Xuân Đài - Vùng quê cách mạng

09:05, 02/05/2016

Trong không khí cả nước hướng tới kỷ niệm 41 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2016), chúng tôi về thăm xã Xuân Đài (Xuân Trường), vùng quê giàu truyền thống cách mạng và là địa phương đạt nhiều thành tích trong công cuộc xây dựng NTM. Trò chuyện với các cụ cao niên trong xã - những người đã từng sống, chiến đấu trong những ngày tháng gian khổ, ác liệt và hào hùng của quê hương, chúng tôi càng thêm xúc động và tự hào về truyền thống cách mạng của người dân nơi đây.

Di tích lịch sử - văn hoá Chùa Lãng Lăng, nơi thành lập Chi bộ Đảng Cát An năm 1947.
Di tích lịch sử - văn hoá Chùa Lãng Lăng, nơi thành lập Chi bộ Đảng Cát An năm 1947.

Trải qua hàng trăm năm từ buổi đầu mở đất, các thế hệ người dân xã Cát An xưa (Xuân Đài nay) đã chung sức, chung lòng, lập làng, dựng xã, dựng xây đời sống. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, người dân Xuân Đài kiên cường bám trụ, giữ làng, anh dũng chiến đấu chống kẻ thù xâm lược. Ngày 25-5-1947, tại Chùa Lãng Lăng, Chi bộ Đảng Cát An (tiền thân của Đảng bộ xã Xuân Đài ngày nay) được thành lập, gồm 7 đồng chí. Trong quá trình hoạt động, nhiều quần chúng tích cực đã được tôi luyện và được chi bộ giới thiệu kết nạp Đảng. Đến đầu năm 1948, tổng số đảng viên của chi bộ đã lên đến 18 đồng chí. Hưởng ứng các phong trào “Nhường cơm xẻ áo”, “Quỹ độc lập”, “Tuần lễ vàng” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, nhiều gia đình có điều kiện đã ủng hộ, quyên góp tiền, gạo cho cách mạng, nhận nuôi bộ đội theo suất ăn hằng tháng… Cùng với củng cố chính quyền, xây dựng và phát triển các tổ chức đoàn thể, chi bộ đã tập trung lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang xã. Trên địa bàn xã đã thành lập 4 trung đội du kích ở các thôn: Trùy Khê, Lãng Lăng, An Phú, Ngũ Khu. Năm 1949, toàn xã có trên 300 người đi dân công hoả tuyến, 118 thanh niên tham gia Vệ quốc đoàn. Trước tình hình chiến tranh ngày càng ác liệt, Uỷ ban kháng chiến bí mật của xã được hình thành, chỉ sau một thời gian ngắn đã thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Các tổ, tiểu đội du kích cũng được thành lập. Cùng với quân đội, nhân dân Xuân Đài đã tích cực hưởng ứng chủ trương “Tiêu thổ kháng chiến” của Chính phủ bằng việc đào đắp nhiều km đường giao thông, hàng trăm hầm trú ẩn, chuyển đá lấp cửa sông Ngô Đồng nhằm ngăn tàu chiến của địch… Tháng 10-1949, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Hành Thiện, Bùi Chu thiết lập bốt Liêu Đông, chiếm làng Trùy Khê, An Phú và thiết lập 3 ban tề ngày đêm càn quét. Lúc này, phong trào đấu tranh của nhân dân Xuân Đài vùng lên mạnh mẽ với các hình thức đấu tranh đa dạng, phong phú. Tháng 7-1949, Công an xã Xuân Đài phối hợp với Công an xã Xuân Tân phá 3 tổ chức phản động, diệt 1 tên, bắt sống 3 tên, trong đó có tên cầm đầu của tổ chức Quốc dân Đảng, góp phần ngăn chặn những tội ác của bọn tay sai, bảo vệ thông suốt tuyến giao thông huyết mạch Hành Thiện (Xuân Hồng), Xuân Thành, Xuân Tân. Ngày 20-12-1950, thực hiện nghị quyết của Huyện uỷ Xuân Trường, nhân dân Xuân Đài đã tổ chức rào làng kháng chiến ở 4 chốt làng Trùy Khê. Vào 4 giờ sáng ngày 6-1-1951, quân địch ở các bốt Liêu Đông, An Phú, Vạn Lộc, Cát Xuyên từ 4 hướng có sự yểm trợ của pháo và xe quân sự kéo vào bao vây làng Trùy Khê, dùng liên thanh bắn xối xả vào làng. Sau 18 giờ chiến đấu ác liệt, nhiều người đã bị bắt và hy sinh, trong đó có 2 đồng chí bí thư chi bộ đã bị địch đem ra bắn… Phong trào rào làng kháng chiến của quân và dân Xuân Đài chỉ kéo dài trong 18 giờ, nhưng đã thể hiện được tinh thần yêu nước, bất khuất sẵn sàng hy sinh vì cuộc kháng chiến của cán bộ và nhân dân trong xã. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân xã Xuân Đài đã chủ động chiến đấu, phối hợp chiến đấu 120 trận, trong đó có 40 trận đánh độc lập, 30 trận phối hợp với lực lượng du kích xã bạn, 50 trận phối hợp với bộ đội, diệt 36 tên địch, bắn bị thương 102 tên, cảnh cáo 40 tên chỉ điểm mật thám, kêu gọi 400 lượt người bỏ hàng ngũ địch trở về với nhân dân, thu nhiều súng, đạn và đồ dùng quân sự của địch. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, năm 2014, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Xuân Đài đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ kháng chiến chống Pháp; Chính phủ trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba cùng 700 Huân, Huy chương, Bằng khen và các phần thưởng cao quý khác. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, cùng với quân dân cả nước, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Xuân Đài tiếp tục đóng góp sức người, sức của vào cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, góp phần làm nên bản anh hùng ca lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt”, xã Xuân Đài đã đóng góp 384 người tham gia lực lượng dân quân tự vệ, 450 thanh niên nhập ngũ, 313 thanh niên xung phong. Tổng kết cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, toàn xã có 81 liệt sĩ, 56 thương binh, 42 bệnh binh, 86 người bị nhiễm chất độc da cam, 4 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.

Kế thừa và phát huy truyền thống của quê hương, với sự năng động, sáng tạo trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân xã Xuân Đài hôm nay đang vững tiến trên con đường CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, tạo ra bước chuyển vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội. Đồng chí Lê Hoàng Trọng, Chủ tịch UBND xã Xuân Đài cho biết: Những năm qua, Đảng bộ xã tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội ở địa phương. Công tác xây dựng Đảng đã tạo ra sự thống nhất giữa Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội. Những nội dung quan trọng về công tác xây dựng Đảng trong năm được Đảng ủy xã nghiêm túc triển khai thực hiện, cụ thể là việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” từ tập thể Ban thường vụ Đảng ủy đến chi ủy các chi bộ và mỗi đảng viên, đã góp phần nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật của Đảng trong việc đổi mới công tác lãnh đạo và tác phong làm việc của từng cấp ủy, đảng viên. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, chăm lo kiện toàn bộ máy cấp ủy các chi bộ được chú trọng nâng cao, gắn liền với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trong năm 2015, Đảng bộ đã kết nạp được 5 đảng viên, nâng tổng số đảng viên trong Đảng bộ lên là 359 đồng chí sinh hoạt tại 12 chi bộ. Kết quả phân loại chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên năm 2015 có 6/12 chi bộ đạt trong sạch vững mạnh, trong đó có 4 chi bộ đạt danh hiệu Chi bộ xuất sắc; tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 95%.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, giai đoạn 2011-2015, Đảng uỷ, UBND xã đã xây dựng và thực hiện có hiệu quả các nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế. Sản xuất nông nghiệp phát triển trên cả 3 mặt: diện tích, năng suất và giá trị sản xuất/ha canh tác. Năm 2015, giá trị canh tác bình quân toàn xã đạt 90 triệu đồng/ha, tăng 25 triệu đồng/ha so với năm 2011. Nghề nuôi trồng thuỷ sản cũng phát triển, giá trị sản xuất thuỷ sản tăng bình quân 1,75%/năm. Đảng ủy, UBND xã đã định hướng, tạo điều kiện để người dân chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển ngành nghề, sản xuất và dịch vụ thương mại, tạo việc làm, thu nhập cho nhân dân. Đến nay trên địa bàn xã đã có hàng chục doanh nghiệp được thành lập với các ngành nghề như may mặc, xây dựng, cơ khí, chế biến lương thực, thực phẩm, kinh doanh vận tải…, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 500 lao động địa phương/năm với mức thu nhập từ 3,5-5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2015, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn xã đạt 6,7 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 29,2 triệu đồng/người/năm. Hiện nay, xã không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,95%. Trong 5 năm xây dựng NTM, xã đã hoàn thành xây dựng các công trình phúc lợi công cộng phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Các công trình dự án được thi công và hoàn thành đúng tiến độ, đến nay, 100% kênh, mương trong xã được kiên cố, 90% giao thông nội đồng được cứng hoá, 100% đường dong, ngõ xóm được bê tông hoá và rải nhựa. Xã cũng đã hoàn thành xây dựng trụ sở làm việc của Đảng uỷ, HĐND, UBND xã với tổng diện tích mặt bằng trên 8.000m2. Ngoài ra, công tác thông tin truyền thanh, y tế, giáo dục và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT của xã đều phát triển mạnh. Địa phương đã hoàn thành phổ cập tiểu học và THCS. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên. Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xóa đói giảm nghèo”, hoạt động từ thiện nhân đạo như ủng hộ xây dựng nghĩa trang liệt sĩ địa phương, Nhà Đại đoàn kết, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lũ... được nhân dân tích cực hưởng ứng. Bên cạnh thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội, xã Xuân Đài đặc biệt chú trọng công tác xây dựng đời sống văn hoá gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị và bản sắc văn hoá truyền thống địa phương. Đến nay, 7/9 xóm được công nhận danh hiệu “Xóm văn hoá”; tỷ lệ gia đình văn hoá toàn xã đạt 85%; cả 9 xóm đều xây dựng NVH, khu thể thao khang trang, sạch đẹp. Năm 2015, xã Xuân Đài đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM và được UBND tỉnh công nhận “Xã đạt chuẩn NTM”.

Vùng quê Xuân Đài xưa ghi dấu một thời hào hùng, oanh liệt nay đang vươn mình trên con đường hội nhập. Phát huy những thành tích đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Xuân Đài tiếp tục nỗ lực phấn đấu, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - chính trị, văn hoá - xã hội, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com