Tiểu thương nỗ lực vượt khó trong đại dịch

04:12, 10/12/2021

Thời gian qua, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, kinh tế suy giảm, người dân thắt chặt chi tiêu, hạn chế mua sắm nên ngoài những mặt hàng thiết yếu, tình hình kinh doanh ở nhiều ngành hàng của tiểu thương trên địa bàn thành phố Nam Định gặp không ít khó khăn.

Tại chợ Mỹ Tho - chợ đầu mối lớn trên địa bàn thành phố Nam Định -  trước đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, người dân đến mua sỉ, lẻ các loại mặt hàng rất đông nhưng trong thời điểm hiện tại, tình hình buôn bán khá ảm đạm. Ở khu vực buôn bán hàng thực phẩm thiết yếu, lượng khách hàng đến mua giảm nhiều so với khi chưa có dịch; còn tại khu vực bán bánh kẹo, đồ khô, hoa quả chỉ có vài ba khách ghé qua xem hàng. Chị Vân, chủ sạp hoa quả cho biết: “Trước đây, mỗi ngày tôi thu mua khoảng hơn 100kg trái cây các loại bán lẻ hàng ngày tại chợ, tuy nhiên vài tháng nay do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên sức bán giảm mạnh, khoảng 70%”. Cùng chung khó khăn, chị Thanh, chủ quầy bán đồ bánh kẹo, nước ngọt tại chợ cho biết: “Vào thời điểm này hàng năm là dịp người dân tổ chức nhiều ngày lễ kỷ niệm, hội họp và tổ chức đám cưới nên hàng hóa nhập vào cũng như bán ra tấp nập, tôi phải thuê thêm nhân viên bán hàng và chuyển hàng cho tiểu thương ở địa bàn các huyện. Nhưng hiện tại sức mua giảm hẳn, có ngày chỉ được một vài khách mua hàng, cá biệt có hôm mở cửa từ sáng đến tối cũng không bán được cho ai”.

Các sạp vải tại chợ Hoàng Ngân (thành phố Nam Định) vắng khách đến mua hàng.
Các sạp vải tại chợ Hoàng Ngân (thành phố Nam Định) vắng khách đến mua hàng.

Tại phố Hai Bà Trưng, chuyên bán các mặt hàng quần áo thời trang, giày dép, phụ kiện thời trang… những ngày này số lượng khách tới mua giảm sút mạnh khiến nhiều tiểu thương mở cửa kiểu “cầm chừng”. Một số shop phải tạm đóng cửa không buôn bán hoặc trưng biển bán hạ giá, thanh lý nghỉ bán. Kinh doanh ế ẩm khiến tiểu thương như “ngồi trên đống lửa” với nỗi lo tồn đọng vốn, phí mặt bằng, trong khi nhiều mẫu mã thời trang không bán được sẽ khó để lại đến năm sau do hết mốt. Cũng tại thời điểm này, các cửa hàng bán vải trong chợ Hoàng Ngân chung cảnh ế ẩm, tiêu điều. Có nhiều sạp vải đã đóng cửa tạm thời do không có khách, lượng khách ghé thăm các ki ốt ở đây giảm khoảng 70-80% so với trước đây. Chị Loan ngồi bán hàng ánh mắt không rời chiếc màn hình điện thoại, xem hài kịch cho đỡ buồn. Khi thấy tiếng xe chuẩn bị đi qua, chị nhanh nhẹn bỏ điện thoại mời chào các loại vải may áo véc, đồ bộ thu đông dù khách chưa có ý định dừng lại sạp hàng của chị. Chị cho biết: “Thông thường vào những tháng cuối năm, những mặt hàng quần áo, vải vóc rất thu hút người dân đến mua. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, có hôm không có một khách nào vào mua hàng. Hôm nay ngày cuối tuần mà chợ vắng tanh, các tiểu thương dọn hàng ra hết giờ lại thu hàng về”. Tại các chợ truyền thống, các quầy rau củ quả, thực phẩm tươi sống tuy sức mua có giảm sút nhưng vẫn nhộn nhịp mua bán, còn với các ngành hàng khác thì lượng khách đến mua giảm từ 50%-80%, nhất là mặt hàng đồ gia dụng, giày dép, mũ nón, phụ kiện thời trang.

Bên cạnh phương thức bán hàng truyền thống “cầm cự” chờ dịch bệnh đi qua, nhiều tiểu thương đã năng động chuyển đổi phương thức kinh doanh, từ bán hàng trực tiếp sang kinh doanh online nhằm đáp ứng thị hiếu của khách hàng, phù hợp với điều kiện hiện tại. Chị Hằng, chủ shop quần áo, mỹ phẩm ở đường Trần Đăng Ninh cho biết: “Thời điểm hiện tại, nếu chỉ trông chờ vào lượt khách đến tận nơi để xem và mua hàng thì chắc chắn rằng hàng hóa sẽ ùn ứ, tồn đọng. Trong khi đó, đặc tính của hàng may mặc thời trang là bán theo mùa, theo thị hiếu, mỹ phẩm để lâu thì sẽ hết hạn, hư hỏng. Trong tình thế này, tôi tập trung bán hàng online, hướng đến những sản phẩm với giá cả hợp lý, phù hợp với mọi đối tượng khách hàng. Những đơn trong nội thành ở bán kính 5-7km shop hỗ trợ tiền phí ship nên qua thời gian khó khăn ban đầu, hiện tại đơn hàng mỗi ngày một tăng nên tôi cân đối được phí thuê mặt bằng, thuê nhân viên và có lãi”. Một số tiểu thương khác, bên cạnh bán online, ship hàng tận nơi còn tung các chương trình khuyến mãi, giảm giá kích cầu khách hàng mua sắm bằng nhiều hình thức như: mua combo (2-3 sản phẩm trở lên) được tặng quà; đơn hàng 300-500 nghìn đồng trở lên được tặng quà, miễn ship…; đồng thời cắt giảm nhân sự, tiết kiệm điện, nước, thương lượng giảm giá mặt bằng nhằm tiết kiệm chi phí, chật vật trụ lại trong mùa dịch. Các tiểu thương kinh doanh đồ ăn vặt tích cực đăng bán trên các trang mạng cá nhân, các hội nhóm và thành lập các trang online chuyên đồ ăn sẵn với những hình ảnh thực tế bắt mắt đã thu hút được khách hàng đều đặn mỗi ngày. Thu nhập không được như thời gian chưa có dịch nhưng cũng giúp nhiều tiểu thương vượt qua giai đoạn khó khăn này. Tuy đã “bắt sóng” với việc kinh doanh qua thương mại điện tử nhưng nhìn chung các tiểu thương chợ truyền thống vẫn chậm thay đổi, một phần do tuổi tác, chỉ một số ít mạnh dạn triển khai, chủ yếu là những người trẻ, sử dụng thành thạo công nghệ mới.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, dự báo sức mua trên thị trường sẽ còn tiếp tục giảm và ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh tại các chợ và khu vực kinh doanh trên địa bàn thành phố Nam Định. Trong bối cảnh này, tiểu thương cần có những chiến lược kinh doanh mới, linh hoạt tích hợp giữa thương mại điện tử và thương mại truyền thống để thu hút khách hàng; kết nối, trao đổi với các doanh nghiệp đầu mối lớn để có các khuyến mại, bán giảm giá, hấp dẫn người mua. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm kinh doanh thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chung tay xây dựng chợ, khu vực kinh doanh văn minh thương mại, thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch để người dân yên tâm đến giao thương./.

Bài và ảnh: Minh Hồng


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com