Chống địch mở rộng chiếm đóng trên địa bàn toàn tỉnh, phát triển chiến tranh du kích (Kỳ 10)

07:04, 14/04/2015

[links()]

(Tiếp theo)

    Để cứu vãn tình thế, cùng với viện trợ lớn của Mỹ, ngày 6-12-1950, Chính phủ Pháp quyết định phái Đại tướng Đòlát Đò Tátxinhi, Tư lệnh lục quân khối Tây Âu sang làm Tổng chỉ huy trưởng quân đội viễn chinh, kiêm chức Cao uỷ Pháp ở Đông Dương.

    Tới Đông Dương, Đòlát Đò Tátxinhi đưa ra một kế hoạch gồm bốn điểm chính:

    - Gấp rút tập trung binh lực, xây dựng lực lượng cơ động chiến lược và ra sức phát triển nguỵ quân.

    - Xây dựng tuyến phòng thủ cắt ngang miền Bắc bằng con đường số 18, dựng hệ thống Boongke (bằng xi măng cốt sắt) cố thủ con đưòng ấy. Bên ngoài hệ thống này là một "vành đai trắng" bao vây quanh vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ để ngăn chặn chủ lực của ta đánh vào vùng địch; ngăn chặn nhân lực, vật lực ta đưa ra vùng tự do.

    - Tập trung lực lượng bình định vùng sau lưng địch, chủ yếu là vùng đồng bằng Bắc Bộ, coi đây là "cái chốt ở Đông Nam châu Á".

    - Phá hoại các vùng tự do và chuẩn bị mở cuộc tiến công ra vùng tự do của ta, hòng gây thanh thế, lấy lại tinh thần binh lính địch, làm sức ép cho việc xin viện trợ Mỹ và giành lại quyền chủ động.

    Được can thiệp Mỹ tăng cường viện trợ, thực dân Pháp ngoan cố bám lấy chính sách cổ điển "Dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh", khai thác triệt để nguồn nhân lực, vật lực tại chỗ để tiếp tục cuộc chiến tranh phi nghĩa. Tháng 11-1950, một phái đoàn Mỹ về thành phố Nam Định để hà hơi tiếp sức cho binh lính Pháp. Một phái đoàn khác xuống Bùi Chu với ý đồ giúp bọn phản động trong giáo hội Thiên Chúa, xây dựng Thuỷ Nhai thành một "Làng chống cộng kiểu mẫu", được vũ trang toàn diện để chống lại kháng chiến. Cuối năm 1950 đầu năm 1951, quân ứng chiến Pháp lại dồn về Nam Định. Chúng đưa nguỵ quân ra làm nhiệm vụ chiếm đóng và tập trung hầu hết binh lính Âu - Phi thành những đội quân ứng chiến mạnh, đóng thêm một số vị trí trọng yếu (núi Ngăm, phố Cháy), điều thêm quân cơ động về các vị trí quan trọng, để từ những chốt đó phối hợp mở những cuộc càn quét lớn theo nhiều hướng. Chúng dồn lực lượng, lấy ưu thế về quân số, vũ khí, tập trung đánh phá dứt điểm từng làng chiến đấu, từng khu du kích của ta từ huyện Nam Trực trở lên các huyện phía bắc Nam Định. Mức độ tàn phá của địch ác liệt chưa từng có. Chỉ trong ba tháng chúng đã mở 117 trận càn lớn, đốt phá trên 1 vạn nóc nhà, trên 2 vạn thùng thóc. Rất nhiều thôn, xóm bị địch triệt hạ như Giao Cù, Tây Lạc, Vân Cù (Nam Trực); Hào Kiệt, Lương Kiệt (Vụ Bản); Vũ Dương, Lũ Phong (Ý Yên).

    Để phối hợp hành động, bọn phản động trong Giáo hội Thiên Chúa ở phía nam tỉnh cũng ra sức càn quét, cướp bóc, đánh phá các thôn xóm cơ sở của ta. Riêng huyện Xuân Trường trong nửa tháng 11-1950, chúng đã vây quét 50 cuộc. Tên phản động Vũ Đức Khâm chỉ huy hai trung đội đánh phá liên miên phong trào kháng chiến huyện Hải Hậu, chúng nêu khẩu hiệu: càn thanh, quét cán, diệt cộng sản.

    Nhằm vào những sơ hở của địch ở khu vực giữa "tỉnh công giáo tự trị Bùi Chu" và "Nam Định thuộc nguỵ quyền Bắc phần", ta đẩy mạnh hoạt động du kích, tranh thủ mở rộng khu Dân Chủ, Cộng Hoà gồm các xã Nam Thành, Nam Bình, Nam Minh và Nam Hoa (huyện Nam Trực), thông sang khu du kích Đồng Nguyên, Bắc Sơn (Nghĩa Hưng và Nam Trực), nối liền với khu du kích Vụ Bản, thượng Nghĩa Hưng. Thắng lợi trên làm cho phong trào kháng chiến ở sáu huyện phía nam tỉnh chuyển biến mạnh mẽ, hoạt động của địch bị hạn chế, nhiều xã ta đã hoàn toàn làm chủ.

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com