Khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy

07:06, 13/06/2013

Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy (Giao Thủy) có 7.100ha diện tích tự nhiên trong vùng lõi, trong đó có 3.100ha diện tích đất nổi có rừng, 4.000ha diện tích đất rừng ngập nước. Vùng đệm rộng 8.000ha, bao gồm diện tích tự nhiên của 5 xã Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân và Giao Hải. Khai thác và phát huy tiềm năng du lịch sinh thái cộng đồng vùng đệm VQG Xuân Thủy đã và đang mở ra cho cộng đồng dân cư ở đây hướng phát triển sinh kế bền vững, kết hợp hài hòa giữa mục tiêu bảo tồn thiên nhiên với phát triển kinh tế.

Theo các nhà khoa học, VQG Xuân Thủy đang đạt được "3 nhất" gồm: đa dạng sinh học cao nhất, năng suất sinh học lớn nhất, hệ sinh thái nhạy cảm nhất trong khu vực Đông Nam Á. Vùng rừng ngập mặn có khoảng 165 loài động vật nổi, 154 loài động vật đáy, 120 loài thực vật bậc cao với rất nhiều loài rong tảo có giá trị kinh tế cao, trong đó có gần 20 loài thích nghi với điều kiện sống ngập nước. Rừng ngập mặn giữ vai trò định hình hệ sinh thái, cố định phù sa tạo các cồn bãi mới, tạo nguồn năng lượng sơ cấp, làm vườn ươm và là nguồn cung cấp thức ăn dồi dào cho các loài thủy sinh, đồng thời là nơi cư ngụ của nhiều loài động vật hoang dã, trong đó có nhiều loài thú nước quý hiếm: mèo biển, cáo biển, rái cá… Nơi đây, có hàng trăm loài bò sát, côn trùng sống lưỡng cư, tạo nên bức tranh đa dạng sinh học độc đáo và vô giá. Tại VQG Xuân Thủy, các nhà nghiên cứu đã thống kê được 219 loài chim thuộc 41 họ, trong đó có 9 loài có tên trong sách đỏ quốc tế là: rẽ mỏ thìa, cò thìa, choắt mỏ thìa, mòng biển mỏ ngắn, bồ nông, choắt chân màng lớn, cò lạo Ấn Độ, choắt mỏ vàng, cò trắng Trung Quốc. Vào tháng 11, 12 hằng năm VQG Xuân Thủy là điểm dừng chân, kiếm ăn và tích lũy năng lượng cho hành trình tiếp theo của đàn chim từ phương Bắc di cư tránh rét. Vào lúc cao điểm, số lượng chim di trú lên tới 40 vạn con, thuộc hơn 100 loài. Đặc biệt chỉ ở VQG Xuân Thủy mới có cò thìa và choi choi mỏ thìa (có lúc cò thìa chiếm tới 20% tổng số lượng trên toàn thế giới).

Xã Giao Xuân (Giao Thủy) đầu tư nâng cấp hạ tầng du lịch, phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng vùng đệm VQG Xuân Thủy.
Xã Giao Xuân (Giao Thủy) đầu tư nâng cấp hạ tầng du lịch, phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng vùng đệm VQG Xuân Thủy.

Để khai thác du lịch, gắn với bảo tồn hệ sinh thái VQG Xuân Thủy, huyện Giao Thuỷ chủ trương không quy hoạch hệ thống khách sạn, nhà nghỉ tập trung để giảm thiểu tác động của con người đối với rừng ngập mặn và chim di trú, giữ vẻ đẹp của thiên nhiên. Để phục vụ khách du lịch tham quan, nghiên cứu khoa học, huyện xây dựng bến tàu đón khách từ biển Quất Lâm tham quan hệ sinh thái rừng ngập mặn, tìm hiểu chim di trú; xây dựng hệ thống nhà sàn, chòi quan sát, bãi cắm trại du lịch làm điểm dừng chân cho du khách trên đảo Cồn Lu. Tại xã Giao Xuân thuộc vùng đệm VQG Xuân Thuỷ có diện tích đất tự nhiên 775,54ha và hơn 2km bờ biển, năm 2010, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) đã triển khai mô hình du lịch sinh thái cộng đồng ở xã, lực lượng nòng cốt là các hộ dân địa phương. Sau 3 năm đi vào hoạt động, du lịch sinh thái cộng đồng ở xã Giao Xuân đang trở thành “điểm đến” hấp dẫn, thu hút hàng nghìn lượt khách, trong đó có 60% là khách quốc tế đến học tập, nghiên cứu. Đồng chí Trịnh Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm HTX du lịch sinh thái cộng đồng Giao Xuân cho biết, hiện có hơn 30 hộ xã viên trên địa bàn tham gia HTX với phương thức xã hội hóa, liên kết hợp tác. Các hộ dân tham gia mô hình của xã được vay vốn để sửa chữa nhà ở, mua sắm trang thiết bị phục vụ du khách, tham gia các lớp đào tạo ngoại ngữ, tin học, tập huấn kỹ năng hướng dẫn du lịch, biểu diễn văn nghệ cộng đồng, chế biến món ăn, tổ chức đón và phục vụ khách lưu trú. Anh Phạm Quốc An, thành viên HTX du lịch sinh thái cộng đồng Giao Xuân cho biết, hầu hết du khách, nhất là các đoàn khách quốc tế đến với khu du lịch Giao Xuân đều hào hứng khám phá vẻ đẹp tự nhiên và môi trường sinh thái biển. Việc vận chuyển đón du khách bằng thuyền máy tại cống Cai Đề, đi len lỏi theo các kênh rạch trong khu rừng ngập mặn rộng hàng ngàn ha. Du khách được nhóm hướng dẫn viên giới thiệu sự đa dạng, phong phú của hệ sinh thái rừng ngập mặn và được chứng kiến các hoạt động khai thác hải sản bằng các phương tiện đánh bắt thủ công truyền thống của ngư dân. Ra khỏi khu rừng ngập mặn, du khách đi thăm khu nuôi thả ngao vạng, được ngắm hàng trăm chòi vạng mọc lên giữa cảnh trời nước bao la cùng với hình ảnh từng đàn chim nước chao liệng kiếm mồi khiến cảnh vật càng thêm thơ mộng. Du khách có thể ghé thăm các chòi vạng, trò chuyện với ngư dân, nghỉ tại nhà dân, tham gia ăn uống sinh hoạt cùng gia đình. Thành công ban đầu của mô hình du lịch sinh thái cộng đồng ở Giao Xuân đã mở ra hướng phát triển sinh kế bền vững cho người dân nơi đây.

Tuy nhiên, thời gian qua, phần lớn du khách đến đây là những nhà khoa học nghiên cứu chim hoặc rừng ngập mặn, thủy sinh, một tỷ lệ nhỏ khách tham quan tìm đến theo thông tin truy cập trên mạng Internet, hoặc qua môi giới của một số Cty lữ hành. Nguyên nhân do hệ thống hạ tầng giao thông đến VQG và các xã vùng đệm còn khó khăn. Điều kiện về cơ sở hạ tầng du lịch tại khu vực VQG và các xã vùng đệm còn quá sơ khai, chưa có quy hoạch chi tiết phân khu chức năng để thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật như bến tàu, thuyền, luồng lạch, cơ sở dịch vụ lưu trú, phương tiện chuyên chở…, đáp ứng nhu cầu tham quan, ăn nghỉ của khách du lịch. Thời gian tới, huyện Giao Thủy tập trung huy động các nguồn lực, triển khai lập quy hoạch phát triển du lịch sinh thái VQG Xuân Thủy, tạo sự liên kết giữa các điểm du lịch tương đồng, hình thành trung tâm du lịch sinh thái biển vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Ngoài việc đầu tư, quy hoạch xây dựng những khu du lịch tiềm năng, huyện tiếp tục duy trì và mở rộng loại hình du lịch cộng đồng, tạo điều kiện cho du khách tiếp cận những nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng đặc trưng, tiêu biểu của nền văn minh lúa nước; đồng thời tích cực triển khai việc hướng nghiệp, dạy nghề cho lao động nông thôn theo hướng tăng tỷ lệ lao động làm việc trong ngành thương mại - dịch vụ - du lịch./.

Bài và ảnh: Khánh Ngọc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com