Tiếp tục sản xuất và chiến đấu, góp phần đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ (Kỳ 4)

06:03, 03/03/2016

[links()]

(Tiếp theo)

    Phong trào thanh niên tòng quân phát triển và được các cấp ủy Đảng coi trọng chỉ đạo nên đạt kết quả tốt. Qua ba đợt tuyển quân, toàn tỉnh vượt 2,5% kế hoạch về số lượng, đảm bảo chất lượng (0,7% đảng viên; 69,4% đoàn viên), trong đó Ý Yên đạt 104,36%; Nghĩa Hưng 104,2%. Số thanh niên theo đạo Thiên Chúa nhập ngũ ngày một đông (đợt 1 bằng 17% tổng số quân được giao, đợt 3 tăng lên 23,8%, tỷ lệ chung là 20,5%, riêng Nghĩa Hưng là 56,8%). Các chức sắc của đạo Thiên Chúa cũng cho con em đi bộ đội ngày một đông (Vụ Bản 65%; Nghĩa Hưng 52,6%; Xuân Thủy 40% số chánh trương, trùm trưởng cho con cháu nhập ngũ). Thắng lợi này là kết quả của quá trình kiên trì vận động, động viên quần chúng, xây dựng được khối đoàn kết lương - giáo làm cho giáo dân ngày càng gắn bó với cách mạng và chế độ, tin Đảng và theo Đảng (6,7% thanh niên theo đạo Thiên Chúa đi bộ đội, 96% giáo dân vào hợp tác xã). Năm 1972, toàn tỉnh đạt 107,2% chỉ tiêu giao quân, thành phố Nam Định vượt 25%.

    Việc thực hiện chính sách hậu phương quân đội có nhiều chuyển biến, công tác kiểm tra đăng ký quản lý cấp phát theo chính sách chặt chẽ hơn; việc điều hoà lương thực được coi trọng; đời sống gia đình thương binh, liệt sĩ được ổn định.

Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh xem sa bàn về phát triển kinh tế của tỉnh Nam Hà, trưng bày tại triển lãm nhân dịp Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Hà lần thứ II, năm 1972.
Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh xem sa bàn về phát triển kinh tế của tỉnh Nam Hà, trưng bày tại triển lãm nhân dịp Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Hà lần thứ II, năm 1972.

    Thông qua thực tế chiến đấu, lực lượng vũ trang địa phương được rèn luyện và trưởng thành, phát triển mạnh cả về số lượng và trình độ chính trị tư tưởng, kỹ thuật chiến đấu và hình thành được lực lượng chiến đấu tại chỗ. Dân quân tự vệ xây dựng được một số binh chủng chuyên môn (pháo cao xạ 100 mm, pháo bờ biển 75 mm) có lực lượng cơ động đi chi viện cho chiến trường đã chiến thắng trở về; xuất hiện nhiều đơn vị có hiệu suất chiến đấu cao, lập được những chiến công lớn (D6 bộ đội địa phương, dân quân Nghĩa Lâm). Cơ quan quân sự các cấp được kiện toàn đáp ứng được yêu cầu xây dựng, chiến đấu và làm tham mưu phục vụ công tác chỉ đạo của cấp ủy.

    Hệ thống đê điều trong tỉnh cũng được củng cố vững chắc. Địch đánh phá đê điều cũng là phá hoại giao thông vì từ lâu hệ thống đê điều đã được gắn liền với mạng lưới giao thông. Xuất phát từ đặc điểm trên đây và từ kinh nghiệm chống lũ lụt năm 1971, ngay đầu năm Đảng bộ đã coi trọng việc chỉ đạo củng cố đê kè, chống lũ lụt. Vì vậy, lũ năm 1972 tuy nhỏ nhưng do việc địch rắp tâm phá đê nếu không có sự tổ chức lực lượng chặt chẽ và củng cố tốt đê điều có thể xảy ra tổn thất lớn ở các đê Nghĩa Minh và thành phố Nam Định.

    Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, toàn tỉnh được mùa liền hai vụ lúa, đạt năng suất 51,41 tạ trên diện tích hai vụ lúa và 49,54 tạ/ha trên toàn bộ diện tích; sản lượng đạt 513.382 tấn thóc, tăng 11,7% so với năm 1971 và 3,5% so với năm 1967; chăn nuôi phát triển mạnh, riêng tổng đàn lợn có 525.168 con, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị tổng sản lượng nông nghiệp tăng 12% so với năm 1971 và 19,7% so với năm 1967, trong đó giá trị trồng trọt tăng 13,7%, giá trị chăn nuôi tăng 10%.

    Phong trào hợp tác hoá tiếp tục được củng cố; cơ sở vật chất kỹ thuật tăng thêm; một số mặt về quản lý lao động, ruộng đất, tài vụ có tiến bộ; tỷ lệ hợp tác xã tiên tiến năm 1972 là 8,2%, khá và trung bình là 73,5%, so với năm 1971 tỷ lệ đó là 7,8% và 20,2%. Xu hướng đi vào quản lý, quan tâm đến hiệu quả kinh tế ngày càng rõ nét, ba mục tiêu trong nông nghiệp có tiến bộ: Năm 1972 năng suất đạt 50,04 tạ/ha, đầu lợn đạt 1,88 con/ha và số lao động trên 1 ha gieo trồng là 0,04 lao động.

    Trên cơ sở giữ vững và đẩy mạnh sản xuất, phát huy lòng yêu nước của nhân dân, tăng cường công tác quản lý thời chiến, toàn tỉnh đã hoàn thành nghĩa vụ đóng góp với Nhà nước. Đã thực hiện 100% kế hoạch thu mua lương thực so với kế hoạch (132.244 tấn) và tăng 50% so với năm 1971. Giá trị thu mua đạt 95,2%, trong đó thịt lợn, lạc, cói, đay và hàng xuất khẩu đều tăng hơn năm 1971.

    Việc động viên nhân lực bảo đảm đáp ứng được yêu cầu của Trung ương, tỉnh đã điều động được 3.300 lao động trẻ khoẻ, tuyển thanh niên xung phong đạt 97%, lao động cho các ngành đạt 98,5%, tuyển sinh đạt 95,5%, dân công hoả tuyến đạt 83%, huy động công theo nghĩa vụ đạt 91%. Toàn tỉnh có nhiều cố gắng trong việc điều tiết lao động dôi dư, động viên khả năng của mọi người vào sản xuất và xây dựng. Trong quý III-1972 đã điều chỉnh được 7.753/10.735 lao động thừa.

    Sản xuất công nghiệp địa phương gặp khó khăn lớn vì gần 30% xí nghiệp bị đánh phá, hầu hết phải sơ tán, dây chuyền sản xuất bị đảo lộn, nhiên liệu vật tư thiếu nghiêm trọng. Tuy vậy, các ngành và cơ sở sản xuất vẫn cố gắng trong việc bảo vệ lực lượng lao động, thiết bị, máy móc, duy trì và từng bước đẩy mạnh sản xuất. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp đạt 86% kế hoạch, bằng 95,7% năm 1971 (quốc doanh 89,1%, thủ công nghiệp 95,7%). Có 9 xí nghiệp vượt kế hoạch, 8 sản phẩm tăng hơn trước (gạch, ngói, đá, chiếu nội địa, chiếu xuất khẩu, vải, nước chấm...), sản xuất muối được giữ vững. Nhiều xí nghiệp có tiến bộ trong phục vụ nông nghiệp, giao thông vận tải; có chú trọng cải tiến kỹ thuật, cải tiến mặt hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm; quản lý kinh tế có nhiều tiến bộ. Phần lớn các xí nghiệp vẫn duy trì khoán lương sản phẩm, tìm cách ổn định đời sống cho công nhân. Sự kết hợp giữa các xí nghiệp trung ương và địa phương trong việc duy trì và bảo vệ sản xuất có nhiều tiến bộ.

 (Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com