Chống địch mở rộng chiếm đóng trên địa bàn toàn tỉnh, phát triển chiến tranh du kích (Kỳ 8)

06:04, 07/04/2015

[links()]

(Tiếp theo)

    Cuộc chiến đấu trong vùng địch hậu đặc biệt ở các huyện phía nam Nam Định, nơi tập trung đồng bào theo đạo Thiên Chúa diễn ra gay go, quyết liệt. Với tính chất phản động, xảo quyệt, tàn bạo, bọn địch ở đây đã lập nên những đội quân tay sai khét tiếng "tử vì đạo" nhồi nhét cho họ tư tưởng chống cộng, thẳng tay chém giết những người cộng sản lỡ sa vào tay chúng; khống chê giáo dân không cho ủng hộ kháng chiến, che giấu cán bộ cách mạng. Cho nên Nghị quyết Hội nghị Tỉnh uỷ ngày 1-5-1950 đã chỉ rõ: "Công việc trước mắt là phải phá bằng được tổ chức vũ trang công giáo phản động để có thể tiến lên phá nguỵ quyền công giáo...", "có triệt phá được nguỵ quân, nguỵ quyền của bọn phản động đội lốt Thiên Chúa giáo thì mới tạo điều kiện đi sâu vào vùng Thiên Chúa giáo, tiến hành công tác giáo vận". Nghị quyết ngày 17-8-1950 của Thường vụ Tỉnh uỷ Nam Định chỉ rõ: "Đối với lực lượng tập trung là tiểu đoàn tự lực và lực lượng tập trung các quận, các đội công an xung phong; còn đối với bọn vệ sĩ nhà xứ thì mục đích là làm tan rã chứ không phải tiêu diệt địch. Khi đánh vị trí đóng ở nhà thờ, cấp uỷ địa phương phải lãnh đạo chặt chẽ và có kế hoạch công tác chính trị đầy đủ".

 Phá hàng rào, tiêu diệt đồn địch.
Phá hàng rào, tiêu diệt đồn địch.

    Trong đợt hoạt động mạnh "Thi đua giết giặc lập công" bộ đội địa phương tỉnh, huyện đã phối hợp với du kích diệt và bức rút gần 20 đồn do bọn phản động trong giáo hội Thiên Chúa chiếm đóng, giết và làm bị thương gần 1.000 tên; hơn 100 trận đánh bọn vệ sĩ đi càn; trận tiêu hao đội quân "Quyết tử" của Vũ Đức Khâm ở Nhân Hậu (Nghĩa Hưng) và trận đánh tan một đại đội tự lực diệt tên tiểu đoàn trưởng Dương Công ở chợ Giá (Trực Ninh) đã làm rung chuyển hàng ngũ nguỵ quân. Cùng với những hoạt động địch vận, thắng lợi vang dội trên đã làm tan rã từng mảng nguỵ quân. Hai trung đội địch ở Xuân Trường trả súng về nhà; gần 30 thanh niên "trường Huấn luyện quân sự" của địch ở Nam Trực bỏ trốn.

    Đi đôi với việc phá nguỵ quân, các cấp uỷ Đảng quan tâm củng cố và phát triển lực lượng bán vũ trang, nơi nào có cơ sở Đảng là khôi phục được đội du kích. Tới cuối năm 1950, số du kích tập trung ở Nam Định đã lên tới 1.000 người, làm hạt nhân chiến đấu cho trên một vạn "du kích tham gia". Các chi bộ cơ sở đã bắt đầu chú trọng công tác giáo dục tư tưởng chính trị cho các đội du kích, đã bố trí 2/3 đảng viên trong chi bộ (có nơi tới 3/4 như huyện Mỹ Lộc) vào du kích, vừa để tự rèn luyện, vừa làm nòng cốt lãnh đạo. Những đội viên du kích tập trung còn được luân phiên trở về sản xuất, thay vào đó là những "du kích tham gia" luân phiên được tập trung để thường trực chiến đấu. Đó là một kinh nghiệm hay để các đội du kích tập trung có đủ lực lượng chiến đấu và vẫn bồi dưỡng được lực lượng hậu bị.

    Đối với nguỵ quyền, chính sách của ta là phân hoá hàng ngũ của chúng và có đối sách cụ thể với từng loại tề. Tỉnh uỷ Nam Định chủ trương: "Phải triệt phá tề lương để cô lập tề giáo, gieo hoang mang trong hàng ngũ chúng, tiến lên thuyết phục giải tán các ban tề giáo tuỳ theo mức độ gian ác của từng tên, ta vận động họ bỏ việc hoặc cảnh cáo bắt thôi việc, bắt đi cải tạo 1.000 tên tề lương (trong tổng số 2.000 tên ở Nam Định), đồng thời xử lý thích đáng những tên ngoan cố. Trên đà đó, ta thuyết phục giải tán 50 ban tề giáo. Quân dân ta còn đánh thẳng vào hai trụ sở ban Quân chính huyện Trực Ninh và Nam Trực, giải phóng hàng trăm cán bộ, du kích bị bắt. Công tác phá nguỵ quyền tuy có nơi còn nặng về trừng trị, nhẹ giáo dục thuyết phục và chưa chú ý đập tan ảnh hưởng của tề trong nhân dân, nhưng những hoạt động đó đã phá được ách kìm kẹp của địch ở nhiều nơi, tạo điều kiện cho quần chúng vùng dậy và làm hoang mang tổ chức nguỵ quyền các cấp.

    Phá nguỵ quyền địch đến đâu, ta khôi phục chính quyền nhân dân và các tổ chức quần chúng ngay tới đó. Đến cuối năm 1950, chỉ riêng ba huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng còn từ 2/3 đến 1/2 số "xã trắng", chưa có chính quyền nhân dân. Nhiều nơi hai chính quyền ta - địch song song tồn tại. Trải qua chiến đấu, chính quyền của ta được sàng lọc và tăng cường những cán bộ thuộc thành phần cơ bản, có lập trường quan điểm vững vàng, có tinh thần đấu tranh và công tác tận tuỵ. Các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, nông hội cũng dần dần phục hồi được khoảng 30% tổng số đoàn viên, hội viên, so với trước khi giặc mở rộng chiếm đóng. Hội Nông dân Cứu quốc được đặc biệt coi trọng xây dựng và tăng cường giáo dục ý thức giai cấp, 2/3 số xã trong toàn tỉnh đã xây dựng được Ban Chấp hành Nông hội xã. Ngày 15-10-1950, Trường Hành chính tỉnh Nam Định được thành lập và khai giảng khoá đầu tiên để bồi dưõng công tác chính quyền cho các uỷ viên uỷ ban kháng chiến hành chính huyện và xã.

    Trong thời gian này công tác vận động giáo dân được đặt ra toàn diện và xúc tiến tích cực. Nghị quyết đặc biệt về công tác giáo vận của Hội nghị cán bộ Tỉnh uỷ Nam Định ngày 1- 5-1950 đã xác định: "Vấn đề công giáo không phải là vấn đề tín ngưỡng thuần tuý mà là vấn đề địa chủ với dân cày công giáo" và "vận động giáo dân, động viên ý chí yêu nước của giáo dân chống giặc Pháp là chính". Nghị quyết còn chỉ ra nội dung công tác vận động giáo dân: Phải lấy việc bồi dưỡng tinh thần yêu nước, căm thù giặc cho giáo dân là chính, trên cơ sở đó làm cho họ thấy rõ bộ mặt thật của bọn phản động đội lốt tôn giáo cấu kết với giặc Pháp mà thoát ly ảnh hưởng của chúng, tiến lên đấu tranh đòi quyền lợi, chống áp bức, bóc lột. Do đó phương châm công tác giáo vận là phải dựa vào lực lượng cốt cán bần cố nông Thiên Chúa giáo, phải coi công tác giáo vận là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và mọi ngành; phải xoá bỏ thành kiến của cán bộ, nhân dân đối với đồng bào Thiên Chúa giáo. Sau một thời gian hoành hành, bọn phản động đã tự lột mặt nạ gian hiểm làm tay sai cho giặc. Nhân dân lương - giáo đã ngày càng thấy rõ bản chất xấu xa của chúng.

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com