Chuyến tàu ngày cuối năm

07:12, 31/12/2021

Ga Nam Định, một chiều cuối năm Tân Sửu, mưa lây phây kèm chút se lạnh. Khác với nhiều năm trước, năm nay, do tiếp tục ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên lượng người về quê đón Tết giảm nhiều. Tiếng còi tàu hú vang báo hiệu sắp tới ga khiến không khí rộn ràng hẳn lên. Hành khách ai cũng hối hả, “tay xách nách mang”. Những ánh mắt lấp lánh niềm vui của những người con xa quê được trở về sau quãng thời gian dài xa cách.

Nhân viên gác chắn đường tàu tại trạm gác trên đường Trần Huy Liệu (thành phố Nam Định) làm nhiệm vụ.  Bài và ảnh: Thanh Hoa
Nhân viên gác chắn đường tàu tại trạm gác trên đường Trần Huy Liệu (thành phố Nam Định) làm nhiệm vụ.

Vừa đặt chân xuống sân ga, anh Trần Bình Minh từ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Năm nào tôi cũng cùng cả gia đình về quê đón Tết, nhưng năm nay do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên vợ và các con ở lại mình tôi về ăn Tết cùng bố mẹ”. Theo anh Minh kể, ngày bé, bố anh đi làm xa, mỗi dịp Tết đều đi về bằng tàu hỏa và mang theo quà bánh. Mấy anh chị em trong nhà lúc nào cũng ngóng bố về để được chia phần bánh kẹo. Bây giờ thì ở đâu cũng sẵn đồ Tết, chẳng thiếu gì nữa nhưng anh vẫn duy trì việc mang quà Tết về dâng lên ông bà, tổ tiên, biếu cha mẹ, người thân. Cách đó không xa, một cô gái háo hức gọi điện cho người thân. Cô gái tên Phạm Minh Anh sống với bà ngoại từ nhỏ ở thành phố Nam Định, bố mẹ làm trong miền Nam. Nghỉ hè tranh thủ vào thăm mẹ nhưng rồi phải ở lại lâu hơn dự định vì dịch bệnh. Một năm cũ đã qua, một năm mới lại về, cô gái muốn về quê đón Tết cùng bà. Một mình đi đường xa, lại mang theo nhiều đồ đạc, cô gái được nhân viên nhà ga nhiệt tình xách hành lý giúp. Trên sân ga, bên cạnh những người từ nơi xa về quê ăn Tết, có những người lại chuẩn bị hành lý, chờ đợi tàu để vào miền Nam, sum họp với gia đình. Chị Trần Thùy Trang, nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh, ra Nam Định công tác. Vì có tiếp xúc với bệnh nhân mắc COVID-19, phải cách ly y tế nên trở về miền Nam muộn hơn so với dự tính. Chị Trang tâm sự: “Tôi phải thực hiện cách ly y tế 14 ngày, hết thời gian cách ly tôi mới có thể đi về. May mắn thay tôi hoàn toàn khỏe mạnh. Trở về nhà, tôi đã chuẩn bị rất nhiều quà bánh đặc sản của Nam Định như: bánh gai, bánh nhãn, kẹo sìu châu... về biếu người thân và gia đình”.

Những chuyến tàu vẫn chạy xuyên Tết. Khi mọi người đã bắt đầu nghỉ ngơi và tận hưởng kỳ nghỉ dài nhất trong năm thì những vòng quay bánh xe lửa vẫn lăn đều trên đường ray. Nó như một sợi dây nối liền hai đầu Nam - Bắc, không bao giờ dừng lại bất kể thời gian. Để đảm bảo an toàn cho hành khách cũng như cho nhân viên, các nhà ga đã tăng cường các biện pháp phòng, chống nhằm chủ động kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh. Hành khách luôn được hướng dẫn, nhắc nhở đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp chống dịch khi đến ga mua vé, đợi tàu, khi ra vào ga, lên xuống tàu, trong quá trình di chuyển... Nhân viên tiếp xúc với hành khách đều phải đeo khẩu trang khi làm việc, tuyên truyền cho người dân, hành khách đi tàu về các biện pháp phòng, chống dịch. Trong toa tàu, luôn duy trì nhiệt độ hơn 26 độ C, bố trí dung dịch rửa tay sát khuẩn, khuyến cáo hành khách hạn chế đi lại giữa các toa. Các đoàn tàu khách sau khi về ga đều được phun thuốc khử trùng, lau rửa trước khi chở khách chuyến tiếp theo. Đồng thời, hành khách, nhân viên đều được đo thân nhiệt, test nhanh trước khi lên tàu. Trường hợp nghi ngờ có khả năng nhiễm COVID-19, nhân viên y tế sẽ tiến hành cách ly, đưa hành khách tới bệnh viện... 

Sân ga chiều cuối năm, hình ảnh những hành khách giúp đỡ nhau, cán bộ, nhân viên tàu hỗ trợ khách, xách hành lý giúp người dân... trở nên quen thuộc. Đối với những nhân viên đường sắt, việc đón Tết tại ga, trên tàu hay gác chắn... đã trở thành bình thường. Chị Vũ Thị Thanh Lự, nhân viên gác chắn đường tàu tại trạm gác trên đường Trần Huy Liệu (thành phố Nam Định) cho biết: “Những năm trước, dịp cuối năm mỗi ngày có trên 40 chuyến tàu đi qua lại. Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên số chuyến tàu cũng giảm hẳn, chỉ còn khoảng 30 chuyến mỗi ngày nhưng chúng tôi vẫn nêu cao tinh thần trách nhiệm, ngày cũng như đêm bảo đảm an toàn cho những chuyến tàu, cũng như người dân tham gia giao thông”. Bên cạnh đó, không thể không kể đến những người tuần đường, kiểm tra đường ray mỗi ngày. Anh Trần Hữu Quyến, nhân viên tuần đường cho biết: “Ngày thường cũng như ngày Tết tôi cũng đi một lượt dọc tuyến đường mà Tổ quản lý. Từng mối ray đều phải được kiểm tra kỹ lưỡng. Một chiếc bu lông mối lỏng thôi là liên kết của đường ray đã không được đảm bảo, tàu đi qua rất dễ bị cặm. Vì vậy tôi luôn phải mang sẵn cờ lê để vặn chặt lại và thường xuyên đi kiểm tra, phát hiện chỗ nào có vấn đề để báo lại cho cấp trên kịp thời xử lý”. Còn anh Trần Xuân Đức, nhân viên phục vụ hành khách trên tàu Bắc - Nam chia sẻ: “Chúng tôi thường thay ca nhau đi xuyên Tết. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên số lượng hành khách đã vắng đi rất nhiều. Mỗi khi giao thừa đến, anh em trong tổ lại quây quần bên nhau quanh mâm cơm có bánh chưng, kẹo, mứt... để vơi đi nỗi nhớ nhà. Làm nghề này, việc ăn Tết trên tàu là chuyện bình thường. Mỗi người đều phải tạm gác niềm vui đoàn tụ ngày Tết để đem đến những chuyến tàu an toàn, thoải mái cho hành khách. Cứ sau mỗi chuyến tàu Bắc - Nam, nhân viên trên tàu được nghỉ chưa đến 1 ngày là khởi hành chuyến tiếp. 

Tiếng hú còi tàu lại vang lên mỗi khi rời ga trong đêm cuối năm se lạnh, hai bên đường khuất dần bóng người và xe cộ lùi dần phía sau. Đoàn tàu lao đi trong màn đêm, tiếp tục sứ mệnh của mình mang Tết đầm ấm, sum vầy cho nhiều gia đình./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com