Trường Chinh - Thân thế và sự nghiệp (kỳ 3)

03:01, 18/01/2017

[links()]

HOÀNG TÙNG
Nguyên Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng

(Tiếp theo)

    Tuy rằng báo chí công khai của Đảng chỉ mang danh nghĩa cá nhân những cựu chính trị phạm, song bọn thực dân biết rõ là của Đảng Cộng sản. Chúng theo dõi, kiểm duyệt hết sức chặt, sẵn sàng ra lệnh đóng cửa cơ quan báo. Đảng ta phải đối phó kiên quyết và linh hoạt; chúng đóng cửa tờ này ta lại nhân danh người khác ra tờ mới.

    Ảnh hưởng của báo chí cách mạng hết sức mạnh mẽ và rộng rãi. Nó truyền bá chính sách của Đảng đối với những vấn đề nóng hổi, kịp thời phê phán các chủ trương, chính sách của chính quyền thực dân. Phát động, tổ chức các cuộc đấu tranh của quần chúng vì những quyền lợi trước mắt và quyền tự do dân chủ: ngôn luận, báo chí, hội họp, tổ chức các đoàn thể nghề nghiệp tố cáo những hành động áp bức, bóc lột dã man của bọn tư bản, chủ đồn điền người Pháp, người Việt. Nhiều cuộc đình công, bãi công lớn lần lượt nổ ra ở Hà Nội, Nam Định, Hòn Gai, Cẩm Phả và các địa phương khác. Nông dân nhiều tỉnh biểu tình chống sưu cao, thuế nặng, chống áp bức của bọn cường hào, quan lại.

    Ảnh hưởng của báo chí cách mạng đặc biệt mạnh đối với thanh niên cả ở thành thị lẫn nông thôn. Công tác công khai phát huy được sức mạnh như vậy là nhờ sự kết hợp chặt chẽ với công tác bí mật dưới sự chỉ đạo thống nhất của hệ thống cấp ủy.

    Đặng Xuân Khu không giữ danh nghĩa gì công khai. Ông lãnh đạo tất cả các hoạt động hợp pháp, viết chính luận cho báo Tin Tức, Đời Nay. Hợp tác với Võ Nguyên Giáp, ông viết cuốn sách Vấn đề dân cày dưới hai bút danh Qua Ninh, Vân Đình. Nhóm đồng chí hoạt động công khai ở Hà Nội còn tham gia tập hợp các nhà dân chủ, tiến bộ trong tầng lớp trí thức, mở rộng hoạt động của Hội truyền bá quốc ngữ, hợp tác với Chi hội Đông Dương của Đảng Xã hội Pháp trong cuộc đấu tranh chống bọn thực dân phản động và bọn Trốtkít phản đối chủ trương của Đảng ta và Đảng Cộng sản Pháp liên minh với Đảng Xã hội. Ngoài bọn này, báo chí của Đảng còn phải đấu tranh chống ảnh hưởng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản đang chuẩn bị đưa quân vào Việt Nam dưới chiêu bài đánh đuổi bọn thực dân phương Tây, thành lập khu vực thịnh vượng chung Đại Đông Á do Thiên hoàng nước "Mặt trời mọc" đứng đầu.

    Nhờ mở rộng công tác tuyên truyền công khai kết hợp với hoạt động bí mật, Đảng ta phát động được một cao trào cách mạng rộng lớn trong cả nước, thu hút hàng triệu đồng bào vào cuộc đấu tranh dân chủ, đội ngũ của Đảng được bổ sung nhiều lực lượng mới. Hà Nội, Huế, Sài Gòn là ba trung tâm lớn của cao trào cách mạng này.

    Trong thời gian Đảng ta tranh thủ được khả năng hoạt động nửa công khai, thì cơ quan lãnh đạo của Đảng bí mật hoạt động ở các cơ sở ở ngoại ô Sài Gòn. Xứ ủy Bắc Kỳ phải chủ động chỉ đạo mọi hoạt động của toàn xứ. Nhờ có một đội ngũ những người lãnh đạo mạnh, Đảng bộ và các tổ chức quần chúng trong toàn xứ có bước phát triển lớn. Đặng Xuân Khu góp phần quan trọng vào những thành công của Xứ ủy.

    Trường Chinh là một trong những người có vai trò to lớn, rất quan trọng trong việc xây dựng cương lĩnh cách mạng giải phóng dân tộc, chuẩn bị và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

    Năm 1938, Chính phủ của Mặt trận Bình dân Pháp bị các đảng phản động đánh đổ, phái hữu lên cầm quyền. Tháng 9-1939, bọn quốc xã Đức phát động chiến tranh. Bọn thực dân Pháp ở Đông Dương lập tức trở tay, mở cuộc vây bắt những người cộng sản ở khắp nơi trong nước. Nhờ đã chuẩn bị, một số lớn cán bộ của ta kịp thời rút vào hoạt động bí mật. Số người không chuyển kịp, bị bắt không nhiều; trong số bị bắt có Tô Hiệu, Trần Huy Liệu, Khuất Duy Tiến; Lê Hồng Phong bị bắt sớm nhất, năm 1938 ở Sài Gòn.

    Từ tháng 9-1939 đến tháng 9-1940, Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Lê Duẩn cũng bị địch bắt. Các tổ chức của Đảng và các tổ chức quần chúng ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ bị địch phát hiện và phá vỡ. Các khu A (Hà Nội), khu B (các tỉnh ven biển Hồng Gai, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hải Phòng, Kiến An, Hưng Yên), khu C (Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình), và các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Cao Bằng, Phúc Yên, Vĩnh Yên, Phú Thọ lần lượt bị tổn thất nặng nề. Không khí khủng bốlại căng thẳng như năm 1931. Các nhà tù lại chật ních những người cộng sản. Tháng 6-1940 nước Pháp bị nước Đức phát xít đánh bại. Tháng 10 năm đó, quân đội Nhật vào Đông Dương, chính quyền thực dân của Pháp phải đặt dưới sự kiểm soát bằng thanh kiếm của Thiên hoàng Nhật Bản. Các đảng phái do quân Nhật dựng lên chuẩn bị ráo riết về chính trị cho việc lật đổ nền thống trị của Pháp, thiết lập nền thống trị mới của chủ nghĩa quân phiệt Phù Tang. Đảng Cộng sản là trở ngại đối với ý đồ của Hirohito - Tojo. Vì vậy, Đảng ta phải cùng một lúc đương đầu với hai kẻ thù.

    Trước tình hình cực kỳ nguy hiểm ấy, nhờ có kinh nghiệm thất bại mười năm trước, Xứ ủy Bắc Kỳ chuyển sang hoạt động phân tán. Dựa vào những cơ sở tổ chức còn giữ vững, Đảng xây dựng các căn cứ liên hoàn bắt đầu từ những xã giáp giới của hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, ngoại thành Hà Nội, Thanh Trì, Thanh Oai, ngoại vi thị xã Hà Đông, Từ Sơn, Hiệp Hòa, và những cơ sở rải rác ở Nam Định, Thái Bình.

 (Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com