Về miền đất trẻ Rạng Đông

07:03, 13/03/2019

Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) là miền đất trẻ. Sự trẻ trung ấy được bồi đắp bởi những suy nghĩ, dự tính táo bạo của mỗi người con trên vùng đất mới với tình yêu quê hương tha thiết, hừng hực lửa đam mê khởi nghiệp, xây dựng đời sống ấm no hạnh phúc.

Kinh doanh vật liệu xây dựng tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Ba Hiếu, Thị trấn Rạng Đông.
Kinh doanh vật liệu xây dựng tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Ba Hiếu, Thị trấn Rạng Đông.

Trở lại Rạng Đông vào dịp đầu năm 2019 vừa qua, chúng tôi đã cảm nhận được sự khác lạ đến ngỡ ngàng, những trang trại bề thế quy mô đến vài héc-ta, các trục đường chính, đường dong ngõ xóm được đổ bê tông theo tiêu chuẩn nông thôn mới, những ngôi nhà cao tầng khang trang mọc lên san sát. Ở vào thời điểm hơn chục năm trước, có dịp đi khảo sát Cồn Xanh, khu khai hoang lấn biển của huyện Nghĩa Hưng, nghe người dân nói nhiều đến các dự án mở rộng cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển kinh tế, nhiều người trong chúng tôi cũng chưa tin lắm. Bởi thực tế đời sống kinh tế - xã hội của những vùng lân cận vẫn đang ở mức thấp thì ít ai hình dung được những điều xa xôi. Đặc biệt là Thị trấn Rạng Đông, cửa ngõ của Cồn Xanh, khi đó vẫn mang vóc dáng của một nông trường với “thế mạnh” duy nhất là trồng cói. Chẳng hiểu từ bao giờ dân gian có câu rằng “Trồng cói nghèo đói quanh năm”. Vậy nên cái ấn tượng của chúng tôi về Rạng Đông phần nhiều là không đẹp, tâm trí in hằn một màu xanh của cói và cói, những ngôi nhà với ánh đèn điện tối mờ do không đủ công suất. Như để khẳng định sự phát triển của Rạng Đông, đồng chí Nguyễn Duy Phong, Chủ tịch Hội Nông dân Thị trấn dẫn chúng tôi đi thăm một số mô hình kinh tế hộ gia đình tiêu biểu. Qua lời giới thiệu, được biết, những hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã có nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt trong việc phát triển ngành nghề mới, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư vốn, kỹ thuật và nâng cao thu nhập cho hàng trăm hộ dân. Điển hình như ông Bùi Văn Hiếu, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Ba Hiếu, chuyên về kinh doanh vật liệu xây dựng. Trước khi nghỉ hưu, ông Hiếu là cán bộ công đoàn của Nông trường Rạng Đông. Những năm 2000, ông đã thấy được xu thế phát triển của quê hương mình là “Rạng Đông sẽ trở thành một đô thị năng động”, bởi ở đây gần cửa biển, có đất đai màu mỡ, lực lượng lao động dồi dào. Rạng Đông khi phát triển thành đô thị thì phải có đường giao thông thuận lợi, muốn vậy thì phải có vật liệu và các điều kiện hạ tầng khác. Với điều kiện giao thông đường thủy thuận lợi và có chi phí vận chuyển rẻ nhất, năm 2008, ông nghỉ hưu và bắt đầu thực hiện xây dựng cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng. Ông xin UBND thị trấn đấu thầu mảnh đất hoang hóa (người dân gọi là vụm Cống) gần cống Tiêu, xóm Tiền Phong để làm bến bãi chứa vật liệu xây dựng. Những năm đầu, vụm Cống không có đường vào, không có người ở, lại là một vùng hõm bên cửa sông, nơi tập trung nhiều rác thải của khu vực. Ông Hiếu bắt đầu từ những xe đất, mỗi ngày một trăm chuyến, mỗi chuyến chứa được 2 khối đất. Trong suốt 3 năm mới bồi đắp xong mặt bằng để hình thành bến bãi. Những năm đó, không ít lần ông Hiếu phải thế chấp nhà, vay ngân hàng, làm nghề phụ để xây bến bãi, thuận tiện cho tàu thuyền cập bến vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng. Chia sẻ với chúng tôi, ông Hiếu cho biết: “Tôi đóng gạch ba banh, đóng bi nước, đi đắp đường để có tiền làm bến bãi. Những chuyến hàng đầu tiên cập bến, tôi đã mừng vui khôn tả, nhưng vui đấy rồi lại lo đấy. Bởi hàng tập kết được mà không có đường để đưa được đến với khách hàng thì cũng vô ích”. Và rồi với tinh thần của anh “Bộ đội Cụ Hồ”, ông luôn tìm tòi, khắc phục khó khăn cuối cùng vấn đề giao thông đã được giải quyết. Những chuyến xe vận tải nhỏ đã có thể từ bến tập kết tỏa đi cung cấp vật liệu xây dựng cho các địa phương quanh vùng. Đến nay, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng của ông Hiếu đã vững vàng và thuộc hàng có tiếng ở huyện Nghĩa Hưng, doanh thu hàng năm của Công ty đạt từ 2-3,5 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động với mức thu nhập 4-6 triệu đồng/người/tháng. Điều đáng quý của người chủ doanh nghiệp này là ông luôn đi đầu trong những việc như làm đường giao thông thôn xóm, tham gia ủng hộ xây dựng công trình phúc lợi xã hội ở địa phương.

Một trong những hộ sản xuất, kinh doanh góp phần thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm cho nhiều hộ nông dân ở Rạng Đông là Công ty Sản xuất và Kinh doanh thủy hải sản Sơn Nguyệt (Công ty Sơn Nguyệt). Công ty có trang trại với hệ thống ao nuôi ươm cá con và nuôi cá thương phẩm. Đặc sản của Công ty Sơn Nguyệt là cá bống bớp. Đây là loại cá nước lợ chỉ có ở vùng cửa sông ven biển miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Cá bống bớp có sức khỏe tốt, thịt cá thơm ngon giàu chất đạm… Anh Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Công ty cho biết, từ năm 2010, anh đã nghĩ ra cách và áp dụng thành công quy trình ươm, nuôi, ghép đôi và sinh sản của con cá bống bớp. Tiếng là Giám đốc nhưng phong cách của anh Sơn vẫn đậm chất của người nông dân miền biển. Nghĩa là vừa đi gom hàng, đi bán, tham gia chăn nuôi. Qua câu chuyện chúng tôi mới biết rằng nếu không đến thu mua và hướng dẫn trực tiếp cho người dân thì rất ít người làm theo đúng quy trình chăn nuôi, đảm bảo theo yêu cầu của đơn vị nhập khẩu. Bởi cho đến thời điểm hiện tại, anh Sơn là “chuyên gia” duy nhất đang giữ “công nghệ” ươm nuôi loài cá tự nhiên này ở khu vực Nam Định, Thái Bình. “Mỗi người có thể chăm sóc tốt cho một hồ cá rộng 2.000m2. Nếu biết tổ chức công việc tốt thì một gia đình 4 người có thể trông 5 hồ cá mà vẫn có thời gian làm việc khác. Mỗi vụ trừ vốn cá giống và thức ăn trong 11 tháng, các hộ nuôi thu về từ 50 đến 80 triệu đồng” anh Sơn chia sẻ thêm. Hiện tại hệ thống “chân rết” của Công ty Sơn Nguyệt có khoảng 350 hộ gia đình được chuyển giao vốn, công nghệ và bao tiêu sản phẩm. Bản thân Công ty Sơn Nguyệt cũng có 4 trại ươm, nuôi cá giống và cá thương phẩm. Bình quân doanh thu của Công ty đạt trên dưới 10 tỷ đồng/năm.

Ở Thị trấn Rạng Đông, còn rất nhiều những hộ làm kinh tế giỏi như mô hình nuôi tôm thẻ, tôm sú kết hợp trồng đinh lăng, mô hình sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ chiếu cói, mô hình chăn nuôi lợn sạch, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản quy mô lớn… Tất cả họ đều có một điểm chung đó là tinh thần đoàn kết, lạc quan và tin tưởng, đặc biệt là sự cần cù, chịu khó học tập, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả thu nhập cao. Từ việc phát triển kinh tế gia đình theo quy mô trang trại hoặc thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh đến các doanh nghiệp trong các lĩnh vực đã góp phần xây dựng Thị trấn Rạng Đông ngày càng đổi mới. Đến nay, hầu hết đường giao thông trục xã, liên xã của thị trấn đã được nhựa hoá đạt chuẩn; các đường trục các tổ dân phố đã được cứng hoá; hệ thống chiếu sáng công cộng được đầu tư đồng bộ khang trang. Các cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thị trấn, trạm y tế... được đầu tư đạt chuẩn quốc gia. Cơ cấu kinh tế của thị trấn dần chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó tỷ trọng nông nghiệp, thuỷ sản hiện chiếm 46,26%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp 31,41%; dịch vụ, thương mại 22,33%. Thế mạnh về nuôi trồng thuỷ sản và kinh doanh dịch vụ thương mại được người dân thị trấn phát huy, tạo ra thị trường đa dạng, sôi động, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đô thị ven biển. Đời sống nhân dân Thị trấn Rạng Đông ngày càng được nâng cao, số hộ khá giàu chiếm hơn 40%, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm xuống còn 2,7% theo tiêu chí mới; hơn 90% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com