Tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách, thực hiện và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng (1986-1990) - Kỳ 2

03:08, 09/08/2016

[links()]

 (Tiếp theo)

    Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị là sự bổ sung hoàn thiện Chỉ thị 100 của Ban Bí thư. Nghị quyết đề ra một cơ chế khoán mới trong hợp tác xã nông nghiệp thay cho cơ chế khoán theo Chỉ thị 100; xác định hợp tác xã là đơn vị kinh tế tự chủ, tự quản, hộ gia đình là đơn vị nhận khoán với hợp tác xã (thường gọi là “khoán 10” hoặc “khoán hộ”).

    Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị đã đáp ứng yêu cầu cấp bách của sản xuất và đời sống, hợp với lòng dân hơn, trước hết là nông dân.

    Nhận rõ tầm quan trọng của Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, Ban Thưòng vụ Tỉnh ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh kịp thời tổ chức nghiên cứu, quán triệt và đề ra chủ trương, biện pháp cụ thể để tổ chức thực hiện. Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh ra các thông báo, quyết định để hướng dẫn các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, trước hết tập trung vào lĩnh vực hợp tác xã nông nghiệp, để sớm tạo ra sự chuyến biến mới trong sản xuất nông nghiệp. Ngày 29-8-1988, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 10 (khoá IV) ra Nghị quyết số 18-NQ/TU về việc tiếp tục thực hiện đổi mới quản lý kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị. Nghị quyết nhấn mạnh: Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp phải nhằm thực hiện tốt bốn yêu cầu đã nêu trong Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, nhất là yêu cầu thật sự giải phóng được sức sản xuất, phát huy được mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế... Chuyển nền nông nghiệp từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hoá, đồng thời giải quyết đúng đắn các mối quan hệ về lợi ích, đặc biệt là lợi ích chính đáng của người sản xuất; thực hiện mở rộng dân chủ, đề cao pháp chế; đổi mới về tổ chức và cán bộ phù hợp với cơ cấu kinh tế và cơ chế quản lý mới...

    Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân phấn khởi bắt tay ngay vào việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh. Sau khi rút kinh nghiệm làm điểm ở huyện Hải Hậu, đến cuối tháng 9-1988, toàn tỉnh có 695/721 hợp tác xã nông nghiệp triển khai đồng bộ các mặt theo tinh thần Nghị quyết 18 của Tỉnh ủy và Quyết định số 453 của ủy ban nhân dân tỉnh: Tiến hành đại hội xã viên thông qua phương án khoán mới và kiện toàn bộ máy quản lý hợp tác xã theo hướng tinh giản, gọn nhẹ; sắp xếp lại sản xuất, công bố diện tích đất giao cho từng hộ xã viên ổn định từ 10 đến 15 năm, tiến hành hoá giá, chuyển bán trâu, bò, nông cụ cho xã viên, xây dựng và củng cố các đội kỹ thuật trong hợp tác xã, công khai các khoản xã viên phải giao nộp cho hợp tác xã...

    Cơ chế khoán mới tạo điều kiện để kinh tế gia đình phát huy ưu thế, các hộ nông dân chủ động sản xuất, tận dụng đất đai, lao động, tích cực thâm canh nâng cao năng suất và sản lượng cây trồng. Phong trào nông dân sản xuất giỏi, mô hình VAC (vườn, ao, chuồng) ngày một phát triển. Một số gia đình đầu tư vốn mua máy xay xát, máy nghiền thức ăn gia súc, mở xưởng cơ khí sản xuất và sửa chữa nông cụ, làm dịch vụ nông nghiệp. Trong đó nổi bật là các hợp tác xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng), Yên Đồng (Ý Yên), Minh Tân (Vụ Bản)... Nhiều hộ hoặc nhóm hộ đứng ra nhận thầu từ vài ba đến hàng chục hécta, tự bỏ vốn và lao động để sản xuất như: Hợp tác xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) cho 4 nhóm hộ nhận thầu 35 ha đất bãi bồi ven sông để trồng cói; hợp tác xã Giao An (Xuân Thuỷ) cho một nhóm hộ nhận thầu 120 ha đất bãi bồi ven biển để nuôi tôm và trồng rau câu xuất khẩu. Đặc biệt, huyện Xuân Thuỷ đã giao 1.700 ha đất bãi cồn Ngạn cho 52 hộ nhận thầu để nuôi tôm xuất khẩu. Hầu hết các diện tích ao, hồ, đầm của hợp tác xã đều được hộ xã viên nhận thầu để nuôi thả cá. Toàn tỉnh có 5.700 ngư dân tự bỏ vốn mua sắm 1.250 phương tiện đánh bắt các loại thuỷ sản. Để khai thác có hiệu quả tiềm năng kinh tế rừng, Tỉnh ủy chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh giao đất, giao rừng cho nhân dân, gắn lợi ích của người làm rừng với trách nhiệm bảo vệ và làm giàu vốn rừng. Chủ trương đó tạo nên phong trào nhận đất rừng và rừng để sản xuất kinh doanh. Nhiều hộ gia đình đã đầu tư vốn trồng cây lấy gỗ, cây ăn quả, tạo ra sản phẩm hàng hoá có giá trị kinh tế. Trong những năm 1988-1990, phong trào phủ xanh đất trống đồi trọc của tỉnh đã cơ bản hoàn thành.

 (Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com