Phía sau những nỗi đau da cam

06:12, 17/12/2021

Chiến tranh lùi xa đã lâu, nhưng hậu quả của nó vẫn ẩn hiện trong nhiều gia đình cựu chiến binh nhiễm chất độc da cam. Không chỉ sức khỏe giảm sút, mang bệnh nan y, đau ốm mỗi khi trái gió trở trời mà còn là nỗi đau day dứt khôn nguôi khi di chứng da cam để lại nặng nề cho những đứa con. Đó còn là những người mẹ, người vợ biết bao năm lặng thầm hy sinh với ước mơ về cuộc sống gia đình bình dị nhất, nhưng dường như không thể thành hiện thực.

Vợ chồng bà Phạm Thị Lê ở xã Liên Bảo (Vụ Bản) chăm sóc cho hai người con bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin.
Vợ chồng bà Phạm Thị Lê ở xã Liên Bảo (Vụ Bản) chăm sóc cho hai người con bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin.

Năm 1978, bà Mai Thị Sự ở xóm 2, xã Nghĩa An (Nam Trực) nên duyên với người lính Mai Văn Tần khi ấy đang công tác tại C6, D6, E138 - Bộ Tư lệnh Thông tin. Trong những năm tham gia trong quân ngũ, nhiều lần chồng về phép, bà Sự đã 6 lần mang thai nhưng 2 người con sinh non không trọn vẹn, 4 người con còn lại đều bị các bệnh như thần kinh phân liệt, động kinh, điếc, ngớ ngẩn. Sau này ông bà mới biết các con bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Chứng kiến các con lớn lên không biết làm gì, suốt ngày lang thang thơ thẩn lại thường xuyên ốm đau, trong đó người con lớn Mai Văn Đạt vừa bị điếc vừa bị động kinh nặng phải nằm liệt tại chỗ khiến ông bà đau đớn khôn nguôi. Năm 2012 khi ông Tần mất bởi biến chứng của bệnh tiểu đường, gánh nặng gia đình dồn lên đôi vai bà Sự một mình chăm sóc 4 đứa con ngây dại. Chế độ phụ cấp chất độc da cam của các con thấp, kinh tế gia đình chỉ trông vào vài sào ruộng và mảnh vườn nhỏ nên hàng ngày bà Sự phải cật lực làm việc để nuôi các con. Do các con bị bệnh động kinh phải trông nom, phục vụ thường xuyên nên mỗi khi đi làm, bà tranh thủ chạy về nhà theo khung giờ nhất định để trông. Thế nhưng cũng không tránh khỏi những lần con bị động kinh lăn ngã, đập vào tường hoặc các vật cứng gây chảy máu, sưng đầu khiến lòng bà quặn thắt. Nỗi đau lớn về tinh thần cùng với cuộc sống cơ cực, phải thức khuya, dậy sớm mỗi ngày lo cho các con nên nhiều lúc bà Sự cảm giác mình quỵ ngã, muốn buông xuôi. Tuy vậy, nhìn những ánh mắt ngây dại của các con, bà lại gượng dậy để cố gắng mỗi ngày. Dù sống trong khó khăn song bà Sự chưa một lời than vãn, bởi với bà chỉ cần được ở bên cạnh các con, còn khỏe mạnh để chăm lo cho gia đình cũng như sự chia sẻ của các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam và cộng đồng là nguồn động lực lớn nhất để bà vượt qua khó khăn. 

Năm 18 tuổi, bà Phạm Thị Lê ở xã Liên Bảo (Vụ Bản) xung phong đi xây dựng vùng kinh tế mới tại Tây Nguyên. Trong một lần về thăm quê bà gặp và kết hôn với ông Hoàng Công Uẩn, khi ấy là bộ đội vừa tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên về phục viên tại quê nhà. Hạnh phúc nở hoa kết trái khi năm 1983, bà sinh con đầu lòng là Hoàng Thị Ngọc xinh xắn, khỏe mạnh. Đến năm 1986, bà sinh tiếp người con thứ hai Hoàng Thị Vân. Khi sinh ra, Vân vẫn bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng dần dần có biểu hiện thần kinh, không nói được, chân tay khòng khèo không có lực. Càng lớn bệnh của Vân càng nặng, vợ chồng bà đã đưa đi chạy chữa khắp nơi nhưng không thuyên giảm. Hy vọng có thêm đứa con khỏe mạnh, năm 1991 bà Lê sinh con gái thứ ba đặt tên là Hoàng Thị Nhung nhưng cũng giống như người chị, Nhung mắc bệnh thần kinh, kêu khóc suốt ngày, không biết đi, không biết nhai, phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ. Hàng ngày, ông bà phải thay nhau mớm cho các con ăn, vệ sinh tắm giặt phục vụ các con với nỗi buồn không gì đong đếm được. Sau này khi đi khám bệnh mới biết ông Uẩn bị nhiễm chất độc hóa học trong thời gian chiến đấu ở chiến trường miền Nam, vợ chồng tự an ủi động viên nhau phải sống, phải vượt qua khó khăn để nuôi dưỡng con cái. Gia đình chỉ có một sào ruộng nên hàng này, sau khi dậy sớm lo cho các con xong, bà Lê ra chợ buôn mớ rau, con cá để có thêm đồng ra đồng vào. Cuộc sống diễn ra hàng ngày với những khó khăn chồng chất khi không chỉ các con bị bệnh, sau thời gian dài lao lực bà Lê cũng mang nhiều bệnh trong người, ông Uẩn bị các bệnh như: nấm da ban đỏ khắp người, bệnh tiểu đường nặng, cột sống bị thoái hóa không làm được việc nặng. Tuy nhiên, mỗi khi các con đau ốm, hai vợ chồng bà lại phải đưa con đến bệnh viện, người dắt xe, người giữ con kẻo ngã xuống đường. Đằng đẵng hơn 30 năm, vợ chồng bà chỉ mong các con cất lời gọi mẹ, gọi cha mà không thể, thay vào đó là tiếng la hét kêu khóc bất kể ngày đêm. Không thể nói hết nỗi vất vả, buồn đau khi hàng ngày nhìn đứa con mình sinh ra, lớn lên trong bệnh tật và sức khỏe ngày càng giảm sút. Bà Lê tâm sự: “Bây giờ tuổi đã cao lại hay đau ốm, chẳng biết là sẽ sống được bao lâu để nuôi con. Rồi khi vợ chồng tôi mất đi, ai sẽ chăm sóc con hàng ngày”. Đó là nỗi niềm mà không chỉ bà Lê, bà Sự mà còn là nỗi đau chung của rất nhiều người mẹ đang có con bị nhiễm chất độc da cam ngày đêm trăn trở.

Hai người phụ nữ kể trên nằm trong số hàng nghìn người vợ, người mẹ đang hàng ngày gồng mình, dành hết sức lực, tình thương vô bờ bến suốt nhiều thập kỷ qua để âm thầm chăm sóc chồng, con bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam mà không một lời ca thán. Để tri ân sự hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ ấy, hàng năm, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đều tổ chức hoạt động giúp đỡ, động viên các gia đình nạn nhân, khen thưởng, tôn vinh những người phụ nữ có thành tích chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Những tấm gương, mảnh đời ấy rất cần thêm sự hỗ trợ, quan tâm, sẻ chia từ cộng đồng để tiếp thêm động lực, niềm tin cuộc sống, là chỗ dựa tin cậy để những nạn nhân tiếp tục vượt qua nỗi đau da cam./.

Bài và ảnh: Hồng Minh

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com