Ghi nhận bước đầu trong sản xuất vụ xuân 2019

08:02, 25/02/2019

Với phương châm tiếp tục chuyển dịch cơ cấu giống theo hướng chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, vụ xuân năm 2019, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo với những chân ruộng nhiễm chua, mặn, úng, trũng tăng cường sử dụng giống lúa lai chất lượng cao như: Nhị ưu 838, CT16, TX111, TH3-3… Các địa phương có trình độ thâm canh cao, đồng đất không chua, trũng đã mở rộng diện tích gieo cấy các giống lúa thuần ngắn ngày, chất lượng cao là BT7, Nếp97, TBR225, Thiên ưu 8; trong đó chủ lực là giống lúa BT7.

Nông dân xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) xuống đồng cấy lúa xuân.
Nông dân xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) xuống đồng cấy lúa xuân.

Đến ngày 15-2, các địa phương đã lấy đủ nước phục vụ cho gieo cấy; diện tích còn lại chủ yếu là những chân ruộng cao, hạn tập trung ở Mỹ Lộc, Thành phố Nam Định, Ý Yên cũng được các Công ty khai thác công trình thủy lợi địa phương hoàn thành cung ứng nước ngay sau đó. Thời gian qua, thời tiết nắng ấm nên mạ sinh trưởng, phát triển nhanh và cũng là điều kiện thuận lợi cho nông dân tập trung gieo cấy lúa. Từ trước Tết Nguyên đán, nhờ bám sát tình hình thời tiết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kịp thời có Công điện chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung kiểm tra, đánh giá tình hình sinh trưởng, phát triển và phân loại chất lượng mạ xuân; phát động nông dân xuống đồng cấy lúa xuân ngay từ ngày mồng 3 Tết để tránh tình trạng mạ già quá tuổi. Đến hết ngày 10-2 (mồng 6 Tết), toàn tỉnh đã cơ bản bừa lồng xong toàn bộ diện tích; bừa cấy được 75% diện tích; cấy và sạ được trên 11.500ha, tập trung ở các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Trực Ninh. Đến hết ngày 15-2, toàn tỉnh đã bừa cấy được 98% diện tích; cấy và sạ gần 64 nghìn ha lúa, đạt 86% diện tích. Đến ngày 18-2, toàn tỉnh cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa xuân. Các huyện có tiến độ gieo cấy nhanh gọn lúa xuân trong khung thời vụ tốt nhất là Trực Ninh, Xuân Trường, Hải Hậu, được Chủ tịch UBND tỉnh điện khen về việc hoàn thành gieo trồng vụ xuân 2019. Từ kết quả so sánh, đối chiếu đánh giá gieo sạ của các vụ trước cho thấy tiết kiệm được giống, giảm 60% công lao động nặng nhọc, năng suất tăng 10-15%, hiệu quả sản xuất tăng 15-20% so với phương thức cấy truyền thống nên trong vụ xuân năm nay, các địa phương tiếp tục mở rộng gieo sạ, nâng tổng diện tích gieo sạ lên gần 41 nghìn ha. Địa phương gieo sạ nhiều nhất là huyện Ý Yên với diện tích 8.800ha; tiếp theo là các huyện: Vụ Bản 7.400ha, Nam Trực 6.000ha, Nghĩa Hưng 5.600ha… Trong sản xuất cây màu, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương sử dụng các giống có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu chất lượng nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu. Đến nay, toàn tỉnh đã gieo trồng được 8.240ha cây rau màu, đạt 70% kế hoạch; trong đó: lạc 3.890ha, ngô 1.005ha và cây khác là 3.345ha. Nhìn chung thời tiết những ngày qua cơ bản thuận lợi cho sinh trưởng của mạ và các cây rau màu.

Để bảo vệ cây trồng, ngay từ đầu vụ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chủ động xây dựng kế hoạch quản lý, phòng trừ dịch hại lúa. Nguyên nhân do hiện nay biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ nên đã phát sinh thêm một số đối tượng sâu, bệnh gây hại mới, nhất là bệnh lùn sọc đen luôn tiềm ẩn nguy cơ gây hại nghiêm trọng đến sản xuất lúa. Các đối tượng dịch hại có xu hướng gây hại với mật độ cao, trên diện rộng và không theo quy luật chung. Đặc biệt trong những vụ xuân gần đây, bệnh đạo ôn lá có xu hướng gia tăng trên tất cả các trà lúa; bệnh bạc lá đã xuất hiện ở nhiều thời điểm. Các đối tượng khác như sâu cuốn lá nhỏ, rầy có xu hướng xuất hiện rải lứa, thời gian một lứa kéo dài, mật độ gia tăng cao. Kế hoạch của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật được xây dựng chi tiết, đảm bảo khả thi, sát với thực tiễn sản xuất của tỉnh; hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường và bảo vệ sản xuất lúa. Theo kế hoạch, các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch hại như: thâm canh tăng sức đề kháng cho cây trồng, tăng cường điều tra phát hiện dịch hại trong suốt vụ và hướng dẫn kỹ thuật sử dụng thuốc, kiểm tra đánh giá hiệu quả sử dụng thuốc… Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân về tính chất nguy hiểm của các loại dịch hại và các biện pháp phòng, chống bệnh để người dân biết và chủ động thực hiện. Trong sản xuất cây rau màu xuân, huyện Vụ Bản phối hợp với Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư dịch vụ nông nghiệp Việt Nam triển khai mô hình hợp tác liên kết, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lạc tại Thị trấn Gôi và xã Liên Minh. Đây là chiếc máy canh tác tổng hợp ứng dụng trong trồng lạc, vừa phay tơi đất, vừa đánh luống gieo hạt. Máy có công suất bằng hơn 20 lao động thủ công; trong một ngày, chiếc máy này có thể lên luống, gieo hạt cho 2ha lạc. Luống thẳng, mật độ gieo đều giúp cho việc vận hành thuận lợi các máy xới cỏ, máy phun thuốc bảo vệ thực vật, máy tưới nước, máy thu hoạch lạc. Trong điều kiện nông thôn đang thiếu lao động làm nông nghiệp, việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu sản xuất là rất cần thiết. Theo tính toán, tổng chi phí dịch vụ cơ giới hóa đồng bộ cho cây lạc giảm 20% chi phí nhân công phù hợp với sản xuất cánh đồng lớn của huyện Vụ Bản. Đồng chí Phạm Đình Mậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vụ Bản cho biết: Từ hiệu quả của mô hình này, huyện sẽ triển khai áp dụng nhân rộng ở các mô hình liên kết trồng ngô, trồng lúa trong thời gian tới.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, thời tiết vụ xuân 2019 ấm hơn trung bình nhiều năm, trong tháng 2 và tháng 3 nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm từ 1,5-20C và không có rét đậm kéo dài. Vì vậy, nếu không được chăm sóc kịp thời, đúng kỹ thuật, lúa xuân 2019 có nguy cơ trỗ bông sớm và giảm năng suất. Để bảo đảm vụ xuân giành thắng lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các huyện, thành phố tăng cường hướng dẫn nông dân thực hiện đúng quy trình thâm canh lúa trong điều kiện vụ xuân ấm theo hướng dẫn của ngành./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com