Trường Chinh - Thân thế và sự nghiệp (kỳ 4)

02:01, 19/01/2017

[links()]

HOÀNG TÙNG
Nguyên Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng

(Tiếp theo)

    Giữa năm 1940, Bí thư Xứ ủy Hạ Bá Cang tự đề nghị chọn người đủ điều kiện hơn thay cương vị của mình và sẵn sàng hợp tác với người ấy để làm tròn nhiệm vụ đối với cách mạng. Người được chọn là Đặng Xuân Khu. Xứ ủy lúc đó đã bị thu hẹp vì một số đồng chí đã bị địch bắt. Hoàng Văn Thụ, Lương Khánh Thiện ủng hộ chủ trương của Hạ Bá Cang. Thế là Đặng Xuân Khu trở thành Bí thư Xứ ủy. Ông dốc lòng lao vào công tác lãnh đạo, xây dựng lại những cơ sở bị địch phá vỡ, mở những lớp học nhỏ, dạy nhanh những vấn đề chính trị và tổ chức thực tiễn, ra báo Giải Phóng, cơ quan của Xứ ủy do ông trực tiếp phụ trách và là người viết chủ yếu.

Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh ký Pháp lệnh “Bảo vệ tài liệu lưu trữ quốc gia” năm 1982
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh ký Pháp lệnh “Bảo vệ tài liệu lưu trữ quốc gia” năm 1982

    Tháng 11-1940, Phan Đăng Lưu ra Bắc. Một hội nghị được triệu tập ở làng Đình Bảng do Phan Đăng Lưu chủ trì, quyết định bổ sung Trường Chinh, Hạ Bá Cang, Hoàng Văn Thụ vào cơ quan lãnh đạo của Đảng cùng với hai ủy viên được bầu tại Hội nghị tháng 3-1938 họp ở Sài Gòn.

    Phan Đăng Lưu được đề cử làm Tổng Bí thư của Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Ông không nhận, nói: tôi sớm muộn cũng bị địch bắt. Vả lại, trong tình hình hiện nay, Ban Chấp hành Trung ương cần phải ở miền Bắc, gần Hà Nội, trung tâm chính trị của chính quyền thực dân. Đặng Xuân Khu được hội nghị nhất trí bầu là người đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương lâm thời.

    Hồ Chí Minh trở lại Liên Xô lần thứ hai từ năm 1934 đến năm 1938. Cũng như lần thứ nhất, năm 1927, Người chỉ được nhận vào Ban thuộc địa của Quốc tế Cộng sản làm công tác nghiên cứu. Và như lần trước, Người lại xin về nước, lần này qua con đường các khu giải phóng do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo. Được tin hẹn đón ở một địa điểm ở Quảng Tây, Đặng Xuân Khu trao cho Hoàng Văn Thụ bốtrí việc đi đón. Người được cử đi đón đến giữa đường quay về nói dối là bị kẻ cắp lấy hết tiền. Lỡ hẹn, ông Trần (bí danh của Người) tìm đến Liễu Châu, tạm nhận một công tác cụ thể ở Bộ tư lệnh Đệ Bát lộ quân do Diệp Kiếm Anh chỉ huy. Năm 1940, Người về Vân Nam cùng tổ chức hải ngoại của Đảng do Phùng Chí Kiên, ủy viên Trung ương được bầu tại Đại hội Ma Cao, vận động, tổ chức Việt kiều ở tỉnh này. Người liên lạc được với Trung ương. Theo gợi ý của Người, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp được cử sang làm việc.

    Sau khi nước Pháp bị Đức chiếm đóng, quân Nhật vào Đông Dương, Tưởng Giới Thạch, chắc được Mỹ xúi giục tổ chức một binh đoàn, tập hợp những người Việt Nam lưu vong gồm những người đã đi theo Quốc dân Đảng thành một tổ chức chính trị để khi thời cơ đến sẽ "nhập Việt", thiết lập khu vực ảnh hưởng của Trung Quốc. Biết rõ ý đồ ấy, Hồ Học Lâm, đại tá trong Bộ Tham mưu quân khu Hoa Nam do Trương Phát Khuê chỉ huy viết thư cho Hồ Chí Minh gợi ý Người về để vô hiệu hóa kế hoạch của Tưởng tương kế tựu kê xây dựng lực lượng của ta. Bác Hồ nắm cơ hội này tới Quảng Tây để về nước. Tháng 2-1941, Người về Cao Bằng và đề nghị Đặng Xuân Khu triệu tập Hội nghị Trung ương thảo luận về nhiệm vụ mới của cách mạng nước ta, họp tại nơi Người ở. Ngoài các đồng chí Đặng Xuân Khu, Hạ Bá Cang, Hoàng Văn Thụ, những người được triệu tập còn có Trần Đăng Ninh, Bùi San, Hồ Lưu (Trần Quốc Thảo), Nguyễn Thành Diên và ba người của tổ chức Đảng ở Vân Nam là Phùng Chí Kiên, Hoàng Văn Hoan, Vũ Anh. Trước khi Hội nghị khai mạc, Hồ Chí Minh gợi ý để Đặng Xuân Khu chuẩn bị đề cương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược từ cách mạng tư sản dân quyền, thành lập Xô viết công nông sang cách mạng giải phóng dân tộc, thiết lập chế độ cộng hòa dân chủ, mở rộng liên minh công nông. Mặt trận dân chủ chuyển thành Mặt trận dân tộc thống nhất. Quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) và chương trình cách mạng của Việt Minh cũng được dự thảo.

    Tại Hội nghị, Hồ Chí Minh nói: cuộc tiến công của Đức chống Liên Xô chắc chắn sẽ xảy ra. Cuộc chiến tranh giữa các nước đế quốc sẽ chuyển thành cuộc chiến tranh giữa chủ nghĩa phát xít quốc tế với Liên Xô và Anh, Mỹ. Nó chỉ có thể kéo dài khoảng 5 năm. Thắng lợi chắc chắn sẽ thuộc về Liên Xô và Đồng minh. Thắng lợi ấy là cơ hội giải phóng nghìn năm mới có. Chúng ta phải tập hợp mọi lực lượng của toàn dân tộc, chuẩn bị một cuộc tổng khởi nghĩa của toàn dân mới đánh đổ được ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc. Lúc này, giải phóng Tổ quốc là nhiệm vụ trên hết, trước hết, nếu không giải phóng được Tổ quốc thì vạn kiếp cũng không giải phóng được giai cấp. Cuộc Khởi nghĩa Nghệ Tĩnh năm 1930 và cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ tháng chạp năm ngoái không thành công vì chưa có thời cơ và không tập hợp được lực lượng đông đảo của dân tộc.

    Tại Hội nghị này chúng ta thảo luận vấn đề quan trọng là chuyển hướng sự chỉ đạo chiến lược cách mạng, thay đổi sách lược, hình thức tổ chức, phương pháp cách mạng, phát động cao trào cứu nước, chuẩn bị cuộc tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến.

    Các văn kiện được khởi thảo dưới sự chỉ đạo của Hồ Chí Minh được nhất trí thông qua. Hội nghị bầu Ban Chấp hành Trung ương mới. Tất cả các đồng chí mới được bầu đều nhất trí đề nghị Bác Hồ làm Tổng Bí thư. Người đề nghị cử Trường Chinh. Các đồng chí còn lại phân thành hai bộ phận: Ban Thường vụ gồm Đặng Xuân Khu, Hạ Bá Cang, Hoàng Văn Thụ về hoạt động ở Hà Nội và vùng đồng bằng. Bác Hồ, Hoàng Văn Hoan, Vũ Anh hoạt động ở ba tỉnh Cao, Bắc, Lạng.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com