Di tích Đình Cả

08:03, 13/03/2012

Đình Cả thuộc thôn Đệ Nhất, xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc) thờ Dũng Dược Đại vương - vị tướng thời vua Hùng và một số danh tướng thời Trần. Theo thư tịch cổ, Đệ Nhất là vùng đất có từ lâu đời. Thời Hùng Vương dựng nước, vùng đất này đã sinh ra Dũng Dược Đại vương, một vị tướng tài ba có công giúp vua dẹp giặc; sau đó, ông được vua Hùng gả công chúa Quang Mỹ. Để tưởng nhớ công lao của vị tướng tài ba cùng phu nhân, các triều đại phong kiến về sau đã sắc phong cho Dũng Dược Đại vương và công chúa Quang Mỹ làm Thành hoàng; nhân dân lập đền thờ. Câu đối tại đình Cả còn ghi rõ: “Cứu quốc khướng Thục binh công lưu ngọc phả. Tế dân tư bão noãn sự trí hương từ” (Đuổi giặc Thục giữ yên cho non nước công ấy vẫn còn ghi trong gia phả. Giúp dân lo tới điều no ấm việc xưa nêu dấu tại đền quê). Đình Cả hiện còn lưu giữ được ngọc phả và nhiều sắc phong từ thời Lê - Nguyễn; trong đó, ngoài Dũng Dược Đại vương còn có Long Khánh Đại vương và Uy Linh Đại vương - là những vị tướng thời Trần có nhiều công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông.

Đình Cả có ba tòa chính làm theo kiểu “tiền chữ nhất, hậu chữ đinh”, kiến trúc tương đối hoàn chỉnh. Tiền đường 5 gian được làm bằng gỗ lim với các cột cái có đường kính 40cm, đặt trên đá tảng. Các vì kèo thiết kế theo lối thượng chồng rường, hạ kẻ bẩy. Trên các con rường còn giữ được một số mảng chạm khắc hoa, lá, rồng thế kỷ XVIII. Tòa Đệ Nhị trùng thềm với tòa tiền đường, gồm 5 gian, thiết kế theo kiểu “thượng chồng rường, hạ kẻ bẩy” và làm theo lối tứ trụ. Tòa Đệ Nhị kiến trúc hoàn toàn bằng gỗ lim, đan xen phong cách nghệ thuật của thời hậu Lê. Các con rường được trang trí họa tiết lá lật cách điệu và lớp lớp lá hỏa bóc tách công phu khiến hệ thống khung mái mềm mại. Phía trong tòa Đệ Nhị là chính cung, giao mái với tòa Đệ Nhị và được phân thành hai cung. Cung ngoài 3 gian, cung trong 2 gian ngăn cách bằng một bức thuận.

Ngoài việc bảo lưu được giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, đình Cả còn giữ được một số di vật quý, trong đó có 3 pho tượng cỡ lớn, niên đại khoảng cuối thế kỷ XVIII. Tượng Dũng Dược Đại vương được đặt tại khám giữa, gian chính tẩm, được làm bằng gỗ, cao 1,90m, dáng vẻ oai phong. Các họa tiết trên mũ, áo đai rồng cầu kỳ với các đề tài long chầu, phượng múa, sóng nước, hoa chanh. Tượng đặt trên ngai long cao 1,30m tạo dáng chắc khỏe với các mảng chạm mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Hai khám thờ hai bên đặt tượng Long Khánh Đại vương và Uy Linh Đại vương. Hai pho tượng này cao 1,63m ngồi trên ngai rồng với các họa tiết được chạm khắc tinh xảo. Hội làng đình Cả tổ chức vào ngày sinh của Dũng Dược Đại vương (15 tháng Tư âm lịch). Theo đó, bốn giáp (Bắc, Đông, Nam, Đoài) mỗi giáp chuẩn bị một con lợn. Lợn cúng tế phải nuôi riêng từ tháng tư năm trước đến tháng tư năm sau, thức ăn sạch sẽ, chuồng trại thoáng mát. Đặc biệt những con lợn cúng tế thì phụ nữ không được cho ăn. Đến hội, các giáp đóng cũi mang lợn ra thi; sau đó, lợn được ngả thịt để cúng. Trong lễ hội, ngoài phần lễ còn có phần hội với các trò chơi dân gian độc đáo như: kéo co, đấu vật, leo cầu kiều, bắt vịt mang đậm giá trị nhân văn của quê hương./.

PV
Theo “Di tích Lịch sử - Văn hóa Nam Định”



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com