Nghị lực của người phụ nữ khiếm thị

05:12, 03/12/2021

Người ta thường nói “Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”, tuy nhiên, đối với chị Nguyễn Thị Nhâm, Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Trực Ninh, không còn thị lực không đồng nghĩa với việc mọi cánh cửa tương lai sẽ khép lại. Với sự quan tâm của Hội Người mù tỉnh, Hội Người mù huyện Trực Ninh và người thân, nỗ lực vươn lên của bản thân, chị đã nỗ lực phát triển kinh tế và tạo việc làm ổn định cho nhiều người khiếm thị, tích cực tham gia các hoạt động của Hội.

Chị Nguyễn Thị Nhâm, Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Trực Ninh làm dịch vụ bấm huyệt, tẩm quất cho khách hàng.
Chị Nguyễn Thị Nhâm, Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Trực Ninh làm dịch vụ bấm huyệt, tẩm quất cho khách hàng.

Chị Nguyễn Thị Nhâm sinh ra trong gia đình có 3 chị em gái đều bị khiếm thị do ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Được Hội Người mù tỉnh tạo điều kiện cho đi học lớp chữ nổi và nghề tẩm quất, bấm huyệt ở Hà Nội, chị Nhâm không ngừng nỗ lực học tập, cố gắng. Sau khi học xong, chị Nhâm được nhận làm thuê cho một cơ sở xoa bóp, tẩm quất. Với kiến thức đã học, lại chăm chỉ, chịu khó vừa làm vừa học hỏi thêm kinh nghiệm từ bạn bè, đồng nghiệp, tay nghề của chị ngày càng được nâng lên ngày càng có đông khách hàng. Sau khi tích lũy đủ kinh nghiệm, chị Nhâm đã mạnh dạn vay mượn vốn gia đình, người thân mở một cơ sở xoa bóp, bấm huyệt khang trang, rộng rãi, tạo việc làm ổn định cho 5 hội viên của Hội Người mù huyện với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Với tay nghề vững vàng, cơ sở tẩm quất, bấm huyệt của chị được nhiều người biết đến. Anh Trần Văn Đức, khách hàng quen thuộc của cơ sở cho biết: “Mấy năm nay, tôi thường hay bị nhức mỏi vai gáy và đau lưng. Đến với cơ sở, tôi được nhân viên phục vụ rất bài bản, nay đã đỡ nhiều, người khoẻ hơn, ăn uống tốt và ngủ ngon giấc hơn so với trước đây”. Thời gian tới, chị Nhâm dự định sẽ mở thêm dịch vụ xông hơi, chườm ngải cứu, chườm đá nóng để phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của khách hàng. Không chỉ tạo việc làm ổn định, chị còn là chỗ dựa tinh thần, quán xuyến mọi việc trong gia đình, chăm lo cho bố mẹ. Chị Nhâm chia sẻ: Là phụ nữ, lại bị khiếm thị là một thiệt thòi lớn. Tuy nhiên, tôi không mặc cảm mà luôn cố gắng vươn lên để có được một cuộc sống bình thường. Tôi luôn nhận được sự quan tâm của Hội Người mù Trực Ninh cùng các ban, ngành, đoàn thể trong huyện và người thân trong việc tạo điều kiện, giúp đỡ, động viên để vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống. Bên cạnh nỗ lực phát triển kinh tế, chị Nguyễn Thị Nhâm còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, được hội viên Hội Người mù huyện Trực Ninh tín nhiệm bầu Phó chủ tịch huyện Hội, chị Nhâm luôn nhiệt tình trong công tác, quan tâm đời sống của những hội viên có cùng cảnh ngộ. Từ những lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hội viên, động viên họ vượt lên số phận, giúp đỡ hội viên tiếp cận tri thức, học nghề để cải thiện cuộc sống, hòa nhập cộng đồng; cùng Thường trực Hội tạo điều kiện cho hội viên học chữ nổi; hướng dẫn hội viên thủ tục vay vốn và định hướng lao động, sản xuất, giúp gia đình hội viên sử dụng đồng vốn đúng mục đích; duy trì các hoạt động nghề trong hội viên như chăn nuôi, buôn bán nhỏ, làm tăm tre, chổi đót... Chị Vũ Thị Loan ở xã Liêm Hải là một trong những người được chị Nhâm động viên tham gia Hội Người mù huyện. Được Hội tạo điều kiện cho học nghề tẩm quất, xoa bóp bấm huyệt và được nhận vào làm tại cơ sở tẩm quất, bấm huyệt của chị Nhâm. Ngoài ra, chị Loan còn tham gia cùng gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm đem lại hiệu quả kinh tế ổn định. Chị Loan cho biết: “Với nghề tẩm quất, bấm huyệt và chăn nuôi tại gia đình tôi có thu nhập ổn định, đủ trang trải cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, không phải phụ thuộc quá nhiều vào gia đình, người thân”.

Đồng chí Trần Quang Trường, Chủ tịch Hội Người mù huyện Trực Ninh cho biết: “Chị Nguyễn Thị Nhâm là một trong những hội viên tiêu biểu của Hội Người mù huyện. Chị có tinh thần trách nhiệm, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, năng động, sáng tạo trong định hướng xây dựng và phát triển tổ chức hội cũng như chăm lo đời sống, tạo việc làm cho hội viên. Những nỗ lực của chị trong cuộc sống và công việc đã tiếp thêm nghị lực cho những người khiếm thị vượt qua hoàn cảnh, hòa nhập với cộng đồng”./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com