Một số phong tục tập quán về hôn nhân, cưới xin

08:05, 30/05/2013

Ở Nam Định còn lưu truyền, phổ biến những câu dân ca, ca dao quen thuộc, chẳng hạn: "Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy"; "Môn đăng, hộ đối", "Cưới vợ xem tuổi đàn bà, làm nhà xem tuổi đàn ông", "trai khôn kén vợ chợ đông", "gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân", "nuôi lợn thì phải vớt bèo, lấy vợ thì phải nạp cheo cho làng", "ma chê cưới trách"... phản ảnh những quan niệm, mục đích cùng những phong tục tập quán của người Việt nói chung, của cư dân Nam Định nói riêng xung quanh việc hôn nhân.

Cũng như ở nhiều miền quê khác, người ta thấy ở Nam Định, theo phong tục xưa, để trở thành vợ chồng, đôi trai gái phải trải qua rất nhiều nghi lễ : so tuổi; Chạm ngõ (Nạp thái); Ăn hỏi (Vấn danh); Xin dâu (Nạp tệ): Rước dâu (Thân nghinh), Nhập phòng (Hợp cẩn); Lại mặt (Nhị hỷ).

Kén chọn con dâu, con rể: năng lực sinh đẻ của người con gái, con trai là quan tâm đầu tiên của gia đình, cha mẹ. Không thiếu những tiêu chuẩn, hay nhận xét đối tượng qua tiêu chuẩn cơ bản này được tổng kết cụ thể, truyền đời, dễ nhớ, thuộc: "Lưng chữ cụ, vú chữ tâm", "đàn bà thắt đáy lưng ong, vừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con". Tiêu chuẩn đó vừa thể hiện qua bản thân đối tượng vừa nghiệm qua (hay có liên quan thường xuyên, tiềm tàng) dòng, giống (gien - theo quan niệm hiện đại) "lấy gái phải chọn  dòng", "lấy con xem nạ (mẹ)", "làm rể nơi nhiều con"... Mục đích này xuyên suốt và thể hiện qua nhiều khâu, nhiều tập tục của việc cưới xin: từ chọn người làm mối mai, đến tục lệ "trải chiếu " cho cặp vợ chồng đêm tân hôn phải là người mau mắn, song toàn trong sinh đẻ, trong cuộc sống vợ chồng. 

"Môn đăng, hộ đối" là mối bận tâm về gia cảnh,  gia thế, vai vế, thứ bậc của hai bên gia đình, dòng họ  có tương xứng không. Không phải ngẫu nhiên mà tục ngữ ca dao  có những câu "nồi nào, vung ấy", cũng như trong các gia phả của nhiều dòng họ ở Nam Định gặp  các câu, các đoạn ghi chép khá tỷ mỷ về gia thế nhà con dâu, nhà con rể - thể hiện  khá tường tận mối quan tâm này.

" Quyền lợi" vật chất, tinh thần (hay danh giá, sĩ diện) của cô dâu tương lai, của gia đình nhà gái với họ nhà trai, trước cộng đồng thể hiện  qua tục Sêu tết; Thách cưới.

Sêu tết: là việc đi lại, thăm  nom, giúp công, giúp của mà chàng trai phải thực hiện với nhà gái sau lễ chạm ngõ. Những ngày nhà gái có giỗ, tết, hay ma chay, cưới xin, chàng trai cũng  tuỳ mùa, việc mà có lễ đi "sêu". Chỉ sau thời gian đi lại sêu tết, không có điều tiếng gì xảy ra thì hai họ bàn đến lễ cưới.                      

Thách cưới: là những yêu cầu  tinh thần, vật chất  nhà gái đưa ra (đòi hỏi = thách)  nhà trai chuẩn bị, đáp ứng để chuẩn bị cho lễ cưới, cho cô dâu về nhà chồng. Có thách cưới người con gái mới không bị coi là "ế", là "cho không". Thậm chí, thách cưới càng cao, càng cầu kỳ thì càng tỏ ra con gái là có giá. 

Nạp cheo  hay là việc các đám cưới phải nạp tiền hay hiện vật cho làng là phong tục liên quan đến  quyền lợi  (hay khía cạnh hành chính, kinh tế) của làng xã trong hôn nhân. Việc các điều luật của nhà nước thời Lê, Nguyễn cấm các làng xã lợi dụng tục "cheo" để đòi hỏi, xà xẻo, cũng như các điều hạn chế trong các hương ước cải lương đầu thế kỷ XX, chứng tỏ sự phổ biến, dai dẳng của tục "cheo" cúng việc chính quyền làng xã lạm dụng tập tục này

Pháp luật nhà nước từ thời Lê, Nguyễn, các phong tục, hương ước của các làng xã Nam Định hiện còn, đều cố gắng củng cố, tăng cường chế độ ngoại hôn. Trong những trường hợp vi phạm bị kết tội loạn luân, có nơi bị đuổi ra khỏi cộng đồng làng.    

Bên cạnh những đám cưới thông thường, trong những hoàn cảnh cụ thể còn có: Đám  cưới chạy tang; Ở rể

Luật nhà nước thời phong kiến cũng như tục lệ của làng xã không cho phép cưới hỏi khi trong nhà phải để tang các bậc thân từ 1 đến 3 năm, vì bị coi là phạm đạo hiếu. Để tránh những trường hợp bị cấm hay bị chê cười như vậy, các đôi trai gái đã trải qua các nghi lễ chỉ còn đợi ngày làm lễ cưới, những cặp đã "đứng tuổi" (nhất là với nữ giới) nếu chờ hết tang sẽ lỡ thì tổ chức cưới chạy tang.

Cưới chạy tang là làm lễ cưới khi bậc thân trong nhà phải để tang từ 1 năm trở lên hấp hối hoặc chết, nhưng chưa nhập quan, chưa làm lễ thành phục. Cưới chạy tang lược bớt các lễ. Sau lễ đón dâu là phát tang. Nhiều làng ở Nam  Định, sau cưới chạy tang, vợ chồng mới cưới không được quan hệ trong vòng 100 ngày.

Đối với người Việt, từ lâu khi chế độ cư trú bên nhà chồng đã thống trị, trở thành lẽ thường thì vẫn có những trường hợp sau hôn nhân chú rể đến ở nhà vợ. Trường hợp này xảy ra ở  gia đình chỉ có con gái, nhất là chỉ có một con gái, cha mẹ mong muốn có chàng rể có điều kiện (là con thứ trong gia đình có anh em trai) để có thể gánh vác thay công việc của con trai trong nhà gái (chủ yếu là đỡ đần trực tiếp bố mẹ vợ lúc già cả, hương khói thờ cúng). Tuy nhiên, không phải chàng trai nào cũng chịu đi ở rể. Những trường hợp ở rể thường rơi vào các chàng trai mồ côi cha mẹ, không có họ hàng, nhà nghèo hoặc là con thứ những nhà khó khăn.

Đối với Giáo dân -  phần cư dân đông đảo của Nam Định từ hàng mấy trăm  năm qua, việc cưới xin là một trong 7 phép cơ bản được coi là bí tích (Thánh tẩy, Thêm sức, Thánh thể, Sám hối, Xức dầu, Truyền chức, Hôn phối).

Bí tích hôn nhân là sự nhìn nhận của Chúa đối với việc chung sống trọn đời của đôi nam nữ đã chịu phép rửa tội. Bất cứ đôi tân hôn nào trước khi đi đến hôn nhân đều phải nhận phép bí tich này.

Theo: Địa chí Nam Định

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com