Tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách, thực hiện và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng (1986-1990) - Kỳ 3

03:08, 11/08/2016

[links()]

 (Tiếp theo)

    Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cơ chế khoán mới cũng phát sinh tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai, hiện tượng này ngày càng trở nên phổ biến. Ngày 31-8-1988, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 47-CT/TW về việc giải quyết một số vấn đề cấp bách về ruộng đất. Quán triệt Chỉ thị 47 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy chỉ đạo ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ vào Luật đất đai được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ đầu năm 1988 để tập trung giải quyết tình trạng sử dụng đất không đúng chính sách. Qua kiểm tra, ủy ban nhân dân tỉnh đã phát hiện và kiên quyết xử lý theo pháp luật những trường hợp tranh chấp, lấn chiếm ruộng đất; cấp, bán đất trái thẩm quyền... Sau đợt xử lý, kết hợp với tăng cường việc phổ biến trực tiếp Luật đất đai một cách sâu rộng và thường xuyên, công tác quản lý của các cấp chính quyền, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức và cá nhân về đất đai từng bước đi vào nền nếp, những hiện tượng tranh chấp, sử dụng đất trái phép dần dần được khắc phục.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm cánh đồng lúa xã Hải Vân, huyện Hải Hậu.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm cánh đồng lúa xã Hải Vân, huyện Hải Hậu.

    Sự chỉ đạo chặt chẽ, uốn nắn kịp thời những sai sót cùng với những giải pháp cụ thể của Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh và cấp ủy các cấp trong quá trình thực hiện “khoán 10” đã làm cho nền kinh tế nông nghiệp của tỉnh phát triển toàn diện, từng bước chuyển sang sản xuất hàng hoá. Năng suất lúa tăng 12%, nhịp độ tăng đều và liên tục trong 5 năm, từ 52,6 tạ/ha năm 1986 lên 67,64 tạ/ha năm 1990. Nhiều điển hình thâm canh tốt xuất hiện và được nhân rộng. Nhiều hợp tác xã trong tỉnh đạt trên 10 tấn/ha hai vụ như các hợp tác xã: Xuân Phương, Xuân Tiến, Xuân Kiên (Xuân Thuỷ); Hải Bắc, Hải Tân, Hải Xuân (Hải Hậu); Trung Đông (Trực Ninh), sản lượng lương thực bình quân 5 năm đạt 970.000 tấn/năm; vượt 5,5% mục tiêu Đại hội Đảng bộ lần thứ IV đề ra và tăng 11,8% so với bình quân 5 năm 1981-1985. Ba năm 1988-1990, mỗi năm, sản lượng đều đạt trên 1 triệu tấn lương thực. Bình quân lương thực đầu người đạt 314 kg/người/năm. Thắng lợi trên bước đầu đã khắc phục được khó khăn khi giáp hạt, đảm bảo nhu cầu cân đối lương thực trong tỉnh, đã có dự trữ và dành một phần cho xuất khẩu.

    Trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới, cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong tỉnh từng bước được chuyển dịch một cách hợp lý, đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính, phù hợp với nền kinh tế hàng hoá. Đặc biệt, việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi như cải tạo giống, sử dụng thức ăn công nghiệp... đã vực dậy ngành chăn nuôi sau một thời gian giảm sút. Năm 1990, đàn lợn có 740.000 con, tăng 11,4% so với năm 1986; sản lượng thịt xuất chuồng đạt 45.500 tấn, vượt 42,1% so với mục tiêu Đại hội IV và tăng 44,8% so với bình quân 5 năm 1981-1985; đàn trâu năm 1990 có 76.400 con, tăng 4.900 con; đàn bò có 60.400 con, tăng 20.400 con so với năm 1986; đàn gia cầm tăng nhanh, nhất là gà công nghiệp. Toàn bộ diện tích ao, hồ trong các hợp tác xã đã được tận dụng để nuôi trồng thuỷ sản. Chăn nuôi phát triển đã đáp ứng được nhu cầu thực phẩm trong tỉnh và hoàn thành vượt chỉ tiêu đóng góp với Nhà nước, đồng thời có khối lượng thịt đông lạnh đáng kể xuất khẩu sang Liên Xô và các nước Đông Âu. Đặc biệt đàn trâu, bò tăng nhanh đã khắc phục được tình trạng thiếu sức kéo trong sản xuất nông nghiệp.

    Đi đôi với phát triển sản xuất nông nghiệp, tỉnh còn chú trọng chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Ngày 18-2-1986, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 35-NQ/TU về cải tiến cơ chế quản lý, bảo đảm quyền tự chủ sản xuất kinh doanh của các xí nghiệp quốc doanh địa phương. Nghị quyết nêu rõ quyền hạn của các xí nghiệp: Chủ động xây dựng kế hoạch; chủ động sản xuất kinh doanh và chủ động tài chính, tài sản, tín dụng. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, các xí nghiệp quốc doanh trong tỉnh tiến hành sắp xếp lại sản xuất, thực hiện giảm biên chế gián tiếp, rà soát lại định mức lao động, cân đối lại vật tư, chủ động gắn sản xuất với vùng nguyên liệu. Nhờ vậy, sản xuất công nghiệp năm 1986 có bước chuyển biến tiến bộ, giá trị tổng sản lượng công nghiệp địa phương năm 1986 là 2,104 tỷ đồng, đạt 94,6% kế hoạch; sản xuất tiểu thủ công nghiệp đạt 94,1% kế hoạch. Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đã có một số sản phẩm mới được thị trường chấp nhận, một số sản phẩm được cấp dấu chất lượng Nhà nước. Tuy nhiên, do cơ chế quản lý không còn phù hợp, lại có những biến động phức tạp ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu nên một số đơn vị sản xuất hàng gia công cho các nước xã hội chủ nghĩa bị thua lỗ, không có việc làm hoặc việc làm không thường xuyên, xí nghiệp phải chuyến hướng sản xuất hoặc giải thể.

 (Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com