Sản xuất và chế biến muối ở Nam Định

07:03, 15/03/2012

Nghề sản xuất và kinh doanh muối ở Nam Định là một trong những nghề truyền thống đã có từ lâu đời. Thời kỳ nước ta còn là thuộc địa, thực dân Pháp độc quyền về muối và rượu. Sản xuất muối chủ yếu là của hộ gia đình và sau này được tổ chức thành HTX sản xuất chế biến muối ở Nam Định tập trung chủ yếu ở 3 huyện Hải Hậu, Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng... Phương pháp phổ biến nhất là phơi cát. Tính đến năm 1999 Nam Định có diện tích đồng muối đang sản xuất có hiệu quả là 1.087 ha đảm bảo việc làm cho 22.015 lao động và 47.189 khẩu. Toàn tỉnh có 19 HTX chuyên làm muối.

Huyện Hải Hậu có 13 HTX; Huyện Giao Thuỷ có 5 HTX; Huyện Nghĩa Hưng có 1 HTX. Có 4 HTX kiêm sản xuất muối: HTX Giao Yến,  HTX  Hồng Phong, HTX  Giao Hải, HTX  Giao Long đều của huyện Giao Thuỷ. Có 6 HTX có vốn lưu động trên dưới 200 triệu để quay vòng làm nhiệm vụ thu gom sản phẩm tiêu thụ cho bà con xã viên.

Sản xuất muối tại xã Giao Phong (Giao Thuỷ). Ảnh: Internet
Sản xuất muối tại xã Giao Phong (Giao Thuỷ).

Trước năm 1986 toàn bộ sản phẩm muối là do nhà nước độc quyền quản lý kế hoạch sản xuất. Từ khi chuyển sang kinh tế thị trường các hộ gia đình, trong các HTX  được toàn quyền tự tổ chức sản xuất và tiêu thụ, nhất là sau khoán 10 và chuyển đổi cải tiến quản lý HTX sản lượng hàng hoá tăng lên rõ rệt.

Theo quy hoạch của ngành muối và của tỉnh, địa bàn sản xuất muối của Nam Định được phân thành 2 vùng lớn: Vùng muối Giao Thuỷ gồm 3 xã: Bạch Long, Giao Phong và Giao Lâm; Vùng muối Văn Lý, Hải Chính, Hải Triều, Hải Hoà của Hải Hậu. Ngoài ra các xã còn có đồng muối độc lập như Hải Đông, Hải Thịnh, Nghĩa Phúc.

Khu vực muối có diện tích lớn nhất ở huyện Giao Thuỷ 526 ha; huyện có diện tích nhỏ nhất là Nghĩa Hưng 50 ha, chiếm 5%; song năng suất và sản lượng thì huyện Hải Hậu lại đứng thứ nhất, sau đó đến Giao Thuỷ và Nghĩa Hưng.

Tổng giá trị năm 2000 toàn tỉnh đạt 40.950 triệu đồng, tăng 18.700 triệu đồng so với năm 1999. Bình quân thu nhập trên 1ha là 39,5 triệu.

Do đời sống quá khó khăn nên 1999 đã có 191 hộ bỏ ruộng không sản xuất trong đó: Hải Hậu 121 hộ, Giao Thuỷ 70 hộ. Các HTX đã phải giao thêm diên tích cho một số hộ khác để tránh  hư hỏng ô nề, thống chạt giữ vững diện tích. HTX Tân Phú đã được UBND huyện Hải Hậu cho phép chuyển 19 ha muối sang làm màu.

Những năm gần đây ngành dược Sở Y tế đã trực tiếp sử dụng và chế biến muối iốt phục vụ cho đời sống dân sinh theo chương trình phòng chống bướu cổ, do đó được UNICEF trợ cấp máy chế biến nguyên liệu iốt và tiền cước vận chuyển đến vùng sâu vùng xa.

Khâu chế biến muối của Nam Định rất nhỏ và phân tán, tất cả có 6 trạm trộn muối. Công ty muối I có 2 trạm và một trạm chi nhánh bao bì ở thành phố. Ngành dược có 2 trạm và ngành thương nghiệp có 1 trạm. Các trạm trộn muối iốt đều làm nhiệm vụ kinh doanh, nên không mua trực tiếp muối của người sản xuất.

Về sản phẩm phụ chỉ có Công ty muối I và HTX Bạch Long tận dụng được nước ót chế biến thành Clorualmanhe. Lượng chế biến hàng năm của 2 đơn vị này khoảng 200 tấn và chưa có xưởng chế biến muối công nghiệp nào. Trong những năm qua, muối và sản phẩm phụ của Nam Định đã được bán cho hầu hết các tỉnh phía Bắc như Hoà Bình, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang... Và cung cấp muối cho các nhà máy công nghiệp như Nhà máy Giấy Bãi Bằng, Hoá chất Việt Trì, Phốt phát Lâm Thao mỗi năm từ 16.000 - 18000 tấn.

Các mặt hàng chế biến sau muối gồm: muối nghiền tinh của Công ty Muối I bán cho Nhà máy Hải Châu chế biến bột gia vị mỗi năm khoảng 8000 tấn và bán cho các tỉnh; muối clorualmanhe bán cho khu gang thép Thái Nguyên phục vụ công nghiệp luyện thép.

Tổng lượng muối iốt và bột canh iốt các doanh nghiệp đã chế biến là 29.600 tấn. Các sản phẩm trộn iốt đã góp phần giảm tỷ lệ bệnh bướu cổ và rối loạn do thiếu iốt của vùng đồng bằng và miền núi phía Bắc. Hiện nay theo báo cáo của ngành y tế, số người dùng muối iốt toàn tỉnh chiếm 82%, bình quân mỗi người dân trong tỉnh là 2 kg/năm. Năm 2000 Công ty muối I Nam Định đạt tổng doanh thu là 12.808 triệu đồng.

Để các HTX sản xuất và lưu thông muối, tích cực tháo gỡ những khó khăn cho cơ sở,  UBND tỉnh đã giao ngành muối về  Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.  Năm 2000 toàn tỉnh đã nạo vét được 316.711 m3/340.000m3,  đạt 93,2% kế hoạch.

Ngành muối đang nỗ lực vươn lên để tương xứng với các ngành kinh tế khác của tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội thực hiện tốt nhiệm vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.

Từ năm 1995 trở đi, tổng sản phẩm của mọi thành phần kinh tế của Nam Định, từ khu vực kinh tế trong nước đến khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, từ kinh tế trung ương đến địa phương quản lí, cho đến các khu vực kinh tế tập thể, tư nhân, cá thể, hỗn hợp... tăng tương đối đều nhưng chậm, so với một số địa phương khác.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com