, ông sửa xong vườn cây này, rồi quay lại sửa vườn kia là kịp bởi nếu không làm cây sẽ phá thế, mất giá trị. Ngoài ra, sửa cây không quản thời tiết. Nếu trời mưa sửa cây tùng la hán, tùng kim, nếu trời nắng sửa cây sanh. Cây nhỏ thì bắc ghế có thể sửa được, nhưng cây lớn có khi phải bắc giàn. Để quảng bá thương hiệu, ông tích cực mang cây đi dự thi các cuộc trưng bày SVC trong và ngoài tỉnh. Tại Triển lãm SVC nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (2010), cây sanh dáng “phụ tử kế công khanh” (con nối nghiệp cha) của ông có tuổi đời trên 200 năm, cao 2,5m, tán rộng 2,5m, gồm 4 tay, một ngọn đã lọt vào 100 cây đẹp nhất triển lãm. Cây sanh này sau đó tham dự Triển lãm SVC chào mừng 750 Thiên Trường - Nam Định năm 2012 đã đoạt giải vàng. Năm 2015, ông có đôi cây sanh dáng làng nằm trong số 19 cây cảnh được trưng bày tại tiền sảnh Nhà văn hóa tỉnh 3-2 trong dịp Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2015-2020). Biết tiếng ông, khách hàng đến mua ngày càng nhiều, người đến tham quan vườn cây, học nghề trồng, chăm sóc cây cảnh từ ông cũng không ít. Khoảng 10 năm nay, mỗi năm ông bán cây cảnh thu tiền tỷ, trong đó năm 2015 đạt doanh thu cao nhất với 2,5 tỷ đồng, có cuộc sống khấm khá. Nối nghiệp cha, cả 2 người con trai của ông là Vũ Văn Tuấn, Vũ Văn Tài đều được Hội SVC tỉnh phong tặng danh hiệu Nghệ nhân SVC.

 

Nghệ nhân SVC Vũ Văn Hoa ở xóm Hoàng Thụ, làng Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực) đang uốn tỉa cây cảnh nghệ thuật.
Nghệ nhân SVC Vũ Văn Hoa ở xóm Hoàng Thụ, làng Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực) đang uốn tỉa cây cảnh nghệ thuật.
Cũng được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân SVC Việt Nam năm 2014, ông Trần Ích Phượng ở số nhà 1/160 phố Trần Nhật Duật, phường Trần Tế Xương (TP Nam Định) nổi tiếng với nghề trồng địa lan. Ít ai biết rằng, ông Phượng khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng, nhưng bằng sự cần cù, chịu khó, cẩn thận, kiên trì đã tạo nên cơ nghiệp lớn. Sau khi xuất ngũ về địa phương năm 1991, hoàn cảnh gia đình ông Phượng rất khó khăn với mẹ già, 2 con nhỏ, vợ làm công nhân. Tình cờ một ngày ông chứng kiến một cuộc mua bán một chậu mặc lan có 7 ngồng mà mỗi ngồng đắt ngang chỉ vàng. Ông kể, chậu lan kia làm ông mất ngủ nhiều đêm liền bởi chưa hiểu đẹp ở đâu, giá trị ở chỗ nào. Càng ngẫm nghĩ, ông dần nhận ra rằng vẻ đẹp của lan ở dáng, sắc, hương thơm, từ đời cha ông ta đã yêu thích nhưng không phải ai cũng trồng thành công. Bàn với vợ, ông dốc tiền mua chậu lan hội điểm về chăm sóc, sau đó tách thân đem bán để mua về chậu lan khác, dần dần dựng nên vườn. Để trồng địa lan thành công, ông cũng trải qua nhiều lần gặp khó khăn. Có thời điểm hàng trăm cây lan có hiện tượng kém phát triển, có nguy cơ hỏng do đất bón lấy từ mặt ruộng lắm chua, nhiều phèn hoặc đất bùn ao lấy dưới tầng sâu không có giá trị dinh dưỡng... Địa lan nổi tiếng là khó trồng, phải cẩn thận nắng, gió, mưa... nên ông vắng nhà không quá 2 ngày. Nhờ tính cẩn thận, kiên trì, chịu khó và niềm đam mê, đến nay ông có 4 vườn địa lan ở trước sân nhà, trên sàn tôn tầng 2, sàn tầng 3 và tầng 4 với khoảng 600 chậu lan quý như hoàng vũ, thanh ngọc, hoàng cẩm tố, đào cơ, xanh điểm..., mỗi chậu từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Mỗi năm, ông bán 40-50 chậu và bán giống các loại lan với tổng doanh thu gần 1 tỷ đồng, trừ chi phí có lãi khoảng 400 triệu đồng.
 
Nghệ nhân SVC Việt Nam Nguyễn Minh Thống ở xóm 10, xã Hải Phương (Hải Hậu) nổi tiếng gần xa bởi tài đắp hòn non bộ, bể cảnh, đá cảnh. Cuối năm Bính Thân, ngôi nhà của ông Thống vẫn như công trường nhỏ khi nhóm thợ vẫn mải mê đắp các hòn non bộ để kịp giao cho khách hàng chơi Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Ông Thống dẫn tôi đi tham quan ngôi nhà bày hàng chục bằng khen, danh hiệu các loại. Ngoài danh hiệu nghệ nhân SVC Việt Nam do Trung ương Hội SVC Việt Nam phong tặng năm 2014, ông còn được Hội SVC tỉnh Nam Định, Hội SVC tỉnh Hà Nam phong tặng Nghệ nhân SVC, được huyện Xuân Trường công nhận là nghệ nhân tài năng, được Hội Kim hoàn đá quý Việt Nam công nhận “Nghệ nhân bàn tay vàng”... Ông kể, sau khi xuất ngũ năm 1972, ông về quê làm ruộng, trồng cây cảnh. Tuy nhiên, từ khi nhìn thấy các hòn non bộ, bể đá cảnh, ông như bị hút hồn vào đó. Chịu khó tìm tòi học từ những người đi trước, qua sách báo, ông còn cất công lên tận Hà Nam học nghề ông Nguyễn Cảnh Hưng, vào Thanh Hóa học ông Lại Văn Hà đều là những người nổi tiếng về đắp non bộ, đá cảnh. Nhờ bản tính thông minh, đôi bàn tay khéo léo và giàu óc sáng tạo, ông dần dần khẳng định được tay nghề qua các tác phẩm độc đáo. “Tiếng lành đồn xa”, ông được khách hàng ở các tỉnh, thành phố phía Bắc mời về đắp hòn non bộ, bể cảnh. Điều đặc biệt là các tác phẩm của ông đều được đắp hoàn toàn thủ công bằng tay với đa dạng các thế có ý nghĩa như thế lão mai, thế phụ tử, thế mẫu tử, thế tam sơn... với sự trợ giúp của khung, giá đỡ, xe cẩu. Hơn 40 năm gắn bó với nghề, ông để lại nhiều công trình lớn như núi đá hình trống mái ở Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh cao trên 10m, ngang 12m, nặng trên 100 tấn hoàn thành năm 1997. Núi đá thế tam sơn tại Thị trấn Định Hóa (Thái Nguyên) cao 7,5m, ngang 10m. Núi đá thế phụ tử ở Trường THPT Hoằng Hóa (Thanh Hóa) cao 7,5m, rộng 8m. Công trình đồ sộ nhất của ông là núi đá hang động sơn trang bằng đá tai mèo tại xã Hải Thanh (Hải Hậu). Công trình này cao 17m, rộng 60m bên trên là 5 con rồng đang uốn khúc, có 3 hang sức chứa 100 người ngồi, trong đó hang giữa chứa 60 người với tổng khối lượng 200m 3 đá, trị giá công trình trên 1 tỷ đồng năm 2005. Ông và tổ thợ phải lao động miệt mài gần 5 tháng rưỡi thực hiện mới hoàn thành xong công trình trên. Năm nay đã gần 70 tuổi sức khỏe của ông cũng không còn như xưa, cộng với nhu cầu của khách hàng về đắp núi đá, hang động giảm nên ông chủ yếu làm tại nhà. Hiện tổ hợp của ông có gần 15 lao động là con cháu trong nhà, bà con lối xóm với thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng, bản thân ông có thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm.    
 
Cuối năm Bính Thân 2016, trò chuyện cùng các nghệ nhân SVC Việt Nam - những người xã hội tôn vinh về uốn tỉa, chăm sóc cây cảnh, trồng lan, đắp non bộ, đá cảnh, càng hiểu hơn về những công sức mà họ đã bỏ ra để làm đẹp cho đời. Xuân Đinh Dậu 2017 đã về! Mong rằng những nghệ nhân SVC trong tỉnh tiếp tục sáng tạo ra nhiều tác phẩm độc đáo, qua đó đưa phong trào SVC tỉnh ngày càng phát triển, góp phần làm giàu cho bản thân, cho quê hương./.
 
Bài và ảnh: Đức Thiện


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com