Nghệ thuật hát xẩm

08:03, 20/03/2012

Là một loại hình nghệ thuật truyền thống xuất hiện từ thời Trần, hát xẩm có nét độc đáo gắn liền với người khiếm thị. Tương truyền, ông tổ của hát xẩm là hoàng tử Trần Quốc Dĩnh, vì bị anh trai là Trần Quốc Toán hãm hại, mù hai mắt, đã soạn thảo những khúc hát và nhạc cụ nhanh chóng lan truyền khắp vùng. Từ đó, những người có chung hoàn cảnh mù lòa, tàn tật động viên nhau học tập noi gương hoàng tử Dĩnh vượt khó vươn lên. Trước Cách mạng Tháng Tám, những người hành nghề hát xẩm tập hợp thành làng xẩm, hội xẩm. Vào thời điểm đó, tại Thành phố Nam Định, có nhiều hội xẩm nổi tiếng chuyên hành nghề tại các khu phố Hàng Nâu, Hàng Đồng, Hàng Tiện, Bến Ngự, chợ Vị Hoàng, chợ Đò Chè. Tại những tụ điểm đông dân cư, người ta thường gặp các tốp người khiếm thị, tàn tật cắp đôi chiếu, tay cầm bầu, nhị, giắt lưng đôi sênh, hành nghề hát xẩm, đem tình cảm tâm trí phả vào câu hát, ngón đàn thu hút người nghe.

Ảnh minh họa/Internet.
Ảnh minh họa/Internet.

Về nghệ thuật, hát xẩm thuộc loại hình hát nói kể chuyện; được hình thành chủ yếu theo giai điệu và ngữ điệu. Khác với các vùng, địa phương lân cận, các hội xẩm, làng xẩm Nam Định xưa thường vận dụng 9 điệu: xẩm chợ, xẩm bong, riềm huê, ba bực, phồn huê, hò Huế, bốn mùa, hát ai, thập ân. Trong quá trình phát triển, những người hành nghề hát xẩm ở Nam Định còn vận dụng hát ví, hát trống quân, hành vân, lưu thủy. Về nhạc cụ, hát xẩm sử dụng đàn song, đàn bầu, nhị là chủ yếu; giữ nhịp chờ cho tiếng hát là tiếng sênh cặp kè, tiếng trống mảnh làm tăng tính kịch cho câu ca. Theo thống kê, có gần 400 bài hát xẩm và chuyện xẩm có nội dung, cốt truyện. Nhìn chung, các bài hát xẩm rất phong phú về đề tài. Thời kỳ đất nước bị đô hộ, các nghệ nhân hát xẩm với tấm lòng yêu nước, căm thù giặc đã sáng tác nhiều bài hát xẩm tố cáo sự bóc lột vô nhân đạo của bọn thực dân, phong kiến; ca ngợi những tấm gương anh hùng dân tộc đã xả thân cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Những năm 30-40 thế kỷ XX, tại Thành phố Nam Định, trong quá trình hành nghề ca hát, các làng xẩm, hội xẩm lưu truyền nhân rộng nhiều chuyện xẩm có nội dung tiến bộ, tôn vinh chủ nghĩa yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước. Trong kháng chiến chống Pháp, những hội xẩm và những người hành nghề hát xẩm là hạt nhân văn nghệ đóng góp vào hoạt động văn nghệ quần chúng, phục vụ kháng chiến. Những nghệ nhân như: Hà Thị Cầu, Trần Thị Nhớn, Phạm Văn Hinh, Phạm Văn Trung, Nguyễn Văn Khoản, Nguyễn Phong Sắc… là những gương mặt tiêu biểu “hát hay, đàn ngọt” của loại hình nghệ thuật hát xẩm. Đặc biệt, sau năm 1954, các nghệ nhân hát xẩm Nam Định cùng với các làng xẩm, hội xẩm Ninh Bình, Hà Nội tham gia tích cực các phong trào cách mạng, tuyên truyền các phong trào yêu nước, vạch mặt âm mưu thâm độc của kẻ thù.

Hiện nay, trong các loại hình nghệ thuật dân tộc cổ truyền thì hát xẩm đang đối diện với nguy cơ “thất truyền”. Để khai thác và bảo lưu các giá trị của nghệ thuật hát xẩm, các ngành chức năng cần mở các lớp học mời các nghệ nhân trực tiếp truyền dạy những tinh tuý của nghệ thuật hát xẩm cho thế hệ trẻ, góp phần lưu truyền, khai thác và quảng bá di sản văn hoá phi vật thể dân tộc trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế./.

Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com