Tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách, thực hiện và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng (1986-1990) - Kỳ 5

03:08, 18/08/2016

[links()]

 (Tiếp theo)

    Quán triệt Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng các kế hoạch chuyên đề và chỉ đạo các ngành chức năng đổi mới cơ chế sản xuất hàng tiêu dùng và hàng công nghiệp địa phương, coi trọng các thành phần kinh tế, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia thúc đẩy sản xuất; phát huy quyền tự chủ sản xuất kinh doanh của các cơ sở. Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các sở, ban, ngành, các huyện, thị, các giám đốc xí nghiệp về chủ trương, chính sách đổi mới cơ chế quản lý và kế hoạch thực hiện hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Chủ trương của Tỉnh ủy và ủy ban nhân dân tỉnh đã giúp nhiều cơ sở chủ động sản xuất; liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đầu tư chiều sâu để nâng cao chất lượng sản phẩm. Các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, các cơ sở sản xuất tư nhân được hình thành, khôi phục và phát triển. Mặc dù còn nhiều khó khăn về nguyên liệu, năng lượng và gặp sự giao thời về chuyển đổi cơ chế, chính sách, nhưng công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của tỉnh vẫn giữ vững và có mặt phát triển. Giá trị sản lượng công nghiệp đạt 2,3 tỷ đồng, vượt 1,2% kế hoạch và tăng 10,02% so với năm 1986; trong đó, hàng tiêu dùng chiếm 69,1%, tăng 12% so với năm 1985, như: xe đạp tăng 52%; chiếu cói, muối tăng trên 20%, nông cụ tăng 28%, xi măng tăng 20%, gạch ngói tăng 5%... Các mặt hàng: vải, sợi, chăn... đạt mức cao nhất từ trước tới giai đoạn này với nhiều chủng loại phong phú, chất lượng cao hơn. Các cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu được thay đổi trang thiết bị và mở rộng sản xuất. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 1987 là 951 triệu đồng, trong đó vốn Trung ương cấp 350 triệu đồng, vốn ngân sách tỉnh 320 triệu đồng, vốn ủy thác 209 triệu đồng. Tỉnh tập trung đầu tư thực hiện 4 chương trình kinh tế - xã hội với những công trình lớn như: Nhà máy sợi đay, tôm đông lạnh, thịt đông lạnh; nâng cấp một số tuyến đường giao thông, nâng cấp và xây dựng mới một số trạm bơm.

    Năm 1988, Tỉnh ủy và ủy ban nhân dân tỉnh đã có những nghị quyết và quy định cụ thể về việc thực hiện các Nghị quyết lần thứ 3, 4, 5 của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về đổi mới chính sách và cơ chế quản lý đối với các cơ sở sản xuất thuộc thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, Quyết định 217 và Chỉ thị 118 của Hội đồng Bộ trưởng về phát huy vai trò tự chủ trong sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong và ngoài quốc doanh. Tỉnh đã tổ chức sơ kết, kiểm điểm việc thực hiện công tác quản lý công nghiệp. Kết quả là: Giá trị sản lượng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt 2,413 tỷ đồng, cao hơn năm 1987 và đạt kế hoạch năm 1988, trong đó hàng tiêu dùng đạt 1,673 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 69,6%, tăng 0,5% so với năm 1987. Có 40% mặt hàng phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu vượt chỉ tiêu kế hoạch như dệt may, chiếu cói, thuốc chữa bệnh, tôm đông lạnh... Khu vực sản xuất ngoài quốc doanh có xu thế phát triển tốt, giá trị tổng sản lượng của các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp chiếm 75% giả trị sản lượng công nghiệp trong toàn tỉnh. Trong năm, có 9 hợp tác xã được thành lập với hơn 1.000 lao động và 98 tổ hợp sản xuất ra đời với 1.416 lao động. Nhiều địa phương đã khôi phục được các ngành nghề truyền thống, chủ yếu là khu vực kinh tế gia đình ở cả thành thị và nông thôn. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng ở tỉnh vẫn xuất hiện những đơn vị điển hình tiên tiến, đã năng động, sáng tạo trong cơ chế mới, đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao như: Xí nghiệp dệt Sơn Nam, Nhà máy dệt kim Thắng Lợi, Nhà máy tơ, Xí nghiệp tôm đông lạnh, Nhà máy cơ khí Hà Nam Ninh, Công ty xây lắp công nghiệp, Xí nghiệp tàu thuyền Quyết Thắng, Hợp tác xã cơ khí Nam Thanh (Nam Ninh); Hợp tác xã da Diên Hồng, Tổ hợp đúc đồng, Tổ hợp cơ khí Nam Thành (thành phố Nam Định).

    Từ giữa năm 1988, tình hình kinh tế - xã hội của cả nước nói chung, của tỉnh nói riêng có nhiều chuyển biến tích cực trong nông nghiệp, công nghiệp và đời sống nhân dân. Nhiều tiềm năng lao động, đất đai, tiền vốn được khai thác và đầu tư cho sản xuất. Tốc độ tăng giá hàng và lạm phát đã được kiềm chế một bước, nạn đói được khắc phục.

    Từ ngày 20 đến ngày 29-3-1989, Ban Chấp hành Trung ương khoá VI họp Hội nghị lần thứ sáu để kiểm điểm hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho 3 năm tới. Triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương, ngày 5-6-1989, Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 11 đã họp và xác định: Đây là một trong những nghị quyết quan trọng nhất của Trung ương Đảng từ sau Đại hội VI đến nay, là cơ sở để tăng cường sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong Đảng và trong nhân dân để đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới nhằm đạt mục tiêu chung là ổn định một bước quan trọng tình hình kinh tế - xã hội.

 (Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com