Khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả thiên tai (Kỳ 8)

05:02, 18/02/2016

[links()]

(Tiếp theo)

    Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ, trong năm 1969, địa phương đã mở nhiều đợt sinh hoạt tập trung vào việc giáo dục, tổ chức động viên cán bộ, đảng viên đi vào xây dựng và phát triển kinh tế. Kết hợp với việc đấu tranh phê bình nội bộ, Tỉnh ủy còn mở rộng việc vận động quần chúng tham gia xây dựng Đảng; đảm bảo 100% Đảng bộ xã và 96,1% Đảng bộ cơ quan lấy ý kiến quần chúng phê bình; 67,3% Đảng bộ xã và 59,3% Đảng bộ cơ quan lấy ý kiến quần chúng giới thiệu người vào cấp ủy; 59,53% số xã, 36% xí nghiệp, cơ quan để quần chúng tham gia phân loại đảng viên. Trong số 4.209 đảng viên mới kết nạp năm 1969 (khu vực Nam Định có 3.183 đồng chí), hầu hết được quần chúng tham gia giới thiệu. Công tác bảo vệ Đảng, công tác cán bộ nữ được quan tâm đặc biệt; đã có trên 100 cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh và huyện là nữ, 288 cán bộ các ngành học các trường lớp đại học tại chức và 173 cán bộ học trung cấp. Đối với cán bộ, đảng viên ở nông thôn, ngoài việc tham gia tập huấn về từng mặt kỹ thuật sản xuất (làm bèo dâu, lúa xuân), nhiều huyện đã tổ chức các hội nghị chuyên về tổ Đảng lãnh đạo sản xuất, biện pháp phấn đấu ba mục tiêu; xây dựng lịch canh tác, khoán nhóm nhỏ, khoán sản phẩm. Thông qua các đợt tiến hành sơ kết, tổng kết đúc rút kinh nghiệm, chất lượng các cuộc vận động xây dựng Huyện ủy, Đảng bộ, chi bộ "Bốn tốt" được nâng lên và đi vào chiều sâu. Năm 1970, tổ chức cơ sở Đảng và cấp huyện được kiện toàn một bước. Công tác cán bộ đã tiến hành thí điểm tiêu chuẩn hoá kết hợp với kiện toàn tổ chức, tinh giảm biên chế và điều chỉnh cán bộ cung cấp cho Trung ương, cho cơ sở và những đơn vị mới hợp nhất. Tỉnh ủy còn chỉ đạo quy hoạch lại các trường trong khối nông nghiệp và các trường sư phạm (từ 12 trường rút xuống còn 4 trường); hợp nhất 8 đơn vị ty, phòng và Đảng ủy trực thuộc tỉnh; giải thể hai Ban quản lý thị trường và đời sống; thành lập thêm một số đơn vị mới như Ban thanh tra, Ban quản lý hợp tác xã mua bán, Trạm chiếu cói xuất khẩu. Các cơ quan hành chính sự nghiệp của tỉnh đưa từ gián tiếp sang trực tiếp 941 cán bộ, tăng cường 292 cán bộ xuống cơ sở. Đầu năm 1970, cả tỉnh có 46.626 cán bộ, công nhân viên chức ở cả hai khu vực sản xuất và phi sản xuất thì đến cuối tháng 10- 1970 đã điều chuyển ra ngoài biên chế được 4.642 người.

Xác một chiếc máy bay Mỹ bị tự vệ Nông trường Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng bắn rơi.
Xác một chiếc máy bay Mỹ bị tự vệ Nông trường Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng bắn rơi.

    Nhờ sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, uỷ ban hành chính các cấp ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng tổ chức, giáo dục quần chúng, quản lý kinh tế xã hội ở địa phương; từng bước tăng cường chuyên chính, trấn áp kẻ địch, giữ vững trật tự trị an. Việc tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ và nhân dân hiểu biết về pháp luật của Nhà nước ngày càng được chú trọng.

    Chuyển biến nổi bật là hoạt động của Công đoàn, nhất là các tổ chức công đoàn cơ sở ở xí nghiệp đã đi vào thực hiện chức năng, bước đầu phát động được tinh thần làm chủ của công nhân trong việc tham gia xây dựng và tìm biện pháp thực hiện kế hoạch của Nhà nước; trong việc phấn đấu nâng cao giờ công, ngày công; bảo đảm các định mức kinh tế - kỹ thuật. Vai trò của Công đoàn trong việc chăm lo tổ chức đời sống cho cán bộ, công nhân ngày một tiến bộ.

    Hoạt động nổi bật của Mặt trận Tổ quốc là ngoài việc vận động và giáo dục giáo dân tham gia sản xuất, đấu tranh chống âm mưu phá hoại của bọn phản động, đã tập trung vào việc đào tạo cốt cán, giáo dục trùm trưởng, vận động giáo dân vào hợp tác xã (riêng Xuân Thủy đưa tỷ lệ từ 77% lên 84%). Mặt khác, tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua giành danh hiệu "gia đình công giáo chống Mỹ cứu nước", đưa từ 9.000 gia đình (1968) lên 14.000 gia đình (1969) đạt danh hiệu. Trong hai năm 1970-1971, Mặt trận Tổ quốc tỉnh tiếp tục phát huy vai trò và chức năng của mình để động viên và cổ vũ mọi tầng lớp nhân dân đóng góp tích cực vào sản xuất, chi viện tiền tuyến và tổ chức đời sống. Khối đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương - giáo ngày càng được củng cố. Phong trào "Ba quyết tâm" của phụ lão ngày càng phát triển.

    Đoàn Thanh niên tiếp tục phát huy tác dụng xung kích của mình trong lao động sản xuất và áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới. Hoạt động của nhiều chi, phân đoàn đã có nội dung cụ thể, thiết thực hơn. Có tới 50% chi đoàn ở nông thôn xây dựng và thực hiện tốt lịch canh tác ngắn ngày, có phong trào cánh đồng 6 tấn. Trong công nghiệp có 59 chi đoàn xí nghiệp, 19 chi đoàn hợp tác xã thủ công thực hiện phong trào "Hai mũi tiến công". Ở nhiều cơ sở sản xuất như dệt Nam Lý, cơ khí Nam Định ngày công của thanh niên cao hơn ngày công chung. Các phong trào "Ba sẵn sàng", thực hiện "Ba nghĩa vụ" (chiến đấu, lao động, học tập) ngày càng được đẩy mạnh.

    Phát huy tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, phụ nữ trong tỉnh đã có bước chuyển biến mới trong việc xây dựng ý thức làm chủ tập thể, tinh thần đoàn kết và phong cách lao động mới. Nổi bật hơn cả là tinh thần khắc phục khó khăn, phấn đấu đảm bảo thời vụ, thực hiện cấy theo thao tác mới và ngày càng vươn lên đảm nhiệm việc nước, việc nhà. Phong trào phấn đấu để trở thành người phụ nữ mới, người mẹ hiền nuôi con khoẻ, dạy con ngoan đã cuốn hút đông đảo phụ nữ tham gia.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com