Người cựu chiến binh biến đất thành vàng

04:11, 05/11/2021

Đầu tháng 11, dưới ánh nắng vàng rực rỡ, vườn quất của gia đình cựu chiến binh (CCB) Đoàn Huy Bé, xóm Nam Hùng 1, xã Nam Phong (thành phố Nam Định) chi chít cây lớn, nhỏ với những quả to tròn, tỏa hương thơm ngát. Chỉ vào những cây quất cao gấp đôi thân người, tán tỏa ra rộng, được gắn số, ghi tên, ông Bé cho biết: “Những cây quất này đều được khách hàng đặt mua. Khoảng hơn 1 tháng nữa nhà vườn sẽ đông đúc, nhộn nhịp với khách hàng từ khắp các tỉnh, thành miền Bắc đổ về đặt mua quất chơi tết. Nhịp buôn bán vậy cũng đã ngót chục năm nay!.

Cựu chiến binh (CCB) Đoàn Huy Bé (bên phải), xóm Nam Hùng 1, xã Nam Phong (thành phố Nam Định) hướng dẫn thợ chăm sóc cây cảnh trong vườn nhà.
Cựu chiến binh (CCB) Đoàn Huy Bé (bên phải), xóm Nam Hùng 1, xã Nam Phong (thành phố Nam Định) hướng dẫn thợ chăm sóc cây cảnh trong vườn nhà.

Năm 1969, cũng như bao lớp thanh niên, theo tiếng gọi của Tổ quốc anh Đoàn Huy Bé lên đường nhập ngũ và được điều động về Trung đoàn 95, Sư đoàn 10 đóng quân ở các tỉnh Gia Lai, Buôn Ma Thuột. Ông đã từng tham gia các chiến dịch đường 9 - Nam Lào, chiến dịch Tây Nguyên giải phóng Buôn Ma Thuột năm 1975… Năm 1976, ông được xuất ngũ, hưởng chế độ thương binh. Những ngày mới xuất ngũ là khoảng thời gian khó khăn nhất khi gia đình ông vốn đông anh em, kinh tế lại eo hẹp. Sau khi lập gia đình, ông xin bố mẹ ra thuê nhà ở riêng “khởi nghiệp” nghề làm vườn, chăn nuôi. Năm 1990, thấy một người cùng xóm trồng, bán được 40 cây quất cảnh, đủ tiền để xây 1 ngôi nhà mái bằng kiên cố, ông Bé quyết định chuyển hướng sang trồng quất. Tuy nhiên, đất trong vườn nhà ông là đất cát pha không trồng được quất nên ông dùng xe thồ xuống các khu ruộng của gia đình đào đất thịt mang đổ về vườn. Xác định phải trồng với số lượng lớn, nêu ông Bé mua 200 cây quất cảnh về trồng. “Nói là mua cho “oách” chứ hồi đó tôi còn phải chạy ăn từng bữa đang “bí” không biết làm thế nào để có tiền mua cây thì có thương lái người Thái Bình do bán “ế” quất phải gửi tạm lại vườn của một người cùng xóm. Ông ấy bảo tôi cứ mua đi, khi nào bán được cây mới lấy tiền”. Trồng trên 200 cây quất, ông Bé trồng quất nhiều nhất nhì trong xã lúc bấy giờ. Không phụ công sớm hôm chăm bón, vụ quất tết đầu tiên, ông Bé thắng lớn, sau khi bán đi một nửa số lượng cây, ông thu về 6 triệu đồng tiền lãi là số tiền “mơ ước” của nhiều người trồng quất Nam Phong bấy giờ. Vụ quất năm 1992 tiếp tục mang lại cho ông mùa bội thu với 16 triệu đồng tiền lãi. Đến năm thứ 3, sau khi trừ chi phí ông Bé có 60 triệu đồng. Có tiền, ông Bé không vội đầu tư xây dựng, sửa sang nhà cửa mà dành để mua thêm ruộng và giống cây hải đường, sanh, si, tùng la hán… về trồng. Ông cho biết, đối với việc gieo trồng, chăm sóc các loại cây này đòi hỏi rất nhiều công sức và kỹ thuật chăm bón hạt giống, cây giống được chọn mua từ các trung tâm giống cây trồng uy tín. Riêng hạt giống cây tùng la hán được xử lý trộn cùng tro bếp rồi gieo hạt. Gieo hạt xong, ông Bé cẩn thận phủ lên một lớp xỉ than, dùng bạt để chắn mưa gió cho cây. Dần dà ông nhân giống được các loại cây cảnh lâu năm. Không những học cách gieo trồng, nhân giống cây, để trồng các loại cây cảnh, ông Bé còn tìm đến nhiều nhà vườn trong và ngoài tỉnh học cách uốn, tạo thế cho cây. Trong các loại cây, việc chăm sóc và tạo thế cho cây quất trông có vẻ đơn giản nhưng vẫn đòi hỏi nhiều kỹ thuật. Đây là giống cây… không có thế. Nếu các loại sanh, si, tùng… người thợ chỉ việc “nương” theo các thế ban đầu để bắt dáng thì quất hầu như chỉ có một dáng duy nhất… là mọc thẳng. Để tạo nên dáng, thế cho quất, bắt buộc người trồng phải có ý tưởng ngay từ đầu, hoa tay và con mắt “xanh” biết nhìn cây. Một cây quất đẹp là cây có độ dày lá vừa phải, có đủ lộc, hoa, quả trên cây phải sáng mã. Tổng thể cây như thế, yêu cầu người thợ làm vườn phải bỏ ra rất nhiều tâm sức.

Sau nhiều năm miệt mài bám ruộng đồng trồng cây cảnh, quất, đến nay, ông Bé có diện tích vườn gần 4ha, chia thành nhiều vườn khác nhau; trồng quất, trồng cây cảnh lâu năm, có chỗ lại xen canh cả quất và sanh, si… Trong vườn nhà ông không thiếu những cây cảnh có giá trị hàng trăm triệu đồng. Trong đó có cây quý như bộ ba cây sanh thế trực; cây sanh dáng long phá có tuổi đời vài chục năm... Hàng năm, nhà vườn của ông xuất bán ra thị trường hàng nghìn cây cảnh các loại, trừ chi phí thu về khoảng 5 tỷ đồng tiền lãi đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động với mức lương từ 170-600 nghìn đồng/người/ngày. Thành công từ cây cảnh, cây thế nhưng không phải lúc nào ông Bé cũng gặp thuận lợi. Những năm đầu khởi nghiệp, ngoài vốn ông còn gặp khó khăn về kỹ thuật do chưa am hiểu hết đặc tính của các loại cây khác nhau. Năm 1997, đã có lúc ông còn tính đến chuyện bán nhà để trả tiền quất. “Năm đó bão to, mưa lớn làm ngập lụt hết cả ruộng quất. Đêm nằm trong nhà tôi nghe mưa mà buồn “thối ruột gan”. Sáng mai ra thăm vườn, nước ngập hơn nửa cây quất. Trong làng, ngoài sông đều ngập, không có chỗ cho nước thoát. Với đà này, sau một, hai ngày ngâm nước, rễ cây sẽ thối hết. Nếu không cứu được vườn có khi tôi phải bán nhà trả nợ quất. Trong “cái khó ló cái khôn”, tôi nghĩ ra cách mua túi bóng loại dày “be” thành tường rào cho ruộng quất rồi thuê máy bơm hút nước và bùn nhão ra khỏi vườn. Bơm suốt mấy tiếng đồng hồ, nước trong  vườn hạ thấp dần, tôi biết đã cứu được vườn quất”, ông Bé kể.

Hơn 30 năm làm vườn, gắn bó cả đời với các loại cây cảnh, cây quất, niềm vui mỗi ngày với ông Bé là được ra vườn chăm sóc cây. “Trả công” ông, suốt 20 năm chưa khi nào nhà vườn phải “ế” hàng, đặc biệt là quất tết, kể cả bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19. Nhà vườn của ông trở thành “địa chỉ tin cậy” cho người sành chơi cây ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc và “danh tiếng” của người CCB có đôi bàn tay biết biến đất, biến cây thành “vàng” cũng ngày càng vang xa./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com