Nữ giảng viên trẻ đam mê với nghề

05:03, 22/03/2019

Tranh thủ tiếp chúng tôi giữa giờ nghỉ trưa, giảng viên Nguyễn Thị Thu Hường, Trường Đại học Điều Dưỡng Nam Định chia sẻ rất nhiều kỷ niệm buồn vui trong nghề. Nhận công tác tại trường từ năm 2011, đến nay, cô giáo trẻ cũng đã có trên 8 năm đứng lớp. Vừa dạy học, tham gia nghiên cứu khoa học, dẫn sinh viên đi thực tập tại bệnh viện, vừa làm công tác Đoàn, Hội, Hường nói “Nhiều khi em bận bù đầu. Tuy nhiên, nếu không lên lớp, không được trực tiếp chăm sóc các bệnh nhân thì lại thấy nhớ, thấy “thiêu thiếu” thứ gì đó. Và, chỉ cần có lòng yêu nghề, mọi khó khăn đều có thể khắc phục”.

Sinh năm 1989 ở Chương Mỹ (Hà Nội), từ những ngày còn học phổ thông, ước mơ của Hường là trở thành một vận động viên thể thao chuyên nghiệp. “Tuy nhiên cuộc sống luôn có những thay đổi bất ngờ. Em trọ học cùng với một bạn, mẹ bạn quê ở huyện Xuân Trường, làm trong ngành y. Cô phân tích cho chúng em, với lực học, điều kiện thực tế nếu thi vào Trường Đại học Điều Dưỡng Nam Định sẽ rất phù hợp. Cô còn thường kể cho chúng em nghe về công việc của mình. Từ đó, em có những hình dung nhất định về nghề. Em quyết định nộp hồ sơ thi và gắn bó với trường từ đó. Với những nỗ lực từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, em được kết nạp Đảng từ những ngày còn là sinh viên”. Tốt nghiệp năm 2011, đúng dịp nhà trường thi tuyển giảng viên, Hường nộp hồ sơ thi và trúng tuyển. Cô giáo trẻ sau đó được phân công giảng dạy bộ môn Điều dưỡng chuyên khoa hệ nội, giờ là bộ môn Điều dưỡng người lớn nội khoa. Tháng 10-2015, Hường chuyển công tác sang Trung tâm Thực hành tiền lâm sàng, tiếp tục đứng lớp ở bộ môn Điều dưỡng người lớn nội khoa. Đây là môn học mà theo Hường tương đối “khô và rắn”, vì vậy, để tạo sức hút sinh viên vào các bài giảng, giáo viên phải có phương pháp riêng. Theo đó, nhằm tạo không khí học tập sôi nổi cho sinh viên, trước mỗi giờ lên lớp, cô giáo Hường thường dành ít phút trò chuyện về tầm quan trọng của nghề nghiệp, giúp các điều dưỡng viên tương lai hình dung rõ hơn về nghề, trách nhiệm của bản thân đối với công việc. Thứ hai, cô Hường ra rất nhiều bài tập về nhà, yêu cầu sinh viên làm bài theo nhóm. Mục đích là để sinh viên tăng khả năng tự học, tự trao đổi phát hiện vấn đề. Sau cùng để mỗi tiết học thực sự hiệu quả, Hường luôn chuẩn bị bài giảng rất chu đáo, kỹ lưỡng. Trong bài giảng của mình, cô giáo thường xuyên sử dụng máy chiếu có minh họa hình ảnh để sinh viên dễ liên tưởng, có cái nhìn trực quan, cụ thể. Do đó, chất lượng mỗi bài giảng không ngừng được nâng cao, các lớp học của Hường luôn được sinh viên yêu thích, tích cực hưởng ứng.

Giảng viên Nguyễn Thị Thu Hường, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định trong một giờ giảng.
Giảng viên Nguyễn Thị Thu Hường, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định trong một giờ giảng.

Không chỉ yêu thích công tác giảng dạy, Nguyễn Thị Thu Hường còn là một trong những giáo viên trẻ đam mê nghiên cứu khoa học. Xác định đây là con đường để mở rộng tri thức, áp dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn nên cô giáo trẻ rất chịu khó tham gia viết các công trình khoa học, hướng dẫn sinh viên thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học. Năm học 2016-2017, Hường cùng với nhóm các giảng viên của trường viết giải pháp “Tiếp sức người bệnh, góp phần giảm tải bệnh viện và nâng cao chất lượng phục vụ tại bệnh viện”. Cụ thể, trước tình trạng quá tải bệnh nhân ở các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện lớn thì việc hỗ trợ bệnh nhân tiếp cận nhanh với các dịch vụ khám, chữa bệnh là vô cùng cần thiết. Do đó, nhóm nghiên cứu của cô giáo Hường đã đề xuất ý tưởng thành lập Đội sinh viên tình nguyện tiếp sức người bệnh do Hường phụ trách. Đội có 80 thành viên chính thức và khoảng 100 cộng tác viên là sinh viên chính quy của Trường Đại học Điều Dưỡng Nam Định. Vào các ngày từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, đội sẽ có mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Phổi Nam Định để tiếp đón, tham gia hướng dẫn bệnh nhân, người nhà bệnh nhân làm thủ tục, nộp viện phí, sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh trong bệnh viện, nhắc nhở bệnh nhân và người nhà thực hiện nội quy, hỗ trợ nhân viên y tế vận chuyển bệnh nhân… Triển khai thử nghiệm từ tháng 6-2015, đến năm 2017, đã có khoảng 400 sinh viên tình nguyện tham gia chương trình. Tổng số lượt người bệnh được hướng dẫn các thủ tục thăm khám tại 2 bệnh viện ước đạt 2.500-3.000 người/tháng. Hiệu quả của giải pháp được người bệnh và các bệnh viện đánh giá rất cao; có khả năng áp dụng đại trà tại tất cả các bệnh viện trên địa bàn thành phố. Giải pháp được công nhận là sáng kiến cấp tỉnh năm 2018 tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Nam Định lần thứ VI. Trong 4 năm từ 2011-2015, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hường có khoảng thời gian liên tục đi lâm sàng tại Bệnh viện Phổi Nam Định. Quá trình hỗ trợ bệnh nhân tại đây, Hường nhận thấy kiến thức của bệnh nhân về bệnh cũng như phòng lây nhiễm cho cộng đồng còn rất thấp. Hậu quả là bệnh nhân có thể vô tình lây bệnh cho người thân hoặc cộng đồng dân cư. Với mục đích nâng cao hiểu biết cho người bị bệnh lao về tình trạng bệnh, cách phòng tránh, năm 2017, Hường nghiên cứu đề tài “Kiến thức, thái độ về phòng lây nhiễm bệnh lao phổi tại Bệnh viện Phổi Nam Định”. Theo đó, Hường tiến hành khảo sát trên 304 người bệnh tại Khoa Lao phổi của bệnh viện với hai nội dung: kiến thức và thái độ về phòng lây nhiễm lao cho cộng đồng của người bệnh lao phổi. Kết quả, trong tổng số 304 người tham gia có 21,1% nữ, 78,9% nam, 69,7% sống ở nông thôn. Điểm kiến thức của đối tượng nghiên cứu thấp nhất là 7, cao nhất là 34. Điểm thái độ của đối tượng nghiên cứu thấp nhất là 1, cao nhất là 12. Từ khảo sát trên, Hường đưa ra kết luận, cần tăng cường công tác truyền thông cho người bệnh bằng nhiều hình thức, đặc biệt chú trọng truyền thông cho những người trên 60 tuổi, nam giới, người có trình độ học vấn dưới trung học phổ thông, những người bị bệnh lần đầu. Từ khảo sát nghiên cứu của cô giúp người bệnh và những nhà quản lý biết được hiện trạng thực tế. Qua đó có các giải pháp điều trị, chăm sóc phù hợp. Nghiên cứu đã được Hường trình bày tại Hội nghị khoa học và công nghệ tuổi trẻ cấp trường năm 2018 và đoạt giải Nhất cấp trường.

Ngoài đam mê công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, giảng viên Nguyễn Thị Thu Hường còn được biết đến là một cán bộ Đoàn, Hội nhiệt huyết, năng động. Trên cương vị Chủ tịch Hội sinh viên, ủy viên ban thường vụ Đoàn trường, Hường đã cùng Ban chấp hành Đoàn, Hội tổ chức được nhiều hoạt động, phong trào mang đậm dấu ấn của tuổi trẻ. Có thể kể đến các hoạt động như: tổ chức chương trình Tiếp sức mùa thi từ năm 2016-2018 ở các điểm thi Thành phố Nam Định, huyện Giao Thủy, Xuân Trường...; tham gia tổ chức chương trình Áo ấm vùng cao các năm 2016, 2017 tại tỉnh Điện Biên. Kết quả, chương trình đã hỗ trợ 20 triệu đồng tiền mặt, hàng trăm bộ quần áo, chăn, màn, nhu yếu phẩm với tổng giá trị hơn 100 triệu đồng. Tham gia tổ chức chương trình Tết yêu thương các năm 2016, 2017, 2018. Kết quả, tặng 200 suất quà cho hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, các thương, bệnh binh trong toàn tỉnh, tặng 300 chiếc bánh chưng tặng cho người bệnh nghèo tại 2 khoa Ung bướu và khoa Thận nhân tạo ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh; tổ chức và tặng quà cho 300 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn dịp Tết Đinh Dậu 2017… Là người đam mê công tác tình nguyện, đặc biệt là hoạt động hiến máu tình nguyện, đến thời điểm hiện tại, phụ trách Đội tuyên truyền, vận động hiến máu nhân đạo Nguyễn Thị Thu Hường đã tham gia hiến máu 13 lần, trong đó có năm hiến tới 4 lần...

Đam mê dạy và học, nghiêm túc trong công việc, nhiệt huyết trong hoạt động Đoàn, Hội, giảng viên trẻ Nguyễn Thị Thu Hường là tấm gương sáng luôn được đồng nghiệp nể phục, tin yêu, sinh viên kính trọng. Trong 4 năm từ  2014-2018, Hường được nhận Bằng khen của Tỉnh Đoàn, năm học 2016-2017 được nhận Bằng khen Trung ương Đoàn. Đầu năm 2019, cô giáo Hường vinh dự được Tỉnh Đoàn vinh danh đảng viên trẻ tiêu biểu trong học tập và làm theo lời Bác./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com