Phục hồi cơ sở, kiên trì đẩy mạnh chiến tranh du kích, chuẩn bị lực lượng phản công địch (Kỳ 2)

06:04, 23/04/2015

[links()]

(Tiếp theo)

    Đêm 28 rạng ngày 29-5-1951, Đại đoàn 308 được bộ đội địa phương và dân quân du kích dẫn đường đã nổ súng tiến công cứ điểm Đại Phong và Non Nước ở thị xã Ninh Bình, mở màn chiến dịch. Cùng lúc, ở Yên Khánh, Yên Mô, Đại đoàn 304 đánh một lúc bốn cứ điểm: Chùa Cao, Yên Vệ, Cô Đôi, Yên Mô Thượng. Ở hướng Hà Nam, Đại đoàn 320 đánh một loạt cứ điểm trên tuyến sông Đáy, tiêu diệt vị trí Võ Giàng, tiêu hao địch ở Kỷ Cầu... bức địch rút chạy khỏi Đoan Vỹ, chọc thủng một mảng lớn tuyến phòng thủ sông Đáy.

    Tuy có "nhổ" được một số vị trí và tiêu diệt được một bộ phận sinh lực địch nhưng ta vẫn chưa phát động được mạnh mẽ chiến tranh du kích. Các lực lượng vũ trang địa phương, nhất là lực lượng du kích đánh địch còn yếu, công tác "phá hoại" chưa làm được bao nhiêu nên không kiềm chế được sức mạnh cơ giới của chúng.

Nhân dân thành phố Nam Định vui mừng đón bộ đội tiến vào tiếp quản thành phố ngày 1-7-1954.
Nhân dân thành phố Nam Định vui mừng đón bộ đội
tiến vào tiếp quản thành phố ngày 1-7-1954.

    Ngày 7-6-1951, đợt 2 của chiến dịch mở đầu bằng trận bộ đội địa phương và dân quân du kích sát cánh cùng bộ đội chủ lực tiến công vào Phát Diệm và chống địch càn quét ở Đông Lương (xã Trùng Khánh, huyện Vụ Bản), ở Bồ Vi (Yên Phúc, Yên Khánh, Ninh Bình). Tiếp đó, các đơn vị chủ lực cùng dân quân địa phương kiên quyết thực hiện khẩu hiệu "khoá cổng bốt, bịt mũi súng, trói tay địch lại, đưa lúa về nhà" (vừa đánh địch vừa thu hoạch lúa chiêm).

    Tại hướng Nam Định những ngày đầu chiến dịch, tinh thần nguỵ quân, nguỵ quyền hoang mang dao động. Một số tên đảo ngũ hoặc ra hàng ta, 200 vệ sĩ ở Bùi Chu đấu tranh với chỉ huy đòi về nhà, 20 lính nguỵ ở thành phố Nam Định đòi giải ngũ. Bọn chỉ huy hốt hoảng vội điều năm tiểu đoàn ứng chiến về phía bắc Nam Định bảo vệ phòng tuyến sông Đáy. Thay cho những cuộc càn quét sục sạo, chúng điên cuồng ném bom, bắn phá các thôn xóm nghi có bộ đội; đồng thời điều quân nghi binh đánh lạc hướng quân ta.

    Chiến dịch mở, nhưng bộ đội chủ lực không hoạt động trên địa bàn Nam Định, phần lớn bộ đội địa phương của tỉnh, huyện còn chưa về kịp. Nghị quyết của Thường vụ Tỉnh uỷ chưa truyền đạt xuống hết được các huyện, xã. Do đó, trong những ngày đầu chiến dịch ta gặp nhiều lúng túng, chỉ phá được một số đoạn đường 21, phá huỷ vị trí núi Bô, phá cầu Bo trên đường 57 (Ý Yên) và một vài đồn dõng thuộc huyện Vụ Bản.

    Tất cả những điều kiện khách quan và thiếu sót do chủ quan đã làm cho ta lúng túng trong thời gian đầu chiến dịch bỏ lỡ cơ hội phối hợp với hoạt động khi tiếng súng chiến dịch đã mở.

    Khắc phục tình trạng đó, ngày 8-6-1951, Thường vụ Tỉnh uỷ Nam Định xác định quyết tâm xốc mạnh phong trào, bắt kịp thời cơ, đặt lên hàng đầu công tác khuếch trương thắng lợi sâu rộng trong quần chúng cùng với việc phá rã nguỵ quyền địch; quy định phải tập trung 2/3 số cán bộ, thành lập những đội tuyên truyền vũ trang, về tư tưởng, Thường vụ xác định dứt khoát cho cán bộ, đảng viên phải bám dân, nhân dân phải bám đất, địch mạnh ta tạm luồn tránh, địch đi ta trở lại, kiên trì gian khổ tạo mọi điều kiện để hoạt động bí mật và chuẩn bị mọi mặt chống địch khủng bố. Mặc dù lúc này quân ứng chiến của địch còn chưa rút, vụ chiêm đang thu hoạch, cơ sở của ta chưa ổn định, nhưng Thường vụ vẫn chủ trương quyết tâm đẩy mạnh việc phá nguỵ quyền cơ sở của địch, quy định trách nhiệm tự lực cho xã bộ, bộ đội và công an. Cấp trên chỉ hỗ trợ trong trường hợp thật cần thiết.

    Được xác định tư tưởng quyết tâm bám dân, bám đất, cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và bán vũ trang nhân lúc địch lúng túng đã luồn trở lại địa phương hoạt động.

    Ở các huyện miền Nam, nhiều cơ sở trải qua một thời gian khôi phục, củng cố đã dần dần vững vàng. Để làm đà cho quần chúng vùng dậy, công an và một đơn vị bộ đội địa phương dũng cảm mưu trí, luồn sâu đột kích vị trí Tứ Trùng (Hải Hậu) bắn bị thương nặng tên phản động gian ác Vũ Đức Khâm, sau đó lại chặn viện thắng lợi tại chợ Mới. Đó là một đòn bất ngờ quật mạnh vào vùng sau lưng địch, làm cho hàng ngũ tay sai đã hoang mang càng hoang mang hơn. Nhân đà đó, các chi bộ cơ sở đã kịp thời phát động quần chúng vùng dậy đấu tranh làm áp lực cho việc phá nguỵ quyền cơ sở. Tính chung ba huyện Hải Hậu, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, ta đã thuyết phục được 68 ban tề và liên lạc được với 2 ban khác. Bởi vậy, ta mới có điều kiện vào vùng địch "tạm chiếm sâu" chắp mối lại một số chi bộ ở Nghĩa Hưng lâu nay vẫn bị mất liên lạc, khôi phục được nhiều cơ sở vùng Thiên Chúa giáo khó khăn nhất như Xuân Lạc, Lục Thuỷ, Trường Trung Linh (ở Xuân Trường) và Phú Ninh - Tân Khai (Giao Thuỷ), nơi địch đã gây ra bạo loạn hồi cuối năm 1949.

    Ở các huyện: Vụ Bản, Ý Yên tuy có khó khăn hơn nhưng cũng đã giải tán hầu hết những ban tề vừa lập lại.

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com