Những chứng tích lịch sử hào hùng

10:04, 28/04/2015

Trong gần 20 nghìn tài liệu, hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh, có nhiều hiện vật liên quan tới thời kỳ kháng chiến, là minh chứng cụ thể về lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của quân và dân tỉnh ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Nam Định) tham quan, học tập tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Minh Thuận
Học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Nam Định) tham quan, học tập tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Minh Thuận

Một trong những hiện vật tiêu biểu trong thời kỳ chống Mỹ được lưu giữ tại Bảo tàng Nam Định là hộp ngòi nổ đạn pháo 88 ly gắn với trận đánh bắn rơi máy bay Mỹ đầu tiên tại Thành phố Nam Định. Theo giới thiệu của Bảo tàng tỉnh, pháo cao xạ 88 ly do Đức chế tạo vào những năm 1933-1936 dùng bắn máy bay và bộ binh. Pháo 88 ly là chiến lợi phẩm của Liên Xô viện trợ cho Việt Nam đầu năm 1960. Ngày 2-9-1960, pháo 88 ly tham gia duyệt và diễu binh, sau đó trang bị cho cao xạ Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng. Ở Nam Định, E250 bố trí trận địa pháo 88 ly bảo vệ thành phố gồm: C1 Nam Vân, C2 Nam Phong, C3 Cổng Hậu, ngoài ra còn một số trận địa pháo 37 ly xen kẽ. Đối với đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Nam Định, Đại đội 2 là đại đội pháo 88 ly quyết thắng của Trung đoàn 250 đóng trên trận địa xã Nam Phong do Thượng uý Nguyễn Hùng làm Đại đội trưởng và Trung uý Đinh Thiện Đáp làm Chính trị viên trưởng. Với khẩu hiệu: “Quyết tâm đánh thắng trận đầu, bắn rơi tại chỗ”, khoảng 9 giờ ngày 13-8-1965, bầu trời Thành phố Nam Định nhiều mây, không mưa, giặc Mỹ lợi dụng thời tiết xấu, bất ngờ cho nhiều tốp máy bay vào đánh phá thành phố. Khi hệ thống ra-đa của ta phát hiện còn cách 60km, tất cả đều vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. Các đại đội pháo đều dùng ống nhòm và máy bắt mục tiêu ở cự ly 45-50km. Thành phố kéo còi báo động. Khi đó các khí tài quang học của bộ đội Đại đội 2 pháo 88 ly đã bắt được mục tiêu. Đại đội trưởng Hùng hô lớn: “Bắn chiếc đi đầu”, Chính trị viên trưởng động viên bộ đội: “Thật bình tĩnh, tự tin quyết tâm đánh thắng”. Các tốp máy bay xuất phát từ hạm đội 7 bay vào Nam Định theo hướng đông và đông nam để oanh tạc thành phố, tốp đầu gồm: 4F, 4H còn cách 10km ở độ cao 3km. Đại đội trưởng Hùng phất cờ bắn, một loạt đạn đầu cả 6 viên nổ chụm vào máy bay. Trinh sát đại đội báo ngay: Máy bay đã bốc cháy! Lúc đó khoảng 9 giờ 5 phút 5 giây, trên bản đồ đường bay đánh dấu điểm bắn thuộc bầu trời xã Nam Cường (Nam Trực). Sau 2 phút, Đại đội 8 pháo 37 ly đóng cạnh kho xăng đã bình tĩnh và cảnh giác bắn cháy chiếc A4D khi nó lợi dụng sông Đào bay thấp vào đánh lén kho xăng. Cả hai chiếc F4H và A4D đều bốc cháy, tháo chạy ra biển rồi rơi xuống. Tối ngày 13-8-1965, Đài Tiếng nói Việt Nam công bố Nam Định bắn rơi 2 phản lực Mỹ. Đài BBC và Đài Hoa Kỳ cũng phải thừa nhận Nam Định bắn rơi 2 máy bay Mỹ ngày 13-8-1965.

Cựu binh Mỹ William Angus chụp ảnh lưu niệm với cán bộ Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Bảo tàng tỉnh cung cấp
Cựu binh Mỹ William Angus chụp ảnh lưu niệm với cán bộ Bảo tàng tỉnh.
Ảnh: Bảo tàng tỉnh cung cấp

“Nhân chứng” thứ 2 là cựu phi công Mỹ William Angus - một “nhân vật” trong phi hành đoàn của chiếc máy bay A6 mang ký hiệu 522, chính là chiếc máy bay Mỹ thứ 100 bị bắn rơi trên bầu trời Nam Hà trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Vào lúc 10 giờ 40 phút ngày 11-6-1972, Đại đội 2, Tiểu đoàn 6 pháo cao xạ bảo vệ thành phố đặt tại khu vực Bến Than (nay là khu vực Trường Hàn Thuyên, đường Trần Bích San, phường Trần Quang Khải, Thành phố Nam Định) đã bắn hạ một máy bay A6 do Mỹ sản xuất mang ký hiệu 522 rơi xuống hồ Thượng Lỗi (nay là hồ Truyền Thống, phường Lộc Vượng, Thành phố Nam Định). Sau khi máy bay trúng đạn, 1 trong 2 phi công đã nhảy dù và bị lực lượng tự vệ Nhà máy Dệt bắt sống tại trụ sở Công đoàn nhà máy (nay là Tổng Cty CP Dệt may Nam Định). Đó là Trung úy William Angus, sinh ngày 15-12-1945, thuộc lực lượng không quân Hoa Kỳ. Mới đây, người cựu binh Mỹ này đã có dịp cùng vợ trở lại Việt Nam, đến Thành phố Nam Định thăm Bảo tàng Nam Định và ghi cảm tưởng sau khi xem bức ảnh dân quân vớt xác chiếc máy bay này tại hồ Truyền Thống và hiện vật liên quan đến chiếc máy bay. Hành trình trở lại địa điểm chiếc máy bay bị bắn rơi sau hơn 41 năm đã để lại trong người cựu binh Mỹ nhiều cảm xúc. Ông xúc động ghi lại cảm tưởng: “Không thể tin được, tại khu trưng bày có hình ảnh xác chiếc máy bay của chúng tôi mang ký hiệu 522 được kéo lên từ hồ cùng với một bài báo đăng ngày 22-6-1973 mà chúng tôi là phi hành đoàn của chiếc máy bay thứ 100 bị bắn rơi ở Nam Định”. Trở về Việt Nam là điều mà nhiều cựu binh Mỹ như ông William Angus luôn nung nấu kể từ khi chiến tranh kết thúc và giờ đây mong ước đó đã thành hiện thực. Đó là minh chứng cho những nỗ lực cố gắng của những người cựu binh Mỹ hàn gắn vết thương chiến tranh để hướng tới tương lai tốt đẹp.

Hiện vật tiêu biểu thứ 3 là tấm bản đồ tác chiến của tỉnh Nam Hà giai đoạn kháng chiến chống Mỹ đang được lưu giữ và nghiên cứu tại Bảo tàng tỉnh, đánh dấu các trận tác chiến trong chiến tranh bảo vệ Thành phố Nam Định. Đại tá Nguyễn Xuân Bê, nguyên Trưởng ban tác chiến Bộ CHQS tỉnh Nam Hà, người được giao tác chiến trong chiến đấu bảo vệ Thành phố Nam Định thời kỳ chống phá hoại của đế quốc Mỹ cho biết: Hệ thống phòng không của tỉnh Nam Định trong chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ giai đoạn 1965-1972 gồm thế trận phòng không của 3 thứ quân gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ, trong đó hỏa lực được sử dụng trên địa bàn tỉnh lúc bấy giờ là tên lửa, các loại pháo cao xạ từ 37 ly đến 100 ly, súng máy cao xạ 12 ly 7, 14 ly 5. Ngoài ra còn có các trận địa rộng khắp của dân quân tự vệ và súng đại liên, trung liên, các loại súng trường. Thế trận hình thành tập trung và trọng điểm là Thành phố Nam Định để bảo vệ khu công nghiệp dệt và khu vực ven biển; ngoài ra còn một vài trọng điểm nữa là cầu Tào, cầu Họ và khu vực đầu cầu Ninh Bình… Trong cuộc chiến tranh chống phá hoại của đế quốc Mỹ, tỉnh Nam Hà đã bắn rơi 120 chiếc, trong đó 29 chiếc rơi tại chỗ, 5 chiếc rơi ban đêm, bắt sống 8 giặc lái, diệt 15 tên; riêng tại Nam Định đã bắn rơi tại chỗ 16 chiếc, bắt 4 giặc lái, diệt được 12 tên…

Đó là những nhân chứng cùng những hiện vật tiêu biểu thời kỳ kháng chiến chống Mỹ trong hơn 20 nghìn tài liệu, hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh. “Gặp” những chứng tích lịch sử một thời, người xem như được trở lại một thời kỳ chiến tranh vô cùng ác liệt nhưng quả cảm của thế hệ những người đi trước. Các chứng tích đã góp phần “giải mã” một thời hào hùng của dân tộc, của quê hương, giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử dựng nước, giữ nước, truyền thống đấu tranh cách mạng của cha ông và tiếp tục phát huy truyền thống đó trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay./.

 Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com