Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định gồm những ai?

09:04, 28/04/2015

Theo quyết định của Bộ Chính trị, Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định gồm các đồng chí: Đại tướng Văn Tiến Dũng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng, làm Tư lệnh; đồng chí Phạm Hùng, Uỷ viên Bộ Chính trị, làm Chính uỷ; các đồng chí: Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Lê Đức Anh, Trung tướng Đinh Đức Thiện, Trung tướng Lê Trọng Tấn làm Phó Tư lệnh; Trung tướng Lê Quang Hòa làm Phó Chính uỷ kiêm Chủ nhiệm Chính trị. Ba đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị: Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng được cử làm đại diện của Bộ Chính trị, trực tiếp lãnh đạo Chiến dịch.

Thời điểm Chiến dịch giải phóng Sài Gòn được lấy tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”

Ngày 13-4-1975, thể theo nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ trên chiến trường, Bộ Tư lệnh chiến dịch nhất trí đề nghị Bộ Chính trị cho Chiến dịch giải phóng Sài Gòn được mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. 17 giờ 50 phút ngày 14-4-1975, bức điện của Bộ Chính trị do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ký, được gửi đến mặt trận, nội dung viết: “Bộ Chính trị đồng ý Chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Kết quả của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc thắng lợi oanh liệt. Sau 55 ngày đêm chiến đấu vô cùng anh dũng và sáng tạo, tiến công thần tốc và nổi dậy vũ bão, với sức mạnh áp đảo về quân sự và chính trị, quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1 triệu tên địch, tiêu diệt và làm tan rã 4 quân đoàn nguỵ gồm 13 sư đoàn và nhiều lữ đoàn, trung đoàn bộ binh, lính dù, lính thuỷ đánh bộ, quân biệt động, 6 sư đoàn không quân, 22 trung đoàn thiết giáp, 22 trung đoàn hải quân, 66 tiểu đoàn pháo binh, toàn bộ lực lượng cảnh sát dã chiến, bảo an, dân vệ cùng mọi tổ chức quân sự và bán quân sự khác của chúng. Ta đã phá huỷ và thu toàn bộ vũ khí, phương tiện chiến tranh, cơ sở thiết bị, căn cứ quân sự, hệ thống kho tàng, sân bay, hải cảng gồm hàng nghìn máy bay, hàng nghìn tàu chiến, hàng nghìn khẩu pháo, nhiều kho dự trữ chiến lược lớn, nhiều sân bay, hải cảng lớn và hiện đại.

Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TL
Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TL

Với thắng lợi này, quân và dân ta đã đập tan bộ máy nguỵ quyền, xoá bỏ ách thống trị thực dân mới của Mỹ, giải phóng 44 tỉnh ở miền Nam, tất cả các thành phố, tất cả các hải đảo do quân nguỵ đóng giữ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi này đã kết thúc vẻ vang quá trình 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc từ Cách mạng Tháng Tám 1945, “kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh yêu nước lâu dài nhất, khó khăn nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta”.

Công tác hậu cần cho Chiến dịch Hồ Chí Minh

Toàn bộ lực lượng vận tải quân sự gồm 12 vạn người (bằng 80% lực lượng hậu cần chiến dịch), 6.300 xe vận tải của Đoàn 559, 2.100 xe của Cục Vận tải và hàng trăm xe của các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng được tập trung vận chuyển cho chiến dịch. Một lực lượng vận tải lớn của Nhà nước gồm hơn 1.000 xe ô tô, 32 tàu biển (5.000 tấn phương tiện), 130 toa xe lửa (9.000 tấn phương tiện) và hàng trăm tấn phương tiện đường không được huy động vận chuyển vật chất và cơ động đưa bộ đội vào chiến trường. Tổng cộng có tới 42 nghìn tấn phương tiện được dùng để chuyên chở phục vụ cho chiến dịch, mức cao nhất từ trước tới nay. Ngoài các phương tiện vận tải của quân đội, của Nhà nước, trong các đoàn xe tiến về Nam còn có 426 xe vận tải, xe chở khách của tư nhân ở các vùng mới giải phóng. Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tổ chức những đoàn xe đặc biệt, sử dụng 1.800 lần chiếc xe, vận chuyển nhiều lượt bộ đội và 4.000 tấn vũ khí, đạn dược do quân khu mới thu được của địch để bổ sung cho các lực lượng tham gia chiến dịch.

Đến giữa tháng 4-1975, khối lượng vật chất phục vụ chiến dịch lên đến 58 nghìn tấn (gồm 28 nghìn tấn dự trữ của Bộ Tư lệnh Miền và 30 nghìn tấn vận chuyển từ miền Bắc vào), trong đó có 24 nghìn tấn vũ khí đạn dược, 21 nghìn tấn gạo, 11 nghìn tấn xăng dầu.

Lực lượng và phương tiện Mỹ huy động vào chiến tranh Việt Nam

- Về lực lượng: Lúc cao nhất đã có 63,8 vạn quân Mỹ trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Riêng trong đất liền có 53,5 vạn quân Mỹ và 1 triệu 80 vạn quân nguỵ và chư hầu.

Huy động 45% lực lượng bộ binh, 60% lính thuỷ đánh bộ, 29% không quân chiến thuật và gần 50% không quân chiến lược, gần 43% tàu sân bay, sử dụng toàn bộ lực lượng vận tải đường không và đường biển.

Mỹ đã huy động gần 6 triệu lượt người Mỹ, trong đó có 4.649 nghìn người dưới 30 tuổi tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam, huy động 40% các nhà vật lý, 260 trường đại học, 22 nghìn xí nghiệp lớn với 5,5 triệu công nhân phục vụ chiến tranh.

- Về máy bay: Mỹ đã dùng 75 kiểu loại. Cuối tháng 3-1972, Mỹ dùng 1.270 máy bay chiến đấu (bằng 31% tổng số máy bay chiến đấu của Mỹ).

- Tàu biển: Lúc cao nhất Mỹ đã dùng 65 tàu chiến và tàu đổ bộ, trong đó có 4 đến 5 tàu sân bay, 4 đến 5 tuần dương hạm.

- Thiết giáp, pháo binh: Sử dụng 18 loại xe tăng, 17 kiểu pháo binh, 12 loại tên lửa, 24 tiểu đoàn thiết giáp, 2.750 xe tăng và thiết giáp.

- Bom, mìn: Mỹ đã sử dụng 7.882.547 tấn, gồm 14 loại bom mìn, 27 loại lựu đạn, đạn hoá học, bom cháy, gấp 3,8 lần số bom đạn Mỹ đã sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ hai, gấp 12 lần trong chiến tranh Triều Tiên.

Theo công bố của Chính phủ Mỹ, chi phí chiến tranh là hơn 352 tỷ USD, gấp 20 lần chi phí của Mỹ cho chiến tranh Triều Tiên và gấp hai lần chi phí của Mỹ cho Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhưng theo sự tính toán của các giáo sư và các nhà kinh tế Mỹ, con số này có thể là 676 tỷ hoặc 925 tỷ USD (theo R.Xtê-ven công bố trên tờ Tin Mỹ và thế giới).

Phong trào ủng hộ Việt Nam của các nước trên thế giới trong kháng chiến chống Mỹ

- Hơn 10 uỷ ban quốc tế đoàn kết với Việt Nam.

- Hơn 200 tổ chức, uỷ ban ở hầu hết các nước trên thế giới tham gia phong trào ủng hộ Việt Nam.

- Hơn 30 hội nghị quốc tế về Việt Nam bàn về biện pháp ủng hộ Việt Nam.

- 1 uỷ ban quốc tế và hơn 20 uỷ ban quốc gia điều tra tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, nhóm họp nhiều lần ở Thuỵ Điển, Đan Mạch, Pháp.

- Hàng trăm nước có biểu tình, mít tinh chống Mỹ xâm lược Việt Nam.

- Hơn 50 nước có phong trào ủng hộ quyên góp cho Việt Nam.

- Hơn 160 triệu người ở các nước ghi tên tình nguyện sang Việt Nam đánh Mỹ.

- 16 nước có phong trào tình nguyện hiến máu cho Việt Nam.

- 48 người ở 4 nước tự thiêu để phản đối chiến tranh Việt Nam.

- 83 cơ quan đại diện của Mỹ đã bị nhân dân đập phá. Cờ Mỹ bị nhân dân ở 73 nước đốt để phản đối chiến tranh.

- Riêng ở Mỹ, phong trào phản đối chiến tranh mãnh liệt chưa từng thấy: Hơn 200 tổ chức chống chiến tranh đã được thành lập, 16 công dân Mỹ tự thiêu để phản đối chiến tranh, 16 triệu trong tổng số 27 triệu thanh niên được huy động quân dịch đã phản đối, chống lệnh. 2 triệu người Mỹ đã gây thiệt hại bất hợp pháp vì đã chống chiến tranh. 75 nghìn người bỏ ra nước ngoài vì không chịu nhập ngũ hoặc để hoạt động chống chiến tranh.

Theo “Đại thắng mùa Xuân 1975” - NXBCTQG, 2005

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com