Tiếp tục sản xuất và chiến đấu, góp phần đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ (Kỳ 3)

08:03, 01/03/2016

[links()]

(Tiếp theo)

    Trên địa bàn Hải Hậu, đêm 24-4-1972, máy bay địch đã ném bom xuống xã Trực Hùng và tàu chiến của chúng từ ngoài khơi bắn vào các làng xã trong huyện bất kể ngày đêm, bom đạn dội xuống các tuyến đê sông, đê biển. Trên sông Ninh Cơ thủy lôi dày đặc. Ngày 3-7, địch đánh sập tháp chuông nhà xứ An Đạo làm chết 6 trẻ em. Chiều ngày 4-7, chúng ném 8 quả bom xuống cửa cống Quang Trung (Trực Hùng), giết chết 14 người.

    Ở Nghĩa Hưng, ngày 18-6-1972, máy bay Mỹ ném 50 quả bom xuống cống Minh Châu (Nghĩa Minh), cắt đứt 40m đê và phá hỏng một đoạn dài trên 1km.

    Đối với hệ thống giao thông của tỉnh, tính đến ngày 20- 10, địch đã đánh 202 trận vào 247 điểm với 2.084 quả bom phá, 712 bom nổ chậm và bom từ trường, 106 bom xuyên và 19 tên lửa; làm thiệt hại 2.340m đưòng, hỏng 13 cầu, 62 phương tiện (420 mã lực), tổng số xà lan và thuyền các loại có trọng tải 2.284 tấn.

Vá áo cho bộ đội ngay trên trận địa
Vá áo cho bộ đội ngay trên trận địa.

    Nhờ luôn luôn sẵn sàng ở tư thế chiến đấu, quân và dân toàn tỉnh đã lập được nhiều chiến công vang dội. Bộ Quốc phòng và Quân khu cũng nhanh chóng điều động một số đơn vị về địa phương phối hợp tác chiến với lực lượng vũ trang tỉnh trong việc bảo vệ thành phố Nam Định. Tỉnh đội đã tổ chức các trận địa phục kích với hàng trăm tay súng của dân quân tự vệ, hình thành các cụm chiến đấu lớn ở Xuân Thủy, Hải Hậu, Nam Ninh và thành phố Nam Định.

    Hầu như ở bất cứ nơi nào trong tỉnh khi kẻ địch mò đến cũng đều bị giáng trả quyết liệt. Ngày 14-5-1972, dân quân xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng) bằng 35 viên đạn súng bộ binh đã bắn hạ một chiếc A7. Ngày 22-5, phân đội tự vệ nữ Nhà máy thực phẩm xuất khẩu bắn rơi một chiếc F8. Ngày 4-6, cụm chiến đấu Hoà Thịnh (Hải Hậu) bắn rơi một máy bay. Ngày 6-6, cụm chiến đấu thành phố Nam Định hạ tiếp một chiếc A6. Ngày 13-9, cụm chiến đấu Hải Châu - Hải Tiến (Hải Hậu) bắn rơi một máy bay. Đêm 30- 9, cụm chiến đấu Nam Ninh bắn cháy một chiếc A7.

    Bộ đội địa phương Nam Hà bằng cách đánh sáng tạo tập trung hoả lực toàn tiểu đoàn vào một chiếc, ngày 11-6, Tiểu đoàn 6 cao xạ đã hạ tại chỗ một máy bay A6, trong trận này tự vệ nhà máy Liên hợp dệt đã từng tiêu diệt một máy bay F4 (22-7) đã phối hợp bắt sống giặc lái. Trong vòng tám tháng, Tiểu đoàn 6 đã bắn rơi tám máy bay hiện đại của Mỹ (ba chiếc rơi tại chỗ), trở thành đơn vị cao xạ địa phương có hiệu suất chiến đấu cao nhất Quân khu.

    Sự trưởng thành của lực lượng vũ trang địa phương đã tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực vừa chốt giữ, vừa cơ động lực lượng để đánh trả có hiệu lực hơn. Trong hai ngày 18 và 19- 7, Trung đoàn 231 đã hạ hai máy bay Mỹ. Tại các trận ngày 27-10 và 28-12, lực lượng vũ trang của tỉnh đã bắn cháy hai tàu chiến địch, điều đó chứng tỏ được sự trưởng thành của mình và khả năng đủ sức khống chế cả vùng biển xa.

    Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ, lực lượng vũ trang toàn tỉnh đã bắn rơi 28 máy bay, bắn cháy 2 tàu chiến của địch, riêng lực lượng địa phương lập công lớn, hiệu suất chiến đấu cao, gấp hai lần cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (11/92 so với 19/28); đưa tổng số máy bay Mỹ bị bắn rơi cả hai đợt lên 120 chiếc, bắn cháy 3 tàu chiến, diệt tại chỗ và bắt sống 19 giặc lái (11 tên chết tại chỗ).

    Bên cạnh việc hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện bảy tiểu đoàn, hai đại đội để tăng cường bổ sung cho các chiến trường, tỉnh còn đưa ba đại đội du kích cơ động hành quân vào Quảng Trị, trực tiếp chiến đấu chống Mỹ - nguỵ, đã bắn rơi và bắn cháy bốn trực thăng, bắn chìm một hải thuyền.

    Công tác vận tải chi viện chiến trường đạt được nhiều thành tựu to lớn. Từ tháng 6, chiến dịch vận chuyển phục vụ tiền tuyến được triển khai và Nam Hà được giao nhiệm vụ vận chuyển vào tuyến trong 10.000 tấn lương thực (Ninh Bình 3.000, Thanh Hoá 6.000, Nghệ An 1.000). Đến cuối tháng 8-1972, địa phương đã hoàn thành 97,76% kế hoạch được giao (vận tải đường sông đạt 103,8%; vận tải đường bộ đạt 83,5%), điển hình là các huyện Nghĩa Hưng, Ý Yên, một số hợp tác xã vận tải (Xuân Hải, Tháng Tám, Thanh Phú). Bốn tháng cuối năm 1972, Nam Hà được giao vận chuyển tiếp 12.000 tấn lương thực.Trong chiến dịch này các huyện và các đơn vị được giao đã hoàn thành tốt nhiệm vụ (Ý Yên 800 tấn, Xuân Thủy 1.200 tấn, Nghĩa Hưng 1.600 tấn, Hải Hậu 600 tấn, Nam Ninh 800 tấn, thành phố Nam Định 720 tấn, Hợp tác xã Xuân Hải 1.400 tấn, Hợp tác xã Quang Trung 1.400 tấn, Xí nghiệp ca nô 800 tấn, Xí nghiệp vận tải ô tô 500 tấn).

 (Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com