Đồng chí Trường Chinh - Người cộng sản mẫu mực, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta (Kỳ 1)

02:11, 22/11/2016

[links()]

Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP

    Tôi gặp anh Trường Chinh lần đầu vào những năm đầu của thời kỳ Mặt trận Dân chủ tại trụ sở của báo tiếng Pháp Le Travail (Báo Lao Động), do đồng chí Nguyễn Thế Rục có sáng kiến thành lập. Ngay sau khi ra tù, anh Trường Chinh là người phụ trách Ban lãnh đạo các hoạt động công khai và nửa công khai của Đảng; tôi là một thành viên. Anh đã cùng chúng tôi lãnh đạo các phong trào của Mặt trận Dân chủ: từ phong trào Đông Dương Đại hội, cuộc biểu tình đón Gôđa, cuộc mít tinh ngày 1-5-1938, cuộc Đại hội báo chí Bắc Kỳ cho đến các cuộc đấu tranh của thanh niên, công nhân, nông dân,... Lúc bấy giờ tôi đã làm việc với anh Trường Chinh hầu như hàng ngày. Anh Trường Chinh phụ trách chỉ đạo báo chí của Đảng cả bằng tiếng Việt và tiếng Pháp. Một sự kiện quan trọng là thời gian đó chúng tôi thường nhận được những bức thư của Bác Hồ ký tên P.C Lin từ Trung Quốc gửi về. Chúng tôi đã đăng những bài này lên báo Notre voix (Tiếng nói chúng ta).

    Qua những bức thư đó, Người đã khéo léo truyền đạt lại những điểm chính trong Nghị quyết Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản cũng như những kinh nghiệm kháng chiến chống Nhật Bản của nhân dân Trung Quốc,... Đồng chí nhắc nhở phải chống chủ nghĩa biệt phái, phải mở rộng Mặt trận Dân chủ chống chủ nghĩa phát xít, phải kiểm soát chặt chẽ báo chí công khai của Đảng để tránh những sai lầm về chính trị và không được có một thoả hiệp nào, nhượng bộ nào với bọn Trôtkít,... Những bức thư đó đã có tác dụng chỉ đạo rất lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng ta lúc bấy giờ.

Các đồng chí: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp và Tổng Bí thư, Trưởng Đoàn đại biểu Đảng NDCM Lào Kaysone Phomvihane nói chuyện thân mật với các đại biểu tham dự Đại hội IV của Đảng (năm 1976). Ảnh: Văn Bảo - TTXVN
Các đồng chí: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp và Tổng Bí thư, Trưởng Đoàn đại biểu Đảng NDCM Lào Kaysone Phomvihane nói chuyện thân mật với các đại biểu tham dự Đại hội IV của Đảng (năm 1976).

    Những cống hiến của anh Trường Chinh đối với sự nghiệp cách mạng của nước nhà thật là to lớn. Trong bài này, tôi chỉ muốn nêu một vài điểm nổi bật trong sự nghiệp của đồng chí Trường Chinh.

    Điểm nổi bật đầu tiên diễn ra trong cuộc gặp gỡ đầu tiên của anh Trường Chinh với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vào tháng 5-1941. Anh Trường Chinh đã kể lại rằng: Cũng như những thanh niên giác ngộ, yêu nước khác đến với chủ nghĩa cộng sản lúc bấy giờ, ai cũng mơ tưởng được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Lúc được gặp Nguyễn Ái Quốc anh Trường Chinh đã cảm động đến rơi nước mắt.

    Với tư cách là Quyền Tổng Bí thư, anh và anh Hoàng Văn Thụ đã nhanh chóng tiếp thu những ý .kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, tổ chức Hội nghị Trung ương lần thứ tám. Hội nghị đã ra nghị quyết lịch sử đánh dấu sự chuyển hướng về chỉ đạo chiến lược của cách mạng Việt Nam, đặt nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc lên trên hết, tạm gác nhiệm vụ cách mạng thổ địa. Hội nghị đề ra chủ trương đoàn kết tất cả các giai cấp và tầng lớp yêu nước trong Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, xây dựng căn cứ địa, chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Hội nghị Trung ương lần thứ tám có tầm quan trọng của một Đại hội.

    Từ tháng 8-1942 đến tháng 9-1944, Bác Hồ đi vắng, có thời gian khá dài không có tin tức; trên cương vị Tổng Bí thư, trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, anh Trường Chinh đã đảm nhiệm trọng trách lãnh đạo phong trào và đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Nổi bật nhất là anh đã dự báo việc Nhật - Pháp bắn nhau và sớm thay mặt Thường vụ Trung ương thảo ra Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Cùng với Lời kêu gọi của Nguyễn Ái Quốc, bản Chỉ thị ấy đã chỉ rõ thời cơ đang đến, khả năng thời cơ xuất hiện và thái độ của ta nên như thế nào. Tôi đã đọc đi đọc lại bản Chỉ thị này và rất tâm đắc với nhận định nói rõ về việc Đồng minh đổ bộ là một thời cơ khởi nghĩa, lại nhấn mạnh: có khi Đồng minh chưa đổ bộ, nhưng ta không đợi Đồng minh đổ bộ mới khởi nghĩa mà ta phải chủ động khởi nghĩa khi thời cơ đến. Chỉ thị đó có tác dụng quyết định trong việc động viên, hướng dẫn toàn Đảng trong cao trào chống Nhật cứu nước.

    Khi thấy thời cơ đã đến, anh Trường Chinh triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ để thống nhất các lực lượng vũ trang cách mạng. Bác về nước thấy thời cơ đến gấp đã chỉ thị cho tôi, sớm nhất là tháng tư chậm nhất là tháng bảy, phải bắt liên lạc với anh Trường Chinh và các cán bộ chủ chốt ở trong nước để kịp thời triệu tập Hội nghị Cán bộ Trung ương, tiếp đó là Đại hội quốc dân đã họp ở Tân Trào vào tháng 8 - 1945, quyết định tổng khởi nghĩa, lập ra ủy ban dân tộc giải phóng, sau này đã trở thành Chính phủ Cách mạng lâm thời.

    Ngay đêm 13-8-1945, ủy ban khởi nghĩa đã ra Quân lệnh số 1 kêu gọi tổng khởi nghĩa. Đề nghị các nhà viết sử nên nghiên cứu lại xem mệnh lệnh khởi nghĩa đã được chuyển đi đến những đâu, nơi nào nhận được lệnh khởi nghĩa rồi mới đứng lên, nơi nào tuy chưa nhận được lệnh khởi nghĩa nhưng chủ động đứng lên khởi nghĩa. Ngày 19-8, Thủ đô Hà Nội đã đứng lên tổng khởi nghĩa; nhân dân Hà Nội có nghị lực năng động, sáng tạo rất lớn. Nhiều nơi khác cũng có tinh thần như vậy. Điều đó chứng tỏ khi ý Đảng lòng dân đã nhất trí thì tạo nên sức mạnh phi thường.

    Chỉ trong hơn mười ngày, Cách mạng Tháng Tám đã thành công trong cả nước. Đó là sự kiện có một không hai trong lịch sử. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời và tuyên bố độc lập.

    Điểm thứ hai là, trong cuộc chiến tranh 30 năm để giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, công lao của anh Trường Chinh là rất to lớn. Bác Hồ là linh hồn của cuộc kháng chiến chống Pháp, nhưng đề ra đường lối cụ thể, chỉ đạo cụ thể về lý luận với cuốn Kháng chiến nhất định thắng lợi, là do anh Trường Chinh. Trên cương vị Tổng Bí thư, anh Trường Chinh không chỉ chú trọng chỉ đạo những công tác chung mà còn rất coi trọng chỉ đạo công tác quân sự. Có nhiều hội nghị quân sự anh Trường Chinh trực tiếp chủ trì với cương vị thay mặt Ban Chấp hành Trung ương lúc bấy giờ. Trong thời gian Đảng ta chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II, dưới sự chỉ đạo của Bác, anh Trường Chinh đã hoàn chỉnh lý luận về con đường cách mạng ở Việt Nam - con đường giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

    Như vậy, cống hiến của anh Trường Chinh rất lớn. Anh không những chú trọng mặt kháng chiến - mà theo tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ, anh đã hết sức chú trọng mặt kiến quốc. Anh Trường Chinh đã nhiều lần họp với Bác Hồ về vấn đề phát triển kinh tế. Lúc bấy giờ tôi ở trong Đảng đoàn Chính phủ, tham dự nhiều cuộc họp do đồng chí Tổng Bí thư chủ trì nhằm thảo luận và đề ra những chính sách kinh tế. Lúc đó, Đảng ta đã nói tới kinh tế nhiều thành phần, về vấn đề chống ngăn sông cấm chợ, đẩy mạnh thông thương. Ngay trong kháng chiến, Bác Hồ đã đặt vấn đề mở cửa với nước ngoài, hoan nghênh tư bản nước ngoài vào hoạt động. Bây giờ ta cũng đang tiếp tục làm như vậy. Ta nêu khẩu hiệu tự lực cánh sinh. Kháng chiến, càng ngày càng phát triển, ta có thêm Trung Quốc giúp sức, nhưng vẫn dựa vào sức mình là chính. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ, ta đã động viên được sức mạnh của toàn dân vào cuộc kháng chiến, mặc dù từ năm 1950 Mỹ đã tăng cường can thiệp vào chiến tranh Đông Dương nhưng cuối cùng chúng ta đã đi đến chiến thắng vĩ đại ở Điện Biên Phủ. Sau thắng lợi đó, Bác Hồ nhận định: Đây là thắng lợi to lớn nhưng mới chỉ là bước đầu, chúng ta còn phải tiếp tục cuộc chiến đấu. Người đã thấy rõ: đế quốc Mỹ chưa chịu thất bại. Anh Trường Chinh hoàn toàn nhất trí với nhận định đó của Bác. Khi anh Ba ra Hà Nội, anh nói: Điều mừng nhất là Đảng ta khẳng định kẻ thù chính của ta lúc đó là đế quốc Mỹ.

(Còn nữa)

[links()]



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com