Nghề dệt ở Nam Định

08:03, 20/03/2012

Hầu như vùng nào của Nam Định cũng có nghề dệt. Sách Đại Nam nhất thống chí chép về tỉnh Nam Định: “Trong toàn hạt sĩ nông có nhiều mà công thương cũng nhiều. Phụ nữ làm nghề chăn tằm dệt cửi”. Dệt có nhiều loại: dệt lụa, dệt vải, dệt chiếu...

Dệt lụa gắn với nghề trồng dâu nuôi tằm. Như đã đề cập, nhiều vùng đất đai Nam Định phù hợp với cây dâu (đặc biệt châu thổ ven các sông lớn và vùng sa bồi ven biển), thuận lợi cho việc phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm cung cấp nguyên liệu cho nghề dệt lụa.

Dệt vải gắn với nghề trồng bông. Nam Định, cùng với Hưng Yên, theo tài liệu giữa thế kỷ XIX, là hai địa phương có nghề trồng bông phát triển mạnh nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ. Bông chủ yếu cung cấp nguyên liệu cho nghề dệt vải, ngoài ra còn cung cấp nguyên liệu cho nghề ép dầu nam dùng thắp sáng.

Vùng Quần Anh (Hải Hậu) xưa có nghề dệt lụa nổi tiếng. Sau công cuộc khai hoang lập làng nửa sau thế kỷ XV, canh tác trong vùng đã có những khu chuyên canh trồng dâu, như Cồn Dâu (nay là khu Khán Sản, xã Hải Bắc), Trại Dâu (nay là khu Hai, giáp xã Thượng). Nơi đây dâu (lá, quả) là một mặt hàng được bày bán ở nhiều chợ, có chợ chuyên bán dâu (như chợ Trung Cường hình thành từ rất sớm, đầu thế kỷ XX có thêm chợ Dâu). Lụa Quần Anh đẹp nổi tiếng, đã trở thành quen thuộc với cư dân vùng duyên hải, và nói chung cả tỉnh Nam Định.

Ngoài vùng Quần Anh, nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa còn có ở các làng Thuận An, Ngọc Cục (thuộc tổng Hành Thiện), Lạc Nghiệp (thuộc tổng Trà Lũ) huyện Giao Thuỷ, nay đều thuộc huyện Xuân Trường; làng Phương Để (thuộc tổng Phương Để huyện Nam Chân, nay thuộc xã Phương Định, huyện Trực Ninh); làng Ngô Xá (thuộc tổng Ngô Xá huyện Vọng Doanh, nay thuộc xã Yên Bằng huyện Ý Yên)... Hay chuyên về ươm tơ như thôn Đông Thượng xã Bách Tính, xã Quy Phú (đều thuộc tổng Cổ Nông), nay thuộc huyện Nam Trực.

Sách Đại Nam nhất thống chí chép về các làng dệt vải của Nam Định: “Vải trắng: sản ở các xã... xã Vân Cát huyện Thiên Bản, các xã Tương Đông, Vũ Lao, Hành Thiện, Hà An huyện Giao Thuỷ”. Làng Vân Cát đầu thế kỷ XIX thuộc tổng Đồng Đội huyện Thiên Bản (nay thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản), là một làng dệt vải nổi tiếng của Nam Định cũng như cả nước. Nơi đây có những cánh đồng chuyên trồng dâu, trồng bông (như Gồ Dâu, Đồng Mả, Báng Già). Theo quy định của Nhà nước (năm Minh Mệnh thứ 9 - 1828) những người thợ dệt Vân Cát hàng năm phải nộp thuế sản vật là 3 tấm vải trắng (kích thước theo quy định của Nhà nước) trên một suất đinh (những người già cả hoặc tàn tật nộp một nửa), nộp vào mùa xuân và mùa thu. Sách Nam Định địa dư chí mục lục cũng chép về nghề dệt vải ở các xã Tương Đông, Vũ Lao nói trên, cùng các làng Dịch Diệp (nay thuộc xã Phương Định huyện Trực Ninh), La Ngạn huyện Đại An (nay thuộc xã Yên Đồng huyện Ý Yên), Thôi Ngôi huyện Đại An (nay thuộc xã Yên Trị, huyện Ý Yên), Quả Linh (nay thuộc xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản). Ngoài ra còn có thể kể thêm các làng có nghề dệt vải phát triển khác như Bùi Chu huyện Giao Thuỷ (nay thuộc xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường), Bái Dương (nay thuộc xã Nam Dương, huyện Nam Trực)... Cuối thế kỷ XIX, trên cơ sở nghề trồng bông dệt vải truyền thống, đặc biệt là khả năng cung cấp nguyên liệu của Nam Định và các tỉnh lân cận, thực dân Pháp đã cho xây dựng tại thành phố Nam Định nhà máy dệt sớm nhất Bắc Kỳ, rồi dần dần phát triển trở thành trung tâm dệt lớn nhất  miền Bắc.

Nghề dệt chiếu cói có ở nhiều nơi, nhưng tập trung ở khu vực phía nam, nhất là các huyện duyên hải. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Cói: có thể dệt chiếu và lợp nhà”, “Chiếu: các xã Trà Lũ, Quần Anh huyện Giao Thuỷ, Thụ Ích, An Thịnh, Lạc Hải huyện Đại An, đều có dệt chiếu” (xã Trà Lũ sau chia thành bốn xã Trà Lũ Bắc, Trà Lũ Đoài, Trà Lũ Trung, Trà Lũ Đông, nay thuộc huyện Xuân Trường; vùng Quần Anh nay thuộc khu vực tây bắc huyện Hải Hậu; Thụ Ích nay thuộc xã Yên Nhân huyện Ý Yên; An Thịnh nay thuộc huyện Nghĩa Hưng). Nam Định địa dư chí mục lục cũng chép nghề dệt chiếu cói ở các làng Quần Cống huyện Giao Thuỷ, làng Nam Lạng huyện Trực Ninh, Liêm Hải, Tân Liêu, Nhân Hậu, Thụ Ích huyện Đại An (làng Quần Cống nay thuộc huyện Xuân Trường; làng Nam Lạng nay thuộc xã Trực Tuấn huyện Trực Ninh; các làng Liêm Hải, Tân Liêu, Nhân Hậu nay thuộc huyện Nghĩa Hưng). Ngoài ra có thể kể thêm các làng Phú Nhai (thuộc tổng Thuỷ Nhai), các làng Lạc Quần, Xuân Dục (thuộc tổng Kiên Lao), làng Trà Khê (thuộc tổng Trà Lũ), đều thuộc huyện Giao Thuỷ, nay thuộc huyện Xuân Trường; làng Hà Dương (thuộc tổng Hải Lãng, huyện Đại An, nay thuộc Nghĩa Hưng); An Đạo (thuộc tổng Ninh Nhất, huyện Hải Hậu).

Cũng có thể xếp cùng loại với nghề dệt một số nghề khác như đan bao tải, đan võng, đan lưới.

Một số làng có nghề  đan bao tải, thường đan bằng cỏ lác. Đó là các làng Đô Quan (thuộc tổng Duyên Hưng Thượng huyện Nam Chân, nay thuộc Nam Lợi huyện Nam Trực), làng Bách Tính (thuộc tổng Cổ Nông huyện Nam Chân, nay thuộc xã Nam Hồng huyện Nam Trực). Một số làng thuộc huyện Hải Hậu cũng có nghề này.

Một số làng có nghề đan võng gai. Đó là các làng Bảo Long (thuộc tổng Như Thức, huyện Mỹ Lộc, nay thuộc xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc); làng Hạ Đồng (thuộc tổng Kim Giả, huyện Nam Chân, nay thuộc huyện Trực Ninh); làng Lãng Lang (thuộc tổng Cát Xuyên, huyện Giao Thuỷ, nay thuộc huyện Xuân Trường); làng Hưng Thịnh (thuộc tổng Hải Lãng, huyện Đại An, nay thuộc huyện Nghĩa Hưng); làng Dũng Quyết (thuộc tổng Phú Khê, huyện Ý Yên, nay thuộc xã Yên Phú huyện Ý Yên); làng Võng Cổ (thuộc tổng An Cự, huyện Thiên Bản, nay thuộc xã Đại An, huyện Vụ Bản).

Một số làng có nghề đan lưới. Đan lưới gắn với nghề đánh bắt cá. Nghề đan lưới ngoài việc cung cấp lưới cho những người, những làng (phường thuỷ cơ ven sông ven biển) làm nghề đánh bắt cá còn có thị trường tiêu thụ rải đều trên tất cả các làng. Môi trường sông nước và ao hồ khiến đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản phổ biến nhiều nơi và vì thế không đâu là không cần chài, lưới, vó...tuy mức độ khác nhau. Các làng có nghề đan lưới phát triển như phường thuỷ cơ Hoành Quán (thuộc tổng Thuỷ Nhai, huyện Giao Thuỷ, nay thuộc huyện Xuân Trường); làng Đài Môn (thuộc tổng Sỹ Lâm, huyện Đại An, nay thuộc xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Hưng); làng Thuận Hậu (thuộc tổng Sỹ Lâm, huyện Đại An, nay thuộc huyện Nghĩa Hưng); làng Hưng Thịnh (thuộc tổng Hải Lãng, huyện Đại An, nay thuộc huyện Nghĩa Hưng); làng Võng Cổ (thuộc tổng An Cự, huyện Thiên Bản, nay thuộc xã Đại An, huyện Vụ Bản, vừa đan lưới vừa đan võng; làng Bồng Xuyên (sau đổi là Phong Xuyên thuộc tổng Bồng Xuyên, huyện Phong Doanh, nay thuộc xã Yên Quang, huyện Ý Yên).

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com